Châu Âu 'thắt thòng lọng' đầu tư công nghệ quan trọng ra nước ngoài

Ủy ban châu Âu đề nghị các quốc gia thành viên đẩy mạnh kiểm soát những khoản đầu tư tại thị trường nước ngoài do lo ngại an ninh kinh tế.

Theo hãng thông tấn DPA, ngày 15-1 (giờ địa phương), Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu chính phủ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng cường nỗ lực giám sát đối với hoạt động đầu tư tại những quốc gia không thuộc khối này, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng yếu như vi mạch, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử.

Vấn đề an ninh kinh tế là một trong những chủ đề nổi cộm đối với EU sau khi bà Ursula von der Leyen tái đắc cử cương vị Chủ tịch EC hồi tháng 7-2024. Động thái mới nhất hướng đến việc triển khai những hành động quyết liệt hơn trong trường hợp các khoản đầu tư ra nước ngoài có nguy cơ tác động đến tình hình an ninh kinh tế của khối này.

Một trong những trọng tâm của nỗ lực tăng cường kiểm soát là nhằm giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia thứ ba trong chuỗi cung ứng. Ý tưởng này đang trong lộ trình triển khai để giám sát chặt chẽ hơn hoạt động đầu tư của các công ty châu Âu ở nước ngoài và là một phần thuộc Chiến lược An ninh kinh tế của EU.

Châu Âu tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài đối với các lĩnh vực quan trọng như công nghệ lượng tử. Ảnh: Tân Hoa xã

Châu Âu tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài đối với các lĩnh vực quan trọng như công nghệ lượng tử. Ảnh: Tân Hoa xã

Ủy viên châu Âu về Thương mại và An ninh kinh tế Maros Sefcovic nhận định, tình hình địa chính trị hiện tại đòi hỏi EU phải nắm bắt được những rủi ro tiềm ẩn. Do đó, việc đánh giá hoạt động đầu tư tại nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng sẽ giúp khối này hiểu rõ hơn về những nguy cơ phải đối mặt.

Nỗ lực đẩy mạnh kiểm soát hoạt động đầu tư ở nước ngoài còn có thể giúp EU tránh được kịch bản nguồn cung đối với những lĩnh vực quan trọng bị gián đoạn. Vào thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất ô tô tại khối này từng rơi vào khủng hoảng do gián đoạn trong chuỗi cung ứng vi mạch chủ yếu từ Trung Quốc.

Bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện tại, tình trạng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU gia tăng trong năm qua, cũng như những biến động khó lường sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhậm chức, được coi là “chất xúc tác” để EU quyết liệt hơn đối với hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

EU cũng có kế hoạch để đối tác tại các quốc gia thứ ba tham gia quy trình đánh giá mức độ rủi ro đối với các lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử. Hoạt động này sẽ kéo dài 15 tháng và nhằm vào các hoạt động đầu tư từ đầu năm 2021. Các đối tác cần nộp báo cáo tiến độ vào ngày 15-7 năm nay, trước khi cung cấp báo cáo đầy đủ ở cuối tháng 3-2026.

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chau-au-that-thong-long-dau-tu-cong-nghe-quan-trong-ra-nuoc-ngoai-690664.html