Châu Âu tái định hình trong khủng hoảng

Thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển địa chính trị sâu sắc: Sự trỗi dậy của Trung Quốc, cạnh tranh Mỹ - Trung, thế giới phân cực với những cuộc xung đột khu vực bùng nổ. Trong bối cảnh đó, châu Âu buộc phải tái định vị để duy trì vai trò và ảnh hưởng.

G-Zero, nơi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy

Trong một bài viết từ năm 2011 trên tạp chí Foreign Affairs, nhà phân tích chính trị Ian Bremmer đã nói về một trật tự thế giới nơi không có quốc gia nào hoặc nhóm quốc gia nào đủ năng lực hoặc sẵn sàng lãnh đạo toàn cầu. Khái niệm này được gọi là G-Zero.

Theo, tác giả, thế giới G-Zero là nơi hợp tác quốc tế suy yếu, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ tăng cao. Mỗi quốc gia sẽ theo đuổi lợi ích riêng, thay vì mục tiêu toàn cầu chung và điều đó sẽ dễ dẫn đến bất ổn và xung đột khu vực. Ý tưởng của Ian Bremmer vào thời điểm đó bị nghi ngờ khi nó được đưa ra giữa bối cảnh thế giới đang mở cửa hợp tác mạnh mẽ ở mức độ chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, khi có những biến động bùng phát, chúng ta bắt đầu thấy hiện tượng các quốc gia hành động riêng lẻ thay vì cùng phối hợp giải pháp toàn cầu, sự thay đổi dần đến.

Nước Anh đang trở lại tích cực hơn trong hợp tác với EU.

Nước Anh đang trở lại tích cực hơn trong hợp tác với EU.

Sau khủng hoảng di cư năm 2015, Brexit (2016) và đại dịch COVID-19, làn sóng dân túy cánh hữu tại Pháp (Đảng Tập hợp Quốc gia), Đức (AfD), hay Italy (dưới thời Thủ tướng Meloni) đã thách thức các giá trị đoàn kết EU. Các đảng này đề cao chủ quyền quốc gia, phản đối chia sẻ quyền lực với Brussels, từ chối chính sách nhập cư chung hoặc hỗ trợ tài chính liên quốc gia. Điều này làm suy yếu nền tảng liên kết chính trị - kinh tế cốt lõi của EU, vốn dựa trên sự hy sinh lợi ích riêng vì mục tiêu chung. EU liên tục đối mặt với những mâu thuẫn nội tại: các nước Bắc Âu ủng hộ thắt lưng buộc bụng để bảo vệ an toàn ngân sách thì các nước Nam Âu (Hy Lạp, Italy) đòi hỏi đầu tư phục hồi. Khủng hoảng năng lượng sau xung đột Ukraine càng làm lộ rạn nứt về an ninh và ngoại giao.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và suy yếu của EU là hai mặt của một vấn đề: toàn cầu hóa lâm vào thoái trào, kéo theo xu hướng "đóng cửa" và cạnh tranh địa chính trị khốc liệt. EU có nguy cơ trở thành "bảo tàng" của chủ nghĩa đa phương.

EU tiếp tục duy trì ủng hộ Ukraine vì mục tiêu bảo vệ giá trị của mình.

EU tiếp tục duy trì ủng hộ Ukraine vì mục tiêu bảo vệ giá trị của mình.

Cho đến thời điểm giữa năm 2025 này, xu hướng G-Zero đang ngày càng trở nên rõ rệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Theo nghiên cứu của Eurasia Group, EU là tổ chức vốn phụ thuộc vào hệ thống dựa trên luật lệ, đang trở thành "bên thua thiệt" lớn nhất trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và cạnh tranh Mỹ - Trung. Chính sách thuế quan cứng rắn của Mỹ (145% với hàng Trung Quốc; 25% với Canada, Mexico; 10% với thế giới) đã khiến đồng euro mất giá 8% từ tháng 10/2024. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: "Châu Âu phải thoát khỏi vai trò là sân sau của các cường quốc. Tự chủ không phải là lựa chọn - đó là yêu cầu sinh tồn”.

