Châu Đốc cho người lạ

Sáng 3.2 (mùng 6 Tết Ất Tỵ), đường từ Long Xuyên lên Châu Đốc (An Giang) đan dày ô tô, xe máy di chuyển một cách hối hả. Nhưng điều đó đã vội vã lướt qua tầm mắt của chúng tôi từ trên chiếc xe 7 chỗ...

TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang - Ảnh: Anh Duy

TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang - Ảnh: Anh Duy

Những điều nên biết

Trước khi lên Châu Đốc, tôi được người anh đồng nghiệp giới thiệu và gửi gắm làm hướng dẫn viên cho một người quen, là một giảng viên trẻ của một trường đại học trên Sài Gòn.

Giảng viên trẻ lần đầu về An Giang và ghé tham quan Trung tâm đặc sản Việt Nam lớn nhất ĐBSCL tại TP.Châu Đốc, sẵn tiện chiêm bái Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Anh bảo 2 nơi đó có nhiều thứ để mua, để xem.

Trung tâm đặc sản Việt Nam lớn nhất ĐBSCL (tại 103 Nguyễn Tri Phương, phường Vĩnh Mỹ, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) là một siêu thị lớn, hàng hóa đa dạng về chủng loại - Ảnh: Tô Văn

Trung tâm đặc sản Việt Nam lớn nhất ĐBSCL (tại 103 Nguyễn Tri Phương, phường Vĩnh Mỹ, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) là một siêu thị lớn, hàng hóa đa dạng về chủng loại - Ảnh: Tô Văn

Trung tâm đặc sản Việt Nam lớn nhất ĐBSCL (tại 103 Nguyễn Tri Phương, phường Vĩnh Mỹ, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) là một siêu thị lớn, hàng hóa ê hề chủng loại. Tôi dẫn anh đến đó và giới thiệu trung tâm này được xây dựng trên diện tích hơn 30.000m2, phần nhà trưng bày, mua bán rộng 16.800m2, tổng vốn xây dựng hơn 96 tỉ đồng.

Trung tâm gồm các khu trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của 36 tỉnh thành trong cả nước như Trà Vinh, Bến Tre, Hà Nội, Cà Mau, Long An, Lạng Sơn, Tây Ninh, Bình Thuận, Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu...

Ngoài khu trưng bày đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP các tỉnh thành, trung tâm còn có khu phố đi bộ về đêm, phố hàng rong; khu cửa hàng sản phẩm dịch vụ du lịch; khu bán các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp; khu tổ chức sự kiện; khu ẩm thực Việt Nam, Campuchia, Thái Lan...

Một quầy sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Một quầy sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Qua quan sát, anh bạn giảng viên đến từ Sài Gòn cho cho biết anh ấn tượng với việc nhiều loại hàng hóa khác nhau đều ghi rõ giá. Một số quầy thì để biển “mua hàng có khuyến mãi”. Chưa biết ý đồ của doanh nghiệp ra sao nhưng tôi hiểu rằng đó là sự đánh vào tâm lý khách hàng. Bởi vì sao? Vì nhìn qua thấy rõ giá, khuyến mãi thì tâm lý “thượng đế” sẽ tự móc hầu bao mà không cần trả giá, thêm nữa, khách hàng lại yên tâm bởi các mặt hàng tại đây đảm bảo về chất lượng.

Tại một quầy bán các sản phẩm OCOP vùng miền, tôi và giảng viên trẻ ghé mắt vào quan sát. Vừa dừng trước quầy, một cô gái dáng thon thả đã đon đả mời chào. Anh bạn đi cùng xem, chỉ một bịch khô cá lóc một nắng và hỏi: “Ngon không?”. Câu trả lời ngọt như mía lùi: “Ngon lắm anh trai ơi!”. Anh quyết định mua 2kg khô cá lóc. Nhận tiền xong, cô gái luôn mồm: “Cảm ơn anh, năm mới vạn sự như ý!”.

Hôm tôi và anh dạo một vòng chợ Châu Đốc, cũng vẫn các mặt hàng giống Trung tâm đặc sản Việt Nam, vẫn những cái biển treo giá, khuyến mãi ngày Tết. Và tôi càng có “chứng cứ” để khẳng định rằng tiểu thương Châu Đốc đã biết đánh vào tâm lý khách hàng.

Bạn muốn biết rõ hơn nữa ư? Thì đây, xin lý giải thêm: Thực ra, chuyện khuyến mãi là một ý đồ của người bán. Đây là một nghệ thuật “câu khách”. Nghĩa là khi nhìn, khách hàng sẽ tưởng ngay những mặt hàng này là họ bán thu hồi vốn, không cần lãi. Nhưng không phải vậy, vì các chủ hàng đó ngày nào cũng bán khuyến mãi. Bởi lẽ những “thượng đế” đa phần là du khách từ nơi khác đến, lại ở không lâu, nên không ít người sẽ mua “hàng khuyến mãi”.

