Châu Âu trước thách thức quá tải du lịch
Các cuộc biểu tình chống du lịch và làn sóng tẩy chay du khách đã bùng phát khắp châu Âu, từ Hà Lan đến Hy Lạp và Tây Ban Nha. Giới chức 'lục địa già' đang đứng trước bài toán giải quyết tình trạng quá tải du lịch và bảo vệ cộng đồng địa phương khỏi những tác động không mong muốn.
Làn sóng biểu tình phản đối du khách lan rộng
Số lượng du khách ngày càng tăng đã gây ra nhiều phong trào phản đối du lịch ở Tây Ban Nha và những nơi khác ở châu Âu.
Nổi bật nhất, trong vài tháng qua, một số khu vực du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha đã dấy lên làn sóng phản đối khách du lịch. Người dân thể hiện sự phẫn nộ với du khách bằng việc vẽ những bức vẽ trên tường khắp các tòa nhà hoặc nơi công cộng.
Đầu tháng 7, tại Barcelona, Tây Ban Nha, hàng trăm người biểu tình đã tuần hành qua các khu du lịch nổi tiếng, thậm chí phun nước vào du khách và hô vang khẩu hiệu “Khách du lịch, hãy về nhà!”. Người dân cho rằng, khách du lịch làm tăng chi phí nhà ở, lạm phát và gây ra sự xuống cấp của môi trường. Thị trưởng Barcelona Jaume Collboni tiết lộ rằng, giá thuê nhà tại thành phố này đã tăng 68% trong thập niên qua. Sự gia tăng này đã đẩy nhiều người dân vào tình trạng tuyệt vọng, thậm chí một số đã tổ chức biểu tình tuyệt thực hồi tháng 4.
Lượng khách du lịch ngày càng đông đúc đã khiến cho các địa điểm, các tuyến phố và nhà hàng nổi tiếng luôn trong tình trạng chen chúc, gây cảnh mất trật tự, đồng thời lo lắng du lịch đại trà có thể lấn át bản sắc của thành phố. Những điểm du lịch sinh thái khác tại Tây Ban Nha cũng đang chịu cảnh quá tải, ô nhiễm, xả rác bừa bãi…
Trong khi đó, gần đây, hàng nghìn người tại đảo Mallorca cũng xuống đường phản đối, tố cáo rằng, mô hình du lịch tại đây chỉ làm giàu cho một nhóm nhỏ, trong khi đẩy người lao động vào cảnh nghèo khó.
Đối với người dân địa phương tại các điểm du lịch nổi tiếng, tình trạng quá tải khách du lịch có thể tác động đến cuộc sống và chất lượng lưu trú, gây áp lực lên hệ thống giao thông, ngập tràn rác thải và ô nhiễm môi trường
Hướng tới “du lịch bền vững”
Hiện nay, những địa điểm bị quá tải du lịch đang áp dụng một số chiến lược quản lý điểm đến khác nhau như giới hạn số lượng, đánh thuế với khách du lịch, hạn chế thời gian mở cửa và tham quan, yêu cầu khách đặt trước các điểm đến nổi tiếng và quảng bá những địa điểm ít được biết đến.