Tự chủ từ quốc phòng đến kinh tế, năng lượng

Xung đột Ukraine là chất xúc tác buộc EU tăng cường năng lực quốc phòng. Năm 2025, ngân sách quốc phòng chung của EU đạt 2.5% GDP, vượt mục tiêu 2% của NATO, với các dự án như Eurodrone và hệ thống phòng thủ tên lửa chung. Sáng kiến PESCO (Hợp tác Cơ cấu thường trực) đã triển khai 62 dự án, bao gồm phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 6 FCAS (Đức - Pháp - Tây Ban Nha) và tàu ngầm không người lái. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào Mỹ vẫn tồn tại: 70% công nghệ quốc phòng then chốt của EU có nguồn gốc từ Mỹ. Ông Josep Borrell, Đại diện Ngoại giao EU thừa nhận: “Chúng tôi cần NATO”, nhưng EU không thể mãi là người đi sau.

EU đang đối mặt với "cơn bão kép": xung đột thương mại Mỹ - Trung và suy thoái ngành công nghiệp. Chỉ số Euro Stoxx cho thấy ngành công nghiệp ô tô châu Âu đã suy giảm 13% năm 2024, trong khi Mercedes-Benz và Volkswagen mất 25% giá trị cổ phiếu. EU không còn dựa vào những ngành công nghiệp cũ được nữa. Để giảm rủi ro, EU đã triển khai Đạo luật Chip châu Âu với ngân sách lên tới 43 tỷ euro, nhằm chiếm 20% thị phần bán dẫn toàn cầu vào 2030. Đến tháng 5/2025, 8 nhà máy sản xuất chip đã được xây dựng tại Đức, Ireland và Hà Lan theo sáng kiến này.

Cùng với đó, chương trình kinh tế quy mô lớn từ giữa năm 2020 tới nay có tên gọi là NextGenerationEU đang làm thay đổi châu Âu. Chương trình có giá trị lên tới 750 tỷ euro tập trung vào chuyển đổi số, với 37% ngân sách dành cho công nghệ xanh. Đây được coi như một “Kế hoạch Marshall mới” cho châu Âu. Cho đến đầu năm 2025, nhiều dự án giáo dục, y tế và doanh nghiệp đã được hoàn thành và đem lại kết quả khả quan.

EU đứng trước thách thức mang tính thời đại về khả năng tồn tại của mình.

EU đứng trước thách thức mang tính thời đại về khả năng tồn tại của mình.

Sau khủng hoảng khí đốt 2022, EU đã giảm 72% nhập khẩu năng lượng từ Nga nhờ kế hoạch toàn diện về năng lượng có tên REPowerEU. Đến 2025, 45% năng lượng EU đến từ nguồn tái tạo, với Đan Mạch dẫn đầu (67% điện từ gió). EU đang giảm dần tiêu thụ điện từ khí đốt và tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung nhờ những thỏa thuận mới với các nước Trung Á, châu Phi. Tuy nhiên, giá điện tại Đức vẫn cao hơn 30% so với 2019 do chi phí chuyển đổi. Ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, kiến trúc sư Thỏa thuận Xanh EU, thừa nhận: "Chúng ta cần cân bằng giữa an ninh năng lượng và khả năng chi trả của người dân”.

Chiến lược đa cực

Không phải đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại nắm quyền, EU mới cảm thấy sự thay đổi của trật tự thế giới mà mình từng tham gia dẫn dắt. Từ tháng 12/2021, EU đã đề xuất sáng kiến chiến lược có tên Global Gateway nhằm mục tiêu kết nối hạ tầng toàn cầu do EU dẫn dắt. Thông qua dự án đầu tư 300 tỷ euro này, EU muốn tái định nghĩa ảnh hưởng chiến lược của mình, cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Đến nay, 45% ngân sách đã được phân bổ cho các dự án tại châu Phi và Đông Nam Á, bao gồm cảng biển thông minh ở Indonesia và mạng lưới 5G tại Nigeria. EU đang muốn xây dựng lại vị thế của mình trong vài trò kết nối thế giới.

