Châu Âu sử dụng tài sản Nga bị phong tỏa viện trợ cho Ukraine
Các nước thành viên Liên minh châu Âu đang thúc đẩy lấy lợi nhuận từ tài sản của Nga bị phong tỏa chuyển thành viện trợ quân sự cho Ukraine.
Theo Reuters, sau nhiều bất đồng về vấn đề pháp lý, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần tới việc sử dụng một phần lợi nhuận phát sinh từ tài sản của Nga bị phong tỏa để viện trợ quân sự cho Ukraine.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 15/3 tại Berlin.
“Chúng tôi sẽ sử dụng lợi nhuận từ tài sản của Nga bị phong tỏa ở châu Âu để hỗ trợ tài chính mua sắm vũ khí cho Ukraine”, Thủ tướng Đức Scholz nói khi nhắc đến những nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.
Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, cả ba nhà lãnh đạo thuộc EU đều tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với Ukraine, đồng thời cam kết tăng cường viện trợ quân sự nhằm giúp Kiev vượt qua giai đoạn thiếu hụt đạn dược hiện tại.
Theo Thủ tướng Đức Scholz, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về sự cần thiết phải mua thêm vũ khí cho Ukraine thông qua các nhà phân phối khác và đặt ngành công nghiệp quốc phòng của khối này vào tình trạng thời chiến. Ngoài ra còn có việc tăng cường mở rộng các dây chuyền sản xuất vũ khí ở Ukraine.
Sự hỗ trợ của châu Âu đối với Ukraine ngày càng trở nên quan trọng khi Tổng thống Mỹ Joe Biden không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ đối với gói viện trợ bổ sung cho Ukraine cũng như giành cho Israel.
Trước đó, vào tháng 2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi EU xem xét sử dụng số lợi nhuận trên để "mua thiết bị quân sự cho Ukraine".
EC dự kiến sẽ đưa ra đề xuất cụ thể về vấn đề trên trong vài ngày tới.
Theo các nhà ngoại giao ở Brussels, một số nước thành viên EU như Hungary đã tỏ ra dè dặt về ý tưởng này. Nhưng tuyên bố của ông Scholz cho thấy nhà lãnh đạo Đức tin tưởng rằng cuối cùng các nước EU sẽ chấp thuận đề xuất này.
Thủ tướng Scholz cho biết các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí về sự cần thiết của việc thành lập Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine - do Mỹ dẫn đầu gồm khoảng 50 quốc gia cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Các bộ trưởng quốc phòng thuộc nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine dự kiện gặp nhau vào đầu tuần tới tại Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở Đức nhằm thảo luận về khả năng viện trợ bổ sung cho Kiev.
Cũng tại cuộc hội đàm ở Berlin, Tổng thống Pháp Macron một lần nữa nhắc lại cảnh báo của ông rằng không chỉ Ukraine mà cả an ninh châu Âu đang bị đe dọa.
“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết trong thời gian cần thiết để Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Quyết tâm này là kiên định và thể sự đoàn kết của chúng ta", Tổng thống Pháp nói.
Ông Macron nói thêm rằng ba nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Ba Lan đã nhất trí về sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho Moldova, quốc gia cho rằng Nga đang cố gắng gây bất ổn cho nước này thông qua một "cuộc chiến tranh ủy nhiệm". Tuy nhiên ba nhà lãnh đạo đã đồng ý không leo thang căng thẳng với Nga.