Châu Âu và bài toán 'kép' giữa an ninh và tăng trưởng
Trong bối cảnh địa chính trị thế giới không ngừng biến động, châu Âu đang đứng trước một lựa chọn chiến lược mang tính bản lề: liệu các khoản chi tiêu quốc phòng khổng lồ có thể trở thành cú hích cho tăng trưởng kinh tế, hay sẽ chỉ là một gánh nặng tài khóa trong dài hạn?
Giấc mơ về một “mô hình kép” - nơi công nghệ quân sự lan tỏa sang đời sống dân sự, từng tạo nên kỳ tích trong thế kỷ XX - nay đang được đặt lại trên bàn nghị sự, nhưng không phải không đi kèm những hoài nghi.

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte kêu gọi các nước thành viên “chi tiêu nhiều hơn và thông minh hơn” cho quốc phòng. Ảnh: TTXVN
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte gần đây kêu gọi các nước thành viên “chi tiêu nhiều hơn và thông minh hơn” cho quốc phòng. Với hơn hai phần ba quốc gia trong khối hiện đã chạm ngưỡng 2% GDP cho quốc phòng, châu Âu dường như đang khởi động một giai đoạn tái vũ trang toàn diện. Đức công bố kế hoạch một nghìn tỷ euro để hiện đại hóa quân đội, còn Ủy ban châu Âu sẵn sàng chi 800 tỷ euro từ các quỹ phục hồi. Những khoản đầu tư khổng lồ này được kỳ vọng sẽ kích thích đổi mới công nghệ, thúc đẩy thị trường lao động và kéo nền kinh tế thoát khỏi trạng thái trì trệ kéo dài.
Ở châu Âu, nhiều công ty quốc phòng khởi nghiệp, như Comand AI, đang nỗ lực phát triển các giải pháp trí tuệ nhân tạo phục vụ quân đội, với triển vọng ứng dụng trong lĩnh vực dân sự như logistics, an ninh mạng hay vận tải tự động. Nghiên cứu của Viện Kiel ước tính, mỗi 1% GDP chi cho R&D quốc phòng có thể kéo năng suất châu Âu tăng thêm 0,25% về dài hạn.
Tuy nhiên, con đường phía trước không bằng phẳng. Chi tiêu quốc phòng tăng mạnh đang gặp phản ứng dữ dội từ dư luận cánh tả - những người cho rằng việc cắt giảm phúc lợi xã hội để bù cho ngân sách quân sự sẽ khoét sâu bất bình đẳng và gây chia rẽ nội bộ. Cùng lúc, việc tài trợ bằng nợ công - vốn đã ở mức cao kỷ lục - có thể làm suy yếu nền tảng tài chính vĩ mô của châu Âu trong những năm tới. Một câu hỏi lớn khác là: ai sẽ thực sự hưởng lợi?
Hiện hơn một nửa hợp đồng mua sắm quốc phòng ở châu Âu chảy vào các tập đoàn Mỹ - điều khiến nhiều lãnh đạo, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phải lên tiếng cảnh báo...
Rõ ràng, quốc phòng có thể là một động cơ mới cho tăng trưởng ở châu Âu - nhưng chỉ khi được điều khiển bởi tư duy chiến lược, đầu tư có mục tiêu và ý chí chính trị đủ lớn để vượt qua sức ì truyền thống. Nếu không, mô hình “kép” sẽ chỉ còn là một ảo vọng trên những bảng tính ngân sách ngày càng căng cứng.