Châu Âu trước nguy cơ tái phong tỏa vì dịch Covid-19

Châu Âu một lần nữa trở thành 'điểm nóng' khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh trong những ngày gần đây. Làn sóng dịch bệnh thứ hai đang tăng tốc buộc các quốc gia châu Âu phải thực hiện hàng loạt biện pháp ứng phó.

Ireland trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tái áp đặt lệnh phong tỏa để đối phó với dịch Covid-19. Ngày 20-10, tờ Al Jazeera đưa tin, Thủ tướng Ireland Micheal Martin thông báo nước này sẽ quay trở lại tình trạng phong tỏa sau khi ban hành lệnh “ở nhà” trên phạm vi toàn quốc. Mặc dù vậy, theo tờ The Guardian, các trường học và cơ sở giáo dục vẫn được phép mở cửa. Lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực kể từ đêm 21-10 và kéo dài trong 6 tuần, yêu cầu đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu, trong khi các nhà hàng và quán bar cũng chỉ được phép kinh doanh dịch vụ mang đồ ăn/uống về nhà. Theo Thủ tướng Micheal Martin, trong thời gian tái áp đặt lệnh phong tỏa, chỉ cho phép những người lao động trong lĩnh vực thiết yếu đi làm và người dân tập thể dục trong bán kính 5km xung quanh nơi ở trong khi giao thông công cộng chỉ được hoạt động với 25% công suất để phục vụ nhóm người lao động trên. Những người vi phạm lệnh phong tỏa sẽ bị xử phạt.

Một biển hiệu trên đường phố ở thủ đô Dublin của Ireland khuyến cáo người dân duy trì khoảng cách tiếp xúc 2m. Ảnh: Sky News

Thủ tướng Micheal Martin cho rằng, việc tái áp đặt lệnh phong tỏa chắc chắn sẽ “đem đến thất vọng, sự cô đơn, song cùng với đó là niềm hy vọng”. “Nếu chúng ta cùng nỗ lực trong 6 tuần tới, chúng ta sẽ có thể đón một mùa Giáng sinh ý nghĩa. Hành trình này không dễ dàng nhưng tương lai nằm trong tay chúng ta. Mỗi chúng ta phải kiên trì”, tờ The Guardian dẫn lời Thủ tướng Micheal Martin.

Thủ tướng Micheal Martin cũng cho rằng, một chiến lược để không có ca mắc Covid-19 mới là “phi thực tế” và miễn dịch cộng đồng là “phi đạo đức”. Thay vào đó, phong tỏa “theo giai đoạn” có thể trở thành “chuyện bình thường”. “Chúng ta hợp tác để kiểm soát virus và khi an toàn sẽ tái mở cửa xã hội cũng như nền kinh tế nhiều nhất có thể. Cho đến khi có một loại vaccine an toàn, chúng ta buộc phải làm như vậy”, Thủ tướng Micheal Martin nhấn mạnh.

Tại Anh, để kiềm chế số ca nhiễm Covid-19 mới đang gia tăng nhanh chóng, xứ Wales sẽ áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện trong hai tuần tính từ ngày 23-10 tới. Thông báo của Thủ hiến xứ Wales Mark Drakeford nêu rõ theo quy định mới, mọi người dân trong vùng lãnh thổ này sẽ được yêu cầu ở nhà, chỉ những người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu mới được tới nơi làm việc. Tại Bỉ, tờ The Guardian dẫn lời Bộ trưởng Y tế nước này Frank Vandenbroucke cho biết làn sóng Covid-19 thứ hai ở vùng Wallonia và thủ đô Brussels đang vượt tầm kiểm soát, “gần tiến đến sóng thần”. Chính phủ Bỉ đã quyết định đóng cửa các quán bar và nhà hàng trong một tháng, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Thực tế, số ca lây nhiễm tại Bỉ đã tăng theo cấp số nhân thời gian gần đây. Trong đợt dịch này, giới trẻ tại Bỉ là những đối tượng nhiễm bệnh nhiều nhất. Đa số những người này không có triệu chứng nghiêm trọng nhưng lại là nguồn siêu lây nhiễm. “Chúng ta là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu. Chúng ta đang thực sự "gần tiến đến sóng thần"-nghĩa là không thể kiểm soát được những gì đang diễn ra. Hiện chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình nhưng cực kỳ khó khăn và căng thẳng”, Bộ trưởng Frank Vandenbroucke khẳng định.

Trong khi đó, Chính phủ Áo đã công bố quy định hạn chế hoạt động tập trung đông người, chỉ cho phép tối đa 6 người trong không gian kín và 12 người ở ngoài trời. Tại Pháp, lệnh giới nghiêm từ 21 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau trong vòng 4 tuần đã được áp đặt kể từ ngày 17-10 vừa qua tại nhiều vùng và thành phố lớn của nước này. Cảnh báo các bệnh viện tại nhiều thành phố ở châu Âu sẽ nhanh chóng bị quá tải, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề nghị các chính phủ cũng như người dân tại “lục địa già” thực hiện mọi biện pháp cần thiết để làm giảm đà lây lan của dịch bệnh, như đẩy mạnh xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, đeo khẩu trang, tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Theo trang thống kê worldometers.info, cho đến nay, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 40,6 triệu ca nhiễm Covid-19. Trong số này, có hơn 1,1 triệu người đã tử vong và hơn 9,1 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

HOÀNG VŨ / Báo QĐND

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/quoc-te/chau-au-truoc-nguy-co-tai-phong-toa-vi-dich-covid-19-41839.html