Châu Âu tự làm khó khi gia tăng sức ép với Nga?

Gói trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) bộc lộ những thách thức và hạn chế đối với chính khối này khi phải gia tăng sức ép hơn nữa lên Nga.

Gói trừng phạt thứ 5 của Liên minh châu Âu nhằm vào Nga công bố hôm 7/4 khó đi đến thống nhất hơn so với những lần trước đó. Ban đầu, quyết định dự kiến đưa ra hôm 6/4, nhưng bị trì hoãn do có bất đồng.

Gói này nhắm mục tiêu vào các cá nhân và tổ chức tài chính, và đáng chú ý là cấm nhập khẩu than của Nga. Đây là lần đầu tiên châu Âu trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga.

Không chỉ khó đi đến thống nhất, một vài ngoại lệ đang làm phai mờ đi sự cứng rắn của những biện pháp trừng phạt. Điều này cho thấy EU gần chạm đến ngưỡng chịu đựng trong việc gây sức ép hơn nữa lên Nga, theo New York Times.

Không muốn cắt nguồn cung ngay lập tức

Lệnh cấm sử dụng than đá của Nga - biện pháp trị giá 4,4 tỷ USD - sẽ có hiệu lực ngay lập tức đối với các hợp đồng mới.

Tuy nhiên, Đức khăng khăng cho rằng các hợp đồng cũ cần thời hạn 4 tháng mới kết thúc. Điều này làm giảm bớt tác động đến cả Đức lẫn Nga.

Bên cạnh đó, đề xuất đầy tham vọng của Ủy ban châu Âu - cơ quan điều hành khối - về cấm tất cả tàu hoạt động cho công ty Nga khỏi cảng EU chỉ ảnh hưởng tới những tàu mang cờ Nga. Số này chiếm khoảng 1/3 trong tổng 3.500 tàu hoạt động ở Nga.

 Địa điểm lưu trữ than cứng cho nhà máy nhiệt điện than của nhà cung cấp năng lượng Đức Steag ở miền Nam hôm 5/4. Ảnh: AFP.

Địa điểm lưu trữ than cứng cho nhà máy nhiệt điện than của nhà cung cấp năng lượng Đức Steag ở miền Nam hôm 5/4. Ảnh: AFP.

Biện pháp sẽ áp dụng với cả các tàu bỏ cờ Nga sau ngày 24/2 và đăng ký ở quốc gia mới.

Tuy nhiên, lệnh này không ảnh hưởng tới một số lượng lớn các tàu hoạt động cho công ty Nga nhưng mang cờ quốc gia có mức thuế thấp - một thực tế phổ biến trong vận chuyển toàn cầu.

Hy Lạp, Cyprus và Malta - những điểm đến chính trong vận chuyển và bến đỗ du thuyền - cho rằng lệnh mới sẽ gây ra gánh nặng hành chính quá lớn cho quốc gia họ, khi phải xác định liệu các tàu tới bến có phải do Nga vận hành hay không.

Điều này cho thấy những thách thức lớn hơn nữa trong việc cấm khai thác dầu và khí đốt của Nga. Một số nước EU phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, và cả nhập khẩu khí đốt, không muốn cắt giảm nguồn cung đột ngột.

“Chúng ta đã cung cấp cho Ukraine gần một tỷ euro. Nghe có vẻ nhiều, nhưng một tỷ euro là số tiền chúng ta trả cho Nga mỗi ngày cho nguồn năng lượng mà nước này cung cấp”, nhà ngoại giao hàng đầu của khối, Josep Borrell Fontelles, nói. “Kể từ khi xung đột bắt đầu, chúng ta phải trả 35 tỷ euro, so với một tỷ euro viện trợ cho Ukraine”.

Nga chuyển nguồn cung sang nước khác

Trong những tuần gần đây, đồng rúp đã tăng trở lại so với đồng USD và đồng euro. Điều này một phần là nhờ biện pháp kiểm soát vốn và biện pháp can thiệp khác của ngân hàng trung ương Nga.

Các quan chức Nga hôm 7/4 tuyên bố nền kinh tế vẫn chống chịu tốt trước các lệnh trừng phạt.

“Các ‘tác giả’ của những chiến lược đó tin rằng lệnh trừng phạt sẽ hủy hoại nền kinh tế chúng tôi trong vài ngày tới”, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nói. “Nhưng kịch bản của họ sẽ không xảy ra”.

 Không có thị trường châu Âu, Nga sẽ chuyển hướng lô hàng than sang những thị trường khác. Ảnh: New York Times.

Không có thị trường châu Âu, Nga sẽ chuyển hướng lô hàng than sang những thị trường khác. Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitri Peskov khẳng định có rất nhiều nguồn muốn nhập khẩu than của Nga, theo Tass.

“Khi người châu Âu cấm nó (than), dòng chảy sẽ chuyển hướng sang các thị trường thay thế”, ông nói. “Than vẫn là một mặt hàng rất phổ biến”.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố sẽ rất khó để một số nước châu Âu, những nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu than Nga, từ chối các lô hàng ngay lập tức.

Theo ông, Nga có thể sẽ chuyển xuất khẩu than sang các nước châu Á - Thái Bình Dương bằng cách tận dụng công suất ở Biển Đen và các cảng vùng Baltic.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chau-au-tu-lam-kho-khi-gia-tang-suc-ep-voi-nga-post1308372.html