Vương quốc Anh sẽ trở thành quốc gia G7 đầu tiên ngừng sản xuất điện than
Vương quốc Anh sẽ trở thành quốc gia đầu tiên Nhóm G7 ngừng sản xuất điện than ngày 30/9 (giờ địa phương) khi đóng cửa nhà máy cuối cùng Ratcliffe-on-Soar; chấm dứt hơn 140 năm sản xuất điện than.
Vương quốc Anh sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngừng sản xuất điện than vào ngày 30/9 (theo giờ địa phương) khi đóng cửa nhà máy cuối cùng Ratcliffe-on-Soar của hãng Uniper ở vùng Midlands.
Với thông báo này nước Anh sẽ chấm dứt hơn 140 năm sản xuất điện than. Năm 2015, nước Anh đã công bố kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than trong thập kỷ tới như một phần của các biện pháp lớn nhằm đạt được những mục tiêu về khí hậu.
Vào thời điểm đó, gần 30% điện năng của cả nước Anh được sản xuất từ than, nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn hơn 1% vào năm ngoái.
“Vương quốc Anh đã chứng minh rằng có thể loại bỏ dần điện than với tốc độ chưa từng có,” Julia Skorupska, Trưởng Ban thư ký Powering Past Coal Alliance (PPCA), một liên minh gồm khoảng 60 quốc gia đang tìm cách chấm dứt việc sử dụng than đá, cho biết.
Giảm sử dụng năng lượng than đã giúp giảm lượng khí nhà kính của nước Anh, vốn đã giảm hơn một nửa kể từ năm 1990. Anh, quốc gia có mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng có kế hoạch khử carbon trong ngành điện vào năm 2030, một động thái đòi hỏi phải chuyển nhanh sang sử dụng năng lượng tái tạo như gió và Mặt Trời.
“Kỷ nguyên than đá có thể sắp kết thúc, nhưng một kỷ nguyên mới của những nguồn năng lượng tốt cho đất nước chúng ta mới chỉ bắt đầu," Bộ trưởng Năng lượng Anh Michael Shanks cho biết.
Khí thải từ năng lượng chiếm khoảng 3/4 tổng lượng khí thải nhà kính và các nhà khoa học cho biết việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải được hạn chế để đạt được các mục tiêu đề ra theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Vào tháng Tư vừa qua, các nước G7 đã đồng ý loại bỏ dần năng lượng than trong nửa đầu thập kỷ tới, nhưng cũng dành ưu đãi cho các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào than đá, điều đã khiến các nhóm môi trường chỉ trích mạnh mẽ.
Nhà nghiên cứu phân tích Christine Shearer của Global Energy Monitor cho biết: “Còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo mục tiêu năm 2035 đều được đáp ứng và đưa vào thực hiện từ năm 2030, đặc biệt là ở Nhật Bản, Mỹ và Đức.”
Năng lượng than vẫn chiếm hơn 25% điện năng của Đức và hơn 30% điện năng của Nhật Bản./.