Châu Âu tham vọng chạy đua AI với Mỹ và Trung Quốc

Không khí tại Hội nghị thượng đỉnh hành động về trí tuệ nhân tạo ở Paris vào đầu tuần này đã sôi nổi hẳn lên khi Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron tuyên bố đất nước hình lục lăng 'trở lại cuộc đua AI'.

Đặt mục tiêu để hành động

Tuyên bố táo bạo này được đưa ra sau khi ông Macron trình làng khoản đầu tư 112,8 tỷ USD vào AI tại quốc gia này. Tuy nhiên, nó cũng nhấn mạnh mong muốn của châu Âu, do Pháp dẫn đầu, là trở thành một phần của cuộc thảo luận xung quanh sự lãnh đạo và đổi mới AI mà cho đến nay vẫn do Mỹ và Trung Quốc thống trị.

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron tuyên bố đất nước hình lục lăng "trở lại cuộc đua AI".

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron tuyên bố đất nước hình lục lăng "trở lại cuộc đua AI".

Tháng trước, thông báo trị giá 500 tỷ USD của Mỹ về dự án Stargate đã gây chấn động toàn cầu, tiếp theo là mô hình AI của DeepSeek, làm đảo lộn các thị trường tài chính và nổi bật khả năng của Trung Quốc trong việc bắt kịp sự đổi mới của Hoa Kỳ.

Từ lâu, châu Âu đã bị những người chỉ trích coi là nơi quản lý ngành công nghệ quá chặt chẽ gây bất lợi cho sự đổi mới. Mặc dù hình ảnh đó chưa hoàn toàn thay đổi, nhưng có một số người trong ngành công nghệ cho rằng châu Âu đang đi đúng hướng.

"Ít nhất, với tư cách là đại diện cho khu vực châu Âu, chúng ta đang bắt đầu thấy những nhà lãnh đạo toàn cầu nổi lên và đó là điều chúng ta thực sự cần. Tôi nghĩ, thật tuyệt khi chúng ta đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và quan trọng là xuất hiện những người có ý chí chính trị để hành động", CEO của công ty video AI Synthesia, Victor Riparbelli trả lời phỏng vấn của CNBC.

Có một số công ty chủ chốt ở châu Âu, từ công ty khởi nghiệp công nghệ tự lái Wayve ở Anh, hay đối thủ của OpenAI là Mistral ở Pháp.

Châu Âu giữa "ngã ba đường"

Năm ngoái, nhà kinh tế học và chính trị gia Mario Draghi đã công bố một báo cáo kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào Liên minh châu Âu để thúc đẩy khả năng cạnh tranh.

Châu Âu đang kêu gọi các thành viên đầu tư nhiều hơn vào AI.

Châu Âu đang kêu gọi các thành viên đầu tư nhiều hơn vào AI.

Báo cáo của Draghi lưu ý rằng có những ý tưởng sáng tạo, nhưng các công ty khởi nghiệp "không thể chuyển đổi sáng tạo thành thương mại hóa và các công ty sáng tạo muốn mở rộng quy mô ở châu Âu bị cản trở ở mọi giai đoạn do các quy định không nhất quán và hạn chế".

Giám đốc phụ trách các vấn đề toàn cầu tại OpenAI, Chris Lehane đã nói với CNBC rằng, dựa trên kinh nghiệm tại Hội nghị thượng đỉnh hành động AI, có sự căng thẳng giữa châu Âu ở cấp độ EU và các quốc gia trong đó.

"Bạn có thể cảm thấy rằng gần như có một ngã ba đường, thậm chí có thể là căng thẳng ngay bây giờ giữa một châu Âu ở cấp độ EU đang xem xét cách tiếp cận quản lý khá thận trọng và nặng nề hơn. Và sau đó, một số quốc gia như Pháp, Đức, Anh đang tìm cách đi theo một hướng khác một chút nhằm nắm bắt sự đổi mới", ông Lehane nói.

Ông Lehane cho biết, các hội nghị thượng đỉnh AI trước đây do Anh và Hàn Quốc tổ chức, đã tập trung vào sự an toàn xung quanh AI, nhưng phiên bản Paris đã thay đổi quan điểm. "Tôi nghĩ rằng hội nghị này, bạn đang bắt đầu thấy những thay đổi, có lẽ rủi ro lớn hơn là bỏ lỡ cơ hội", ông Lehane thêm vào.

Cuộc đua AI chưa kết thúc

Tuy nhiên, hình ảnh về châu Âu là một gánh nặng đối với quy định về công nghệ vẫn chưa lung lay.

CEO của công ty viễn thông Orange, Christel Heydemann.

CEO của công ty viễn thông Orange, Christel Heydemann.

Đạo luật AI của EU là luật lớn đầu tiên trên thế giới quản lý trí tuệ nhân tạo có hiệu lực vào năm 2024. Đạo luật này đã bị chỉ trích bởi các công ty cũng như các quốc gia riêng lẻ như Pháp, những quốc gia cho rằng luật này có thể kìm hãm sự đổi mới.

"Một trong những phép ẩn dụ mà tôi đôi khi sử dụng là hãy xem AI như một trận bóng đá World Cup giữa Mỹ và Trung Quốc. Và nếu tất cả những gì Châu Âu đang cố gắng làm là trở thành trọng tài, thì sẽ có hai vấn đề. Một là họ không bao giờ thắng, và hai là không ai thực sự thích trọng tài", Reid Hoffman, đồng sáng lập LinkedIn và là nhà đầu tư tại công ty đầu tư mạo hiểm Greylock, nói với CNBC.

CEO của công ty viễn thông Orange, Christel Heydemann cho rằng đang có quá nhiều quy định ở châu Âu. Điều đó làm châu ÂU chậm lại, đặc biệt là khi nghĩ về tiềm năng của thị trường khu vực.

Tuy nhiên, bà Heydemann đã đưa ra giọng điệu lạc quan về lập trường của châu Âu về AI. "Tôi không nghĩ đó chỉ là cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc. Trên thực tế, chủ tịch Ủy ban châu Âu đã nói rất rõ ràng, châu Âu muốn trở thành một lục địa của AI và cuộc đua chưa kết thúc", bà Heydemann tuyên bố.

(Nguồn CNBC)

Đức Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chau-au-tham-vong-chay-dua-ai-voi-my-va-trung-quoc-192250212191525508.htm