Châu Phi có đủ sức thay Trung Quốc 'chống đỡ' kinh tế toàn cầu?

Trong những thập kỷ gần đây, động lực của nền kinh tế thế giới là sự tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm nay, sau Ấn Độ, châu Phi được đánh giá sẽ đem đến tiềm năng, đóng góp lớn cho toàn cầu.

Từ năm 1980 đến năm 2020, 1/4 tăng trưởng GDP toàn cầu đều nhờ Trung Quốc, vượt xa đóng góp của Mỹ (22%), Liên minh Châu Âu (12%) và Nhật Bản (4%). Từ năm 2010 đến 2020, khi xứ cờ hoa và Châu Âu vẫn đang phục hồi sau cuộc Đại suy thoái, thế giới thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc; tăng trưởng của Trung Quốc chiếm hơn 40% mức tăng GDP toàn cầu.

Câu chuyện thành công của Trung Quốc có liên quan nhiều đến dân số trẻ, đông đảo nhất hành tinh. Nguồn lao động trẻ dồi dào, tinh thần háo hức khám phá những cơ hội mới ở các thành phố và đặc khu kinh tế đã thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, khi nước này mất đi vị thế là quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ, tình hình đã thay đổi. Trong những năm tới, nếu dân số của Trung Quốc duy trì ở mức hiện tại, nền kinh tế của nước này dự kiến chậm lại. Thế giới sẽ không còn có thể phụ thuộc vào Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng.

 Ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc chọn lối sống buông xuôi khi từ bỏ nỗ lực thăng tiến, mua nhà, tậu xe, kết hôn và sinh con. Ảnh: The Guardian.

Ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc chọn lối sống buông xuôi khi từ bỏ nỗ lực thăng tiến, mua nhà, tậu xe, kết hôn và sinh con. Ảnh: The Guardian.

Với lợi thế sẵn có, Ấn Độ thường được quảng cáo là “Trung Quốc tiếp theo”, nhưng đó vẫn là một viễn cảnh khó xảy ra bởi nước này sẽ sớm phải đối mặt với nhiều hạn chế về nhân khẩu học tương tự. Thay vào đó, thế giới sẽ phải nhìn vào lục địa châu Phi.

Theo ước tính gần đây nhất của Liên Hợp Quốc, dân số châu Phi, do tỷ lệ tử vong giảm và mức sinh cao, sẽ tăng từ 1,4 tỷ người hiện nay lên 2,5 tỷ người vào năm 2050. Sự năng động của giới trẻ châu Phi là trung tâm cho tương lai của nền kinh tế toàn cầu.

Với tổng tỷ suất sinh dao động từ 0,8 đến 1,3 ở Đông Á, từ 1,5 đến 1,7 ở Châu Âu và Mỹ, trung bình là 1,9 ở Châu Mỹ Latinh và hiện giảm xuống còn 2,0 ở Ấn Độ, hầu như không có khu vực nào trên thế giới có tỷ suất sinh tăng nhanh như “lục địa đen”

Trường hợp ngoại lệ

Không giống như Trung Quốc hay Ấn Độ. Mức sinh ở châu Phi, ở mức 4,3 trẻ em/ phụ nữ, gần gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Dù tỷ lệ sinh cao, tuy nhiên điều này phản ánh sự thiếu tiếp cận với giáo dục.

Hiện tại, các quốc gia châu Phi có số liệu về tỷ lệ nhập học trung học thấp nhất trên thế giới, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nhiều nhà nhân khẩu học kỳ vọng rằng nếu giáo dục trung học có chất lượng trở nên phổ cập đối với phụ nữ châu Phi, thì khả năng sinh sản sẽ giảm đáng kể.

Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ có 4/10 phụ nữ ở độ tuổi trung học ở vùng cận Saharan châu Phi được học trung học. Ở một nửa trong số 54 quốc gia của châu lục, bao gồm cả các quốc gia lớn như Angola, Ethiopia và Uganda, cứ 5 phụ nữ thì chưa đến một người hoàn thành giáo dục trung học. Trong khi đó, ở Ghana, Mozambique và Niger, tỷ lệ này chưa đến 1/10.

 Xếp hàng chờ mua nước sinh hoạt ở Buốc-ki-na Pha-xô. Ảