Châu Âu: Phát hiện hóa chất vĩnh cửu TFA của thuốc trừ sâu ở trong nước khoáng

Hàm lượng hóa chất vĩnh cửu TFA độc hại cao ngất ngưởng trong nước khoáng buộc Liên minh châu Âu cần phải có những hành động quản lý chặt chẽ hơn về hạng mục thuốc bảo vệ thực vật.

Vốn dĩ nước khoáng phải đảm bảo các tiêu chuẩn về độ tinh khiết cũng như không lẫn tạp chất. Thế nhưng, lần đầu tiên nước khoáng tại một số quốc gia ở châu Âu được phát hiện có nhiễm Axit Tri-Fluoro-Acetic (TFA), một loại hóa chất vĩnh cửu PFAS độc hại có trong thuốc trừ sâu.

 Phát hiện hàm lượng TFA trong thuốc sâu cao ngất ngưởng ở các mẫu nước khoáng ở châu Âu.

Phát hiện hàm lượng TFA trong thuốc sâu cao ngất ngưởng ở các mẫu nước khoáng ở châu Âu.

Trong số 10 trên tổng số 19 loại nước khoáng xét nghiệm, Tổ chức Mạng lưới Hành động Diệt trừ Sâu bọ châu Âu (Pesticide Action Network Europe - PANE) đã phát hiện thấy hàm lượng hóa chất TFA độc hại ở mức cao gấp 32 lần so với ngưỡng cho phép. Tình trạng ô nhiễm được cho là bắt nguồn từ việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu có chứa thành phần TFA tại các quốc gia này.

Nhóm nghiên cứu của PANE cho biết, hóa chất vĩnh cửu PFAS là các chất tổng hợp thuộc nhóm Poly-Fluoro-Alkyl. Chất này tồn tại phổ biến trong môi trường, cơ thể con người và có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Ô nhiễm hóa chất vĩnh cửu PFAS hiện có ở khắp mọi nơi nhưng phát hiện mới đây về hàm lượng hóa chất TFA cao ngất ngưởng trong nước khoáng vẫn thực sự gây sốc.

Bà Angeliki Lysimachou, một tác giả nghiên cứu cho biết, ô nhiễm TFA đang lan rộng mà con người không hề hay biết. Bà cũng khẳng định, nghiên cứu không có ý đổ lỗi cho các nhà sản xuất nước khoáng vì đây không phải lỗi của họ. Thay vào đó, nghiên cứu chỉ đóng vai trò như một hồi chuông cảnh báo yêu cầu giới chức trách phải có hành động khẩn cấp để giới hạn một số sản phẩm thuốc trừ sâu có chứa TFA.

Trong số 600 mẫu nước ở Bỉ, có tới 93% chứa hóa chất TFA, cao nhất là ở vùng nông nghiệp. Trong khi đó tại Thụy Sĩ, TFA cũng được tìm thấy ở các mạch nước ngầm. Tại Mỹ, các mẫu nước mưa ở bang Michigan cũng đều chứa hóa chất độc hại này. Mặc dù được liệt kê là hóa chất độc hại nhưng gần đây, Cục Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency - EPA) của Mỹ đã loại bỏ TFA ra khỏi danh mục hóa chất vĩnh cửu PFAS do TFA đem lại nguồn thu đáng kể cho các nhà sản xuất hóa chất. Ngược lại, Ủy ban châu Âu vẫn đang đề xuất lệnh cấm 2 sản phẩm thuốc trừ sâu phổ biến có chứa hóa chất TFA , đồng thời sớm phân loại TFA là chất độc sinh sản gây hại tới cơ quan sinh sản hoặc hệ thống nội tiết ở con người. Trong báo cáo nghiên cứu của mình, PANE cũng kêu gọi cấm các nguồn hóa chất TFA phổ biến như thuốc trừ sâu trong bước triển khai đầu tiên.

Hóa chất TFA không chỉ được sử dụng trong thuốc trừ sâu mà còn là một chất làm lạnh phổ biến. Hiện nay, TFA có thể được dự tính sẽ thay thế cho CFC vốn gây ra khí nhà kính độc hại và được sử dụng trong sản xuất năng lượng sạch. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây, khí TFA cũng là một loại khí nhà kính mạnh có thể tồn tại trong khí quyển tới 1.000 năm. Theo ước tính, khoảng 60% hóa chất vĩnh cửu PFAS sản xuất từ năm 2019 - 2023 đều là khí Flo chuyển thành TFA.

 TFA là hóa chất phổ biến có trong thuốc trừ sâu.

TFA là hóa chất phổ biến có trong thuốc trừ sâu.

Cát Ân

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chau-au-phat-hien-hoa-chat-vinh-cuu-tfa-doc-hai-cua-thuoc-tru-sau-o-trong-nuoc-khoang-95533.html