Châu Âu trước 'bài toán' khí đốt và hạt nhân

Ngay đầu năm mới, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đề xuất ủng hộ sự phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. EC nhấn mạnh rằng, khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân có vai trò như một phương tiện để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai chủ yếu dựa trên năng lượng tái tạo. Theo đó, EC sẽ đưa ra cơ chế tối ưu cho đầu tư năng lượng hạt nhân và khí đốt, đồng thời kêu gọi các đối tác công nhận năng lượng hạt nhân và khí tự nhiên là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Một nhà máy khai thác khí tự nhiên ở thành phố Groningen, Hà Lan. Ảnh: GETTY

Một nhà máy khai thác khí tự nhiên ở thành phố Groningen, Hà Lan. Ảnh: GETTY

Một trong những vấn đề quan trọng trong đường hướng của EC là việc phân loại các nguồn năng lượng theo các điều kiện rõ ràng và chặt chẽ. Ví dụ, khí đốt phải đến từ các nguồn năng lượng tái tạo hoặc có lượng khí thải thấp vào năm 2035. Theo giới quan sát châu Âu, năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên có thể cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng suôn sẻ. Tuy nhiên, đề xuất của EC về việc tuyên bố thông qua phân loại khí đốt và các dự án hạt nhân là nguồn năng lượng bền vững đã gây ra nhiều tranh cãi.

Điển hình như Đức - quốc gia cam kết loại bỏ tất cả điện hạt nhân vào năm 2022, nội bộ chính trường nước này chia rẽ về vấn đề nguồn năng lượng. Một phần chính trường không ủng hộ cho các dự án hạt nhân và khí đốt, trong khi một phần khác từ chối hạt nhân là bền vững nhưng cởi mở hơn đối với các dự án khí đốt. Mặt khác, nhiều quốc gia thành viên EU do Pháp (nước Chủ tịch luân phiên EU) dẫn đầu ủng hộ cơ chế phân loại của EU như một động thái “mở đường” cho sự trở lại của năng lượng hạt nhân.

Theo giới quan sát, quá trình hợp pháp hóa về môi trường của năng lượng hạt nhân này được khởi xướng bởi Pháp và tận dụng sự ủng hộ của nhiều quốc gia thành viên để yêu cầu EC công nhận năng lượng hạt nhân an toàn cho môi trường. Giới quan sát chỉ ra rằng, Pháp vốn có lợi thế rất lớn đối với năng lượng hạt nhân khi sở hữu tới 56 lò phản ứng hạt nhân, đứng thứ 2 thế giới và đứng đầu châu Âu về sản lượng. Pháp cũng là nước xuất khẩu điện hạt nhân rất lớn, thu về hàng tỷ euro mỗi năm.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu trái ngược với Pháp. Điển hình như Đức đã đóng cửa phần lớn lò phản ứng hạt nhân với ý chí tự nguyện từ bỏ hạt nhân một cách có hệ thống để chuyển sang sử dụng khí đốt đắt đỏ hơn. Trước sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt đang bao trùm khắp châu Âu, rõ ràng, Đức đã tự từ bỏ giải pháp thay thế và lâm vào thế khó khi phải vật lộn tìm giải pháp thích ứng. Đồng quan điểm với Đức, Áo cũng chỉ trích sáng kiến hợp pháp hóa về môi trường của năng lượng hạt nhân này và nhấn mạnh rằng, năng lượng hạt nhân không thể được coi là an toàn, có thể dẫn tới những thảm họa, đầu độc hệ sinh thái của trái đất trong nhiều thập kỷ tới.

Với khí đốt, nhiều luồng ý kiến cho rằng, đề xuất của EC về việc đưa khí tự nhiên làm năng lượng chuyển tiếp bền vững hướng tới một tương lai tái tạo là tin tốt cho Nga. Bởi, Nga muốn bơm 55 tỷ m3 khí đốt qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream 2) tới Đức và Nga cũng là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu sang châu Âu.

Ông Justin Urquhart Stewart, Chủ tịch Tổ chức phát triển đầu tư Regionally (Anh) đánh giá, một phần đáng kể của châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga và nếu không có khí đốt của Nga, kinh tế của rất nhiều quốc gia EU sẽ bị kìm hãm trầm trọng.

Giới phân tích cho rằng, theo đề xuất của EC, năng lượng hạt nhân và khí đốt là an toàn với môi trường dựa trên nhiều cơ sở khoa học đáng tin cậy và thể hiện ý chí của một bộ phận thành viên EU. Song, phần còn lại của EU đang phản đối đề xuất này, thậm chí có nhiều phần phản đối gay gắt. Dễ nhận thấy, vấn đề này thêm một lần làm “dậy sóng” sự chia rẽ nội bộ EU khi không đạt được thống nhất trước quyết sách lớn có tầm ảnh hưởng sâu, rộng tới vận mệnh của châu lục nói riêng và toàn cầu nói chung.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chau-au-truoc-bai-toan-khi-dot-va-hat-nhan-post447258.html