Xe ôm truyền thống và xe lôi đạp

Sáng mùng 6 Tết, ở Châu Đốc, chúng tôi thật sự bất ngờ vì được đi xe ôm truyền thống giá rẻ. Rẻ không phải vì xe ôm truyền thống hạ giá trong những ngày tết, rẻ chẳng phải vì được bác tài ưu đãi gì. Chả là thế này, chúng tôi đi từ nội ô TP.Châu Đốc đến Tân Lộ Kiều Nương đoạn nối tiếp vào Khu du lịch quốc gia Núi Sam, vù một lát đã thấy đến đích. Bác tài xe ôm xòe tay tính 50.000 đồng/2 người. Thế mà hôm trước, ít nhất 100.000 đồng/2 người. Đúng là xe ôm truyền thống do “đồng hồ tính tiền bằng cơm”, không cố định. Ừ nhỉ, thành phố nào chẳng có nhiều đường ngang ngõ dọc, và con đường ngắn hay dài tùy thuộc vào cách tính tiền, tùy vào lương tâm của mỗi lái xe. Nhưng vẫn có những bác tài “dám” đi đường tắt làm người bản địa như tôi cũng thấy vui, không hẳn là vì đỡ “mất oan” vài chục nghìn đồng…

Phương tiện xe lôi đạp thường thấy tại TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Phương tiện xe lôi đạp thường thấy tại TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Trưa cùng ngày, dạo một vòng Khu du lịch quốc gia Núi Sam, chúng tôi quyết định thuê xe lôi đạp – một loại xe phía trước là xe đạp, phía sau là cái thùng của xe kéo, nó có thể chở cùng lúc cả người và đồ đạc cồng kềnh.

Do không phải là dòng xe được sản xuất đồng bộ trên dây chuyền công nghiệp nên kiểu dáng của mỗi chiếc xe hoàn toàn khác nhau, nhưng nhờ tính tiện dụng của nó mà ngay từ khi xuất hiện, loại xe này đã chiếm được cảm tình và lập tức phổ biến khắp vùng Tây Nam Bộ trong khoảng nửa cuối thập niên 80 đến nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Hơn thế nữa, khi đi vào Miếu Bà Chúa Xứ, phương tiện này vừa thoáng, vừa không gây say xe, hành khách lại dễ ngắm cảnh buôn bán tấp nập. Giá đi xe lôi đạp cũng rẻ hơn xe ôm truyền thống, công nghệ hay taxi. Nhưng chuyện đó là thường. Trải nghiệm "cảm giác mạnh" là ở chỗ này: đường đang đông, chàng đạp xe lôi da ngăm đen, mặt hơi ngầu, cỡ ngoài 30, ngoặt nhanh một cái để giành đường. Lúc xe đang chạy với tốc độ khá nhanh, anh cười khằng khặc, giả bộ giơ 2 ngón tay làm động tác "bắn" liên hồi vào xe phía trước...

Hẳn là anh chàng chạy xe lôi đạp vui tính này phải xem phim cao bồi nhiều lắm. Có khi vào đoạn cua, người chúng tôi đổ dạt vào nhau làm anh tài khoái chí cười toáng.

Đặc sản mắm trước cửa Miếu Bà

Từ lúc bước vào trước cửa Miếu Bà, lúc này khoảng 10 giờ, chúng tôi cảm nhận ngay mùi đặc trưng thoang thoảng trong không khí, lan tỏa từ những thau mắm to (đủ mắm sặc, lóc, chốt, thái, mè vinh – PV) được bày trước các quầy hàng.

Một quầy mắm ở TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Một quầy mắm ở TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Dưới ánh sáng rực rỡ của những bóng đèn neon, các ụ mắm khổng lồ mang đến sự kích thích về thị giác mạnh mẽ cho nhiều tín đồ ẩm thực. Tại các quầy bán mắm, người dân chen chân mua đông nghịt. Quay ra ngoài quầy thì nào là người bán bánh bò thốt nốt, đồ chay, bún cá, bún cua bày mâm la liệt trên đường, mời chào inh ỏi… Thấy không khí ngột ngạt, chúng tôi tháo lui để đi vào khu chánh điện Miếu Bà.

Nhiều người không chen vào được khu chánh điện Miếu Bà Chúa Xứ - Ảnh: Tô Văn

Nhiều người không chen vào được khu chánh điện Miếu Bà Chúa Xứ - Ảnh: Tô Văn

Càng bất ngờ hơn, hàng ngàn người hầu như không chen vào được khu chánh điện để cúng vái đành phải đứng từ xa hoặc phải ra các băng đá ngoài khuôn viên để nghỉ ngơi, chờ đợi.

Khi lên xe về lại Long Xuyên, tôi cười và nhắc đến Châu Đốc, mắt anh chàng giảng viên trẻ sáng lên, có chút lưu luyến và bảo rằng: “Năm sau sẽ về Châu Đốc nữa!”.

Tô Văn

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chau-doc-cho-nguoi-la-228912.html