Châu Phi cảm thấy thiếu công bằng khi thế giới phản ứng với bệnh đậu mùa khỉ
Hôm nay (2/6), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ triệu tập một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về các ưu tiên nghiên cứu bệnh đậu mùa khỉ và các vấn đề liên quan.
Trong khi đó, lục địa châu Phi đã báo cáo số trường hợp mắc bệnh nhiều gấp ba lần trong năm nay. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, đã có hơn 1.400 trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ và 63 trường hợp tử vong ở 4 quốc gia nơi bệnh thường lưu hành là Cameroon, CH Trung Phi, Congo và Nigeria.
Một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: AP
Bài liên quan
WHO: Dịch bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện trong một thời gian dài
WHO cho biết bệnh đậu mùa khỉ 'có thể kiểm soát được'
WHO dự kiến sẽ có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
WHO họp khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ, khi dịch bệnh lan rộng ở châu Âu
Các quan chức y tế cho biết cho đến nay, việc xác định trình tự gen vẫn chưa cho thấy bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào đến sự bùng phát bên ngoài châu Phi. Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ thuộc cùng họ virus với bệnh đậu mùa, và vắc xin đậu mùa được ước tính có 85% hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ.
Kể từ khi xác định các trường hợp mắc bệnh vào đầu tháng này, Anh đã tiêm phòng cho hơn 1.000 người có nguy cơ nhiễm virus và mua thêm 20.000 liều vắc xin. Các quan chức Liên minh châu Âu đang đàm phán để mua thêm vắc xin đậu mùa từ Bavarian Nordic, nhà sản xuất vắc xin duy nhất được cấp phép ở châu Âu.
Các quan chức chính phủ Mỹ đã tiêm 700 liều vắc xin ở các tiểu bang nơi các trường hợp nghi nhiễm được báo cáo. Tuy nhiên, các biện pháp như vậy không được sử dụng thường xuyên ở châu Phi.
Tiến sĩ Adesola Yinka-Ogunleye, người đứng đầu nhóm làm việc về bệnh đậu mùa khỉ của Nigeria, còn cho biết hiện không có vắc xin hoặc thuốc kháng virus nào được sử dụng để chống lại bệnh đậu mùa khỉ ở nước này. Những người bị nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ chỉ được cách ly và điều trị cơ bản, trong khi những người tiếp xúc với họ được theo dõi.
Ông Ahmed Ogwell, quyền giám đốc của CDC châu Phi cho biết, nói châu Phi chỉ có “kho dự trữ nhỏ” vắc xin đậu mùa để cung cấp cho các nhân viên y tế khi bùng phát bệnh.
Tiến sĩ Jimmy Whitworth, giáo sư về y tế công cộng quốc tế tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết nguồn cung cấp vắc xin hạn chế có nghĩa là việc tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ không được triển khai rộng rãi ở châu Phi.
WHO có 31 triệu liều vắc xin đậu mùa, hầu hết được lưu giữ tại các quốc gia tài trợ và nhằm mục đích phản ứng nhanh chóng với bất kỳ sự tái xuất hiện nào của căn bệnh này.
Ông Oyewale Tomori, một nhà virus học người Nigeria, người tham gia một số ban cố vấn của WHO, cho biết việc sử dụng các vắc xin dự trữ tại các quốc gia tài trợ có thể được triển khai nhanh chóng, nhưng dùng cho châu Phi lại là một câu chuyện khác.
“Một cách tiếp cận tương tự nên được áp dụng từ lâu để đối phó với tình hình ở châu Phi. Đây là một ví dụ khác về việc bất bình đẳng giữa các quốc gia", ông nói.
Một số bác sĩ chỉ ra rằng những nỗ lực tìm hiểu bệnh đậu khỉ bị đình trệ hiện đang làm phức tạp thêm những nỗ lực điều trị bệnh nhân. Hầu hết mọi người trải qua các triệu chứng bao gồm sốt, ớn lạnh và mệt mỏi. Nhưng những người mắc bệnh nghiêm trọng hơn thường phát ban trên mặt hoặc tay và lan ra các nơi khác.
Tiến sĩ Hugh Adler và các đồng nghiệp gần đây đã xuất bản một bài báo cho thấy thuốc kháng virus tecovirimat có thể giúp chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Loại thuốc này, được chấp thuận ở Mỹ để điều trị bệnh đậu mùa, đã được sử dụng cho 7 người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở Anh từ năm 2018 đến năm 2021.
Ông lưu ý rằng nhiều căn bệnh chỉ thu hút được số tiền tài trợ đáng kể sau khi lây nhiễm sang những nước giàu. Ví dụ, chỉ sau đợt bùng phát Ebola thảm khốc ở Tây Phi vào năm 2014-2016 và khi một số người Mỹ bị bệnh, thì các nhà chức trách mới đẩy mạnh nghiên cứu và các quy trình để cấp phép cho vắc xin Ebola sau hàng thập kỷ bùng phát ở châu Phi.
Quốc Thiên (theo AP)