Sự tồn tại của EU nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân châu Âu.

Sự tồn tại của EU nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân châu Âu.

Trong bối cảnh Mỹ - Trung chia rẽ, EU tăng cường hợp tác với ASEAN thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU - ASEAN (dự kiến ký kết tháng 9/2025). Ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định: "Chúng tôi không chọn phe - chúng tôi chọn luật lệ và đối tác”. Còn bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh: "Châu Âu phải trở thành một ‘cực quyền lực’ thực sự, không chỉ là sân chơi cho các cường quốc khác”.

Để gia tăng sức mạnh, mở rộng là công cụ then chốt để EU củng cố ảnh hưởng. Vương quốc Anh đã quay trở lại với các hoạt động chung của EU một cách tích cực hơn từ khi Thủ tướng Keir Starmer lên nắm quyền. EU đã khởi động đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova từ tháng 3/2025, đồng thời đề xuất "tư cách thành viên liên kết" cho các nước Balkan. Kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối của Nga và nội bộ EU bởi Hungary, nhưng đây được coi là chiến lược không thể đảo ngược và các nhà lãnh đạo EU vẫn hết sức quyết tâm với kế hoạch của mình.

Sau khi Mỹ rút khỏi các kế hoạch tài trợ cho Ukraine, EU tiếp tục đi đầu bằng những gói tài trợ bổ sung mới. EU với quyết tâm chiến lược của mình đang duy trì được vị thế, dẫu vậy, chúng ta không thể phủ nhận thách thức lớn tới từ làn sóng dân túy đang làm suy yếu đoàn kết nội khối của liên minh này.

Cuộc khảo sát về quan điểm của công dân EU có tên Eurobarometer được thực hiện đầu năm 2025 cho thấy, 68% công dân EU ủng hộ tăng cường hợp tác quốc phòng, nhưng chủ nghĩa dân tộc gia tăng tại Pháp và Đức đe dọa sự đồng thuận. Cuộc bầu cử sớm tại Đức tháng 2/2025 đã dẫn đến bế tắc liên minh, trong khi nợ công Pháp vượt 112% GDP khiến thị trường chứng khoán Paris giảm 8%. Bài học từ Brexit vẫn nguyên giá trị và EU đã phải can thiệp ở bầu cử Rumani để tránh một sự đổ vỡ dây chuyền.

G-Zero sẽ phân chia quyền lực thế giới về các hướng khác nhau.

G-Zero sẽ phân chia quyền lực thế giới về các hướng khác nhau.

Châu Âu đang đứng trước ngã ba đường: Một bên là sự cám dỗ của chủ nghĩa biệt lập, một bên là con đường tự chủ thông qua đoàn kết. Thành công phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa đầu tư công nghệ và sản xuất để thoát khỏi phụ thuộc, củng cố an ninh năng lượng và tái định nghĩa vai trò như một "liên minh các quốc gia vừa và nhỏ" bảo vệ trật tự đa phương.

Nhà phân tích về quan hệ đối ngoại Mark Leonard từ Hội đồng châu Âu nhận định: “Tự chủ chiến lược không phải điểm đến - đó là quá trình không ngừng thích ứng”. Trong thế giới G-Zero, châu Âu buộc phải vừa là người chơi, vừa là nhà kiến tạo luật chơi. Đây sẽ là một thách thức lâu dài và bền bỉ cho các thế hệ lãnh đạo châu Âu tiếp theo, điều mà chúng ta hy vọng họ sẽ không bỏ cuộc vì chính lợi ích của chúng ta trong một thế giới mà xu hướng áp đặt quyền lực bằng sức mạnh đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chau-au-tai-dinh-hinh-trong-khung-hoang-i768269/