Tiếp nối và gìn giữ bản sắc văn hóa K'Ho

Giữa dòng chảy vội vã của nhịp sống hiện đại, gia đình ba thế hệ của bà Liêng Hót Thái Hòa (xã Tà Nung, TP Đà Lạt), như những ngọn lửa âm ỉ nhưng bền bỉ, thắp sáng và nuôi dưỡng hồn cốt văn hóa K'Ho. Họ không chỉ truyền lại ngọn lửa đam mê, niềm tự hào mà còn thấu hiểu sâu sắc trách nhiệm thiêng liêng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, để thế hệ mai sau có thể tự hào tiếp nối và gìn giữ di sản quý báu của dân tộc mình.

Ông Liêng Hót Hà Thanh luôn đồng hành cùng em gái trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình

Ông Liêng Hót Hà Thanh luôn đồng hành cùng em gái trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình

Từ những năm 1985 đến 1994, khi giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Tà Nung, ông Cil Long - cha của bà Liêng Hót Thái Hòa, đã lặng lẽ dành dụm tiền để mua lại những bộ chiêng, ché, những “báu vật” quý giá của văn hóa K’Ho. “Ông nói đó không chỉ là tài sản để lại cho con cháu, mà còn là linh hồn của cả dân tộc mình”, bà Hòa hồi tưởng. Trong thời điểm nhiều gia đình phải vất vả lo toan cơm áo, ông Cil Long vẫn kiên định với việc làm của mình, để những giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một, lãng quên.

Trước khi qua đời, ông để lại cho gia đình 10 ché cổ, 1 bộ chiêng cùng nhiều vật dụng quý như: gùi, xà gạc - như một lời nhắc nhở thế hệ sau về trách nhiệm giữ gìn văn hóa người K’Ho. Tiếp nối cha, bà Liêng Hót Thái Hòa (sinh năm 1977) cùng chồng là K’Đức Tuấn, luôn nỗ lực gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. “Vì vậy, năm 2019, nhận thấy mô hình du lịch cộng đồng có thể nâng cao giá trị văn hóa, đồng thời thúc đẩy kinh tế và xã hội, chúng tôi quyết định xây dựng một khu tham quan, nơi du khách có thể trải nghiệm văn hóa người K’Ho”, bà Hòa chia sẻ.

Ông bà đã quyết định chặt bỏ cà phê để biến mảnh đất hơn 5.500 m² của gia đình thành “Làng K’Ho Cil”. “Mọi quyết định đều được đưa ra chóng vánh - chỉ vỏn vẹn trong chưa đầy một tháng. Có lẽ ước muốn góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa các nét đẹp văn hóa dân tộc trong chúng tôi đã thôi thúc quá mãnh liệt”, ông K’Đức Tuấn nói. Không gian "Làng K’Ho Cil" được chăm chút tỉ mỉ với các tiểu cảnh, cây cối, nhà dài… được thiết kế, bố trí hài hòa, mang đến trải nghiệm chân thực về đời sống của cộng đồng người K’Ho. Ngoài ra còn có rất nhiều dụng cụ truyền thống gắn liền với lao động sản xuất và sinh hoạt của người K’Ho xưa như: xà gạc, gùi, liềm, bầu đựng nước, lò rèn và các dụng cụ đánh bắt cá… hay các nhạc cụ truyền thống như: cồng chiêng, đồng la, đàn đá, đàn T’rưng, tù và... cũng như các tấm thổ cẩm đặc trưng của người K’Ho. “Khi có ý định xây dựng Làng K’Ho, chúng tôi đã đi sưu tầm rất nhiều hiện vật, mỗi món đồ đều phải tốn rất nhiều công sức mới có được”, bà Hòa chia sẻ.

Du khách đến làng còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc như: rượu cần, cà đắng da trâu, cơm lam, rau rừng, thịt hun khói… Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng tại đây mang đến trải nghiệm độc đáo, giúp người tham quan thấu hiểu hơn giá trị tinh thần trong văn hóa K’Ho.

Tháng 5/2024, bà Liêng Hót Thái Hòa thành lập Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng Tà Nung với mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. CLB quy tụ các thành viên đa dạng về độ tuổi, từ 12 đến 40, phần lớn là con cháu trong gia đình. Hai cô con gái của chị, sinh năm 1997 và 2005, ngoài biết múa xoang còn biết đánh cồng chiêng, góp phần truyền lửa văn hóa cho thế hệ trẻ. “Việc thành lập CLB không chỉ nhằm bảo tồn di sản văn hóa, mà còn tạo môi trường để các thành viên, nhất là thế hệ trẻ học hỏi, giao lưu và nuôi dưỡng tình yêu, trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa. Các buổi biểu diễn cồng chiêng của CLB đã phần nào giúp lan tỏa nét đẹp văn hóa K’Ho đến cộng đồng, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước”, bà chia sẻ.

Đồng hành với bà Hòa trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, còn có người anh trai cả, ông Liêng Hót Hà Thanh (sinh năm 1967). Là một luật sư, ông vẫn dành thời gian để học chỉnh chiêng. Ông chia sẻ, hiện nay rất ít người biết cách chỉnh chiêng đúng cách. Ngày xưa, ông bà thường dùng dao cạo để làm phẳng mặt chiêng, điều này giúp điều chỉnh âm thanh, nhưng càng cào thì chiêng càng bị hao mòn. Chính vì vậy, ông quyết định học cách chỉnh chiêng để bảo vệ những giá trị âm thanh quý báu này, không để chúng bị mai một theo thời gian.

Theo ông Hà Thanh, mỗi chiếc chiêng mang một âm vực và âm thanh riêng biệt. Khi hòa quyện cùng nhau, chúng tạo thành bản hòa âm đặc trưng, đậm chất núi rừng Tây Nguyên. “Việc chỉnh chiêng không chỉ là kỹ thuật mà còn là cách gìn giữ linh hồn của âm nhạc cồng chiêng. Được góp phần bảo tồn di sản văn hóa, tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào vô cùng”, ông chia sẻ.

Vợ chồng bà Hòa cũng không ngừng ấp ủ những kế hoạch lớn cho tương lai. Bà mong muốn mở rộng không gian văn hóa của "Làng K’Ho Cil", tạo thêm nhiều hoạt động trải nghiệm để tái hiện nếp sống truyền thống của người K’Ho. Gia đình bà dự định xây dựng thêm các gian nhà nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, đúc đồng, đồng thời bổ sung đội ngũ hướng dẫn viên, nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng để mang lại trải nghiệm chuyên nghiệp hơn cho du khách. Với tâm huyết giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, bà hy vọng "Làng K’Ho Cil" sẽ phát triển bền vững và trở thành điểm đến bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng.

NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/tiep-noi-va-gin-giu-ban-sac-van-hoa-kho-1820d81/