Tại Tây Ban Nha, giới chức Barcelona mới đây ban hành lệnh cấm các chủ nhà cho thuê nhà trên nền tảng Airbnb và dịch vụ cho thuê ngắn hạn. Thành phố cũng hạn chế các nhóm du lịch vào khu di tích lịch sử La Boquería, đặc biệt là trong thời gian cao điểm. Những trung tâm tổ chức dịch vụ phải giới hạn ở mức nhiều nhất 20 người và hướng dẫn viên không được sử dụng loa phóng thanh. Hội đồng thành phố Barcelona đánh giá, vào năm 2023, lượng khách du lịch đăng ký tại các điểm lưu trú đã giảm 6,9% so thời điểm đạt đỉnh là năm 2019. Tuy nhiên, Barcelona vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những vấn đề quá tải du lịch gây ra, vì du khách tiếp tục quay trở lại khi mùa cao điểm tới.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất một chiến lược khác là tiếp thị “mùa thấp điểm” khi cơ sở hạ tầng cho phép. Điều này giúp thu hút sự chú ý của nhiều du khách đối với những hoạt động “du lịch chậm”, như đi bộ đường dài, nghỉ ngơi trong thành phố và các kỳ nghỉ trước và sau mùa hè là thời điểm lý tưởng. Ngoài ra, giới chức Tây Ban Nha đã phê duyệt sáng kiến mới trị giá 3,4 tỷ euro để chuyển đổi và hiện đại hóa ngành du lịch, trong đó dành 1,9 tỷ euro hỗ trợ các điểm đến tập trung vào việc bảo tồn và phát triển bền vững, chẳng hạn như hỗ trợ người dân và phục hồi rừng, cải thiện phúc lợi của địa phương, khôi phục kiến trúc lịch sử.
Các thành phố châu Âu khác như Amsterdam, Hà Lan đã chọn tăng thuế lưu trú. Tại thủ đô Hà Lan, mức thuế này đã được tăng vào tháng 10.2023 lên 12,5% theo giá phòng khách sạn cho tất cả du khách. Thành phố đang liên tiếp có những sáng kiến nhằm hạn chế tác động của du lịch đại chúng, thắt chặt các quy định nhằm hạn chế hoạt động du lịch liên quan đến sử dụng cần sa và cấm xây khách sạn mới. Để làm giảm hiện tượng du lịch quá mức, Hy Lạp bắt đầu bằng việc tăng thuế và tăng gấp đôi ngưỡng đầu tư để có thị thực, song Chính phủ khó mà tỏ ra kiên quyết hơn.
Trong những năm qua, Cơ quan du lịch quốc gia Italy (ENIT) đã tích cực thúc đẩy du lịch chậm bằng phương tiện giao thông công cộng khi có thể đến các điểm đến nhỏ hơn, ít người ghé thăm hơn, để giảm bớt áp lực cho các địa điểm nóng như Rome, Florence, Venice…
Ngoài ra, Venice đã trở thành thành phố đầu tiên của Italy trong năm nay áp dụng thuế đặc biệt đối với du khách đến thăm địa điểm này trong ngày. Sau khi chương trình thí điểm kết thúc vào tháng 7 vừa qua. Giới chuyên gia và người dân địa phương đều cho rằng sáng kiến này đã đạt được một số thành công ban đầu và cần được phát triển thêm. Theo chương trình trên, khi du khách đến thành phố Venice, miền Bắc Italy, trong ngày đối với 29 ngày cao điểm của mùa du lịch Hè từ tháng 4 - 7 vừa qua, phải trả khoản thuế đặc biệt 5 euro. Khách du lịch ở qua đêm tại Venice không phải trả khoản phí này. Những trường hợp trốn loại thuế này khi vào thành phố sẽ bị phạt từ 50 - 300 euro.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù các nước đang nỗ lực đưa ra các giải pháp, song việc cân bằng các mối quan tâm khác nhau của địa phương và cơ sở hạ tầng du lịch với các hoạt động du lịch bền vững là một thách thức đối với hầu hết các điểm đến.
Giám đốc Văn phòng Du lịch Tây Ban Nha Manuel Butler nhận định rằng: “Trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý và các công ty lữ hành là cần suy nghĩ cẩn thận để định hướng và đem lại những yếu tố tích cực cho địa phương hoặc khu du lịch. Du lịch là nguồn thu nhập cho nhiều người và là một ngành công nghiệp đang phát triển mạnh, nhưng không thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, nhà ở và các tiện nghi khác của cư dân. Điều quan trọng là ở cấp quản lý và các nhà hoạch định chính sách có tính định hướng, hỗ trợ hoạt động du lịch bền vững”.