Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại
Chiều 17/11 tại Hà Nội, Trung tâm lưu trữ quốc gia I phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức khai mạc không gian trưng bày 'Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại'.
Trưng bày "Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại" giới thiệu hàng trăm trang tài liệu đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn, trong đó, nhiều văn bản quan trọng lần đầu tiên được công bố.
Châu bản triều Nguyễn là hệ thống văn bản hành chính được sản sinh trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền triều Nguyễn, bao gồm văn bản do các Hoàng đế ban hành và văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực màu son đỏ. Hệ thống văn bản này được giao cho Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình.
Một số văn bản tiêu biểu trong trưng bày lần này gồm có: Châu bản năm Minh Mạng 19 (1838) cho biết từ đây quốc hiệu nước ta là Đại Nam; văn bản năm Tự Đức 12 (1859); Châu bản triều Nguyễn ghi chép về nghi lễ tiết Nguyên đán và tuyên đọc ân chiếu; bản Dụ Cần vương duy nhất trong Châu bản triều Nguyễn đề ngày 12 tháng 6 năm Hàm Nghi nguyên niên.
Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được các học giả trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu trong nhiều năm qua, đặc biệt sau sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19/1/1974 do chính phủ Việt Nam Cộng hòa quản lý. Từ đó đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này. Trong đó, Châu bản triều Nguyễn là kho tàng chứa đựng nhiều thông tin quý giá về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây không chỉ là những văn bản chính thức của triều đình, mà còn là bằng chứng rõ ràng cho việc chính quyền Việt Nam đã liên tục và hòa bình thi hành chủ quyền trên hai quần đảo này dưới sự lãnh đạo của nhà vua.
Châu bản triều Nguyễn còn lại hiện nay gồm 86.000 văn bản gốc của 11 triều vua nhà Nguyễn là: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Trong đó có 10 vị vua để lại bút tích phê duyệt bằng mực son trên văn bản. Hai triều vua không có Châu bản là Dục Đức và Hiệp Hòa.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trưng bày lần này đã tạo nên một dấu ấn khẳng định sự hợp tác ngày càng có hiệu quả giữa các đơn vị làm công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. "Nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức các hoạt động như: khai thác tư liệu, trưng bày triển lãm, nghiên cứu khoa học nhằm tìm hiểu phương thức phát huy giá trị di sản tư liệu Châu bản, Mộc bản gắn với lịch sử và nghệ thuật di sản văn hóa Cố đô Huế. Đó là kết nối với cộng hưởng của quá khứ và hiện tại rất có giá trị".
Một trong những điểm đáng chú ý của trưng bày lần này là không gian thiết kế ấn tượng kết hợp công nghệ trình chiếu, nghệ thuật sắp đặt, làm tôn lên giá trị của tài liệu, hiện vật trưng bày đem đến cho người xem những trải nghiệm sống động. Bên cạnh đó, khách tham quan còn được trực tiếp tương tác để tìm hiểu, khám phá thêm nhiều thông tin lịch sử hữu ích thú vị từ Châu bản.
Nhân dịp khai mạc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I còn giới thiệu thước phim ngắn “Nhìn lại hành trình bảo tồn, phát huy giá trị Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn” giúp tái hiện câu chuyện lịch sử, những cuộc triển lãm ngày càng hấp dẫn và sáng tạo để công chúng được thụ hưởng những giá trị quý báu của di sản tư liệu.
TS. Nguyễn Thế Anh - sử gia về Việt Nam và Châu Á, một trong những người tiên phong trong nghiên cứu về triều Nguyễn đánh giá rằng: “Việc sử dụng các Châu bản đề nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX và XX là không thể phủ nhận. Nhiều điểm mơ hồ sẽ được làm sáng tỏ trong các tài liệu này, mặc dù bị khiếm khuyết, nhưng nhiều sự thật được chấp nhận cho đến nay sẽ bị thử thách khi đối đầu với Châu bản”.
Quá khứ khép lại, lịch sử đã bước sang trang mới nhưng những bài học, câu chuyện của tiền nhân luôn là sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy, giá trị sử liệu của Châu bản triều Nguyễn cần được phát huy để đông đảo công chúng biết đến nhiều hơn nữa.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/chau-ban-trieu-nguyen-ky-uc-mot-trieu-dai-post1060148.vov