Châu Âu tiên phong trong thiết lập đạo luật AI
Theo AP, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã dấy lên một cơn sốt từ người dùng trong sáng tác nhạc, sáng tạo hình ảnh và viết luận. Tuy nhiên, AI cũng đang khiến cộng đồng lo ngại về hệ lụy của nó.
Liên minh châu Âu EU đang nỗ lực xây dựng các quy định để quản lý công nghệ mới nổi này. Hai năm trước, khối 27 quốc gia đã đề xuất các quy định đầu tiên về AI, tập trung vào việc kiểm soát các rủi ro của ứng dụng AI, tuy nhiên, diện bao trùm còn hẹp. Vào thời điểm đó, các chatbot AI tiên tiến hầu như không được đề cập.
Dragos Tudorache, nghị sĩ người Romania của Nghị viện châu Âu, người dẫn đầu nỗ lực thiết lập quy định về AI, cho biết: "Sau đó, ChatGPT bùng nổ. Nếu vẫn còn một số người nghi ngờ liệu chúng ta có cần quy định gì về AI hay không thì tôi nghĩ nghi ngờ đó đã nhanh chóng tan biến."
Việc ra mắt ChatGPT vào năm ngoái đã thu hút sự chú ý của thế giới vì khả năng phản hồi lại các yêu cầu rất giống con người, dựa trên những dữ liệu đồ sộ ChatGPT có được.
Lo ngại nhiều hơn về vấn đều này, các nhà lập pháp châu Âu nhanh chóng thêm nội dung về các hệ thống AI khi họ tiến hành hoàn thiện luật lệ của mình.
Đạo luật AI của EU có thể trở thành tiêu chuẩn toàn cầu đối với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Sarah Chander, cố vấn chính sách cấp cao của nhóm quyền kỹ thuật số EDRi cho biết: "Châu Âu là khối đầu tiên cố gắng điều chỉnh mạnh mẽ AI. Đây là một thách thức lớn khi xem xét AI có thể bao hàm những gì". Các quy định sâu rộng của EU về AI, dự kiến ràng buộc mọi nhà cung cấp dịch vụ và các sản phẩm AI – đang nằm trong lịch trình thông qua của một cơ quan thuộc Nghị viện Châu Âu vào thứ Năm. Sau khi được cơ quan này nhất trí, bản dự thảo sẽ được đưa ra để thảo luận giữa 27 quốc gia thành viên, Nghị viện và Ủy ban điều hành của EU.
Toàn cầu lo ngại về AI
Các nhà chức trách trên toàn thế giới cũng đang cố gắng tìm ra cách kiểm soát AI để đảm bảo rằng công nghệ này giúp cải thiện cuộc sống của mọi người và không đe dọa đến quyền hoặc sự an toàn của họ. Các cơ quan quản lý cũng đang lo ngại về những rủi ro đạo đức và xã hội mới do ChatGPT và các hệ thống AI tương tự gây ra, quan ngại chúng có thể biến đổi cuộc sống hàng ngày, từ công việc, giáo dục sang vấn đề bản quyền và quyền riêng tư.
Nhà Trắng gần đây đã mời những người đứng đầu các công ty công nghệ đang phát triển AI như Microsoft, Google và người tạo ra ChatGPT OpenAI để thảo luận về các rủi ro này. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng cảnh báo rằng họ sẽ không ngần ngại trấn áp.
Trung Quốc cũng đã ban hành dự thảo quy định bắt buộc đánh giá bảo mật đối với bất kỳ sản phẩm nào sử dụng hệ thống AI tương tự như ChatGPT. Cơ quan giám sát cạnh tranh của Anh gần đây đã mở một cuộc đánh giá về thị trường AI, trong khi Italy đã cấm ChatGPT trong một thời gian ngắn do vi phạm quyền riêng tư.
Sự phát triển của AI cũng đang dấy lên sự lo ngại của chính giới công nghệ. Các nhà lãnh đạo thế giới công nghệ như Elon Musk và đồng sáng lập Apple Steve Wozniak đã kêu gọi tạm dừng sáu tháng quá trình phát triển AI để xem xét các rủi ro.
Geoffrey Hinton, một nhà khoa học máy tính tên tuổi và một chuyên gia tiên phong về AI Yoshua Bengio đã lên tiếng vào tuần trước về nguy cơ AI phát triển mà không được kiểm soát.
Ông Tudorache cho biết những cảnh báo như vậy cho thấy động thái của EU khi bắt đầu xây dựng các quy tắc về AI từ năm 2021 là "hành động đúng đắn".
Quan tâm tới bảo vệ quyền lợi và sự riêng tư của người dùng
Các điều khoản được bổ sung gần đây vào Đạo luật AI của EU sẽ yêu cầu các mô hình AI "nền tảng" như Chat GPT công bố những tài liệu bản quyền họ đã sử dụng trong quá trình lập kho dữ liệu cho Chat GPT, theo một dự thảo luật gần đây mà AP tiếp cận được.
Các mô hình nền tảng, còn được gọi là mô hình ngôn ngữ lớn, là một hướng phát triển nhỏ của AI. Thuật toán của chúng được xây dựng từ một kho thông tin trực tuyến rộng lớn, như bài đăng trên blog, sách điện tử, bài báo khoa học hay danh mục các bài hát.
Ông Tudorache nói: "Cần nỗ lực đáng kể để lưu trữ lại tài liệu có bản quyền nào đã được sử dụng trong quá trình xây dựng thuật toán". Từ đó, các nghệ sĩ, nhà văn và những người sáng tạo nội dung khác có thể tìm cách ứng phó.
Theo phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro của EU, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo đe dọa đến sự an toàn hoặc quyền của mọi người phải đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ.
Nhận dạng khuôn mặt từ xa dự kiến sẽ bị cấm. Việc quét bừa bãi các bức ảnh từ internet để khớp sinh trắc học và nhận dạng khuôn mặt cũng là điều không nên.
Chính sách dự đoán tâm lý và công nghệ nhận dạng cảm xúc, ngoài việc sử dụng trong điều trị hoặc y tế, cũng không còn được sử dụng rộng rãi. Hành động vi phạm có thể dẫn đến tiền phạt tới 6% doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty.
Dù đạo luật của EU nhận được sự chấp thuận cuối của toàn bộ các cơ quan liên quan, dự kiến muộn nhất là vào cuối năm này hoặc đầu năm 2024, thì văn bản cũng sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Sẽ có một khoảng thời gian chờ để các công ty và tổ chức thích ứng và tìm cách áp dụng các quy tắc mới