Châu Âu thắt chặt hạn chế khi Pháp đối mặt với đợt bùng phát số ca nhiễm mới
Pháp, Bỉ và Ba Lan hôm thứ Bảy (27/3) đã thắt chặt các biện pháp hạn chế khi các ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở châu Âu trong khi nhiều nước khác trên thế giới cũng ban hành các quy chế giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Một buổi hòa nhạc ngoài trời ở trung tâm thủ đô Paris. Ảnh: BKP
Bài liên quan
7 người Việt Nam tại Campuchia mắc Covid-19
Vương quốc Anh mở rộng quyền hạn khẩn cấp COVID-19 thêm 6 tháng
Một công dân Trung Quốc tử vong do Covid-19 tại Campuchia
Brazil đang bước vào "giai đoạn tồi tệ nhất" vì đại dịch Covid-19
Pháp thừa nhận tình hình đang "nguy cấp" và bổ sung thêm ba khu vực vào nhóm 16 vùng đã bị hạn chế chặt chẽ. Hai mươi triệu người ở Pháp hiện đang sống trong các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Họ không được phép đi xa hơn hơn 10 km khỏi nhà mà không có một lý do quan trọng.
Số ca mắc hàng ngày ở Pháp đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu tháng và nước này hiện có hơn 200.000 ca mắc mới mỗi tuần. Số bệnh nhân tại các khu chăm sóc đặc biệt của Pháp đã gần đạt mức cao kỷ lục và vẫn đang tăng lên.
Tuy nhiên, điều này vẫn không thể ngăn cản người dân tụ tập đi xem hòa nhạc, một hình thức biểu tình phản đối giãn cách xã hội mới vào hôm qua (27/3) ở thủ đô Paris.
Trái ngược hoàn toàn, tại Anh, mọi người đang thích thú khi Thủ tướng Boris Johnson thề sẽ kiên trì kế hoạch giảm bớt các biện pháp chống Covid-19 của mình. Ông Johnson cho biết đợt tiêm phòng toàn dân đang thành công và các chính sách ủng hộ doanh nghiệp sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
“Chỉ trong vài ngày nữa, cuối cùng thì tôi cũng có thể đi cắt tóc”, Thủ tướng Anh nói thêm.
Wales đã trở thành quốc gia đầu tiên của Vương quốc Anh dỡ bỏ các hạn chế đi lại vào thứ Bảy. Từ thứ Hai (29/3), Anh sẽ cho phép các nhóm lên đến sáu người gặp nhau bên ngoài. Chính phủ có kế hoạch cho phép người dân được tới các quán rượu ngoài trời và mở cửa lại các dịch vụ kinh doanh như tiệm làm tóc kể từ ngày 12/4.
Trong khi đó, Bỉ đã đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh liên quan đến tiếp xúc cơ thể ngoài dịch vụ y tế từ thứ Bảy. Các cửa hàng cung cấp dịch vụ "không thiết yếu" chỉ có thể nhận khách hàng đã đặt lịch hẹn trước.
Ba Lan cũng đã đóng cửa các cửa hàng nội thất, trung tâm mua sắm, các tiệm làm tóc và thẩm mỹ.
Philippines thông báo hôm thứ Bảy (27/3) rằng hơn 24 triệu người ở và xung quanh Manila sẽ phải thực hiện giãn cách vào tuần tới. "Virus mới là kẻ thù, không phải chính phủ", phát ngôn viên của tổng thống Harry Roque nói.
Từ thứ Hai (29/3), người dân thủ đô Malina sẽ phải làm việc tại nhà trừ khi họ được coi là những người lao động thiết yếu, và các phương tiện giao thông công cộng sẽ bị tạm dừng. Các cuộc tụ tập đông người sẽ bị cấm, lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ được thực thi và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa.
Chile cũng bắt đầu một đợt cấm cửa mới và nghiêm ngặt đối với hơn 80% dân số của mình, thậm chí cấm cả việc ra ngoài mua sắm nhu yếu phẩm vào cuối tuần.
Tính tới thời điểm này, đại dịch đã giết chết hơn 2,7 triệu người trên toàn thế giới kể từ tháng 12 năm 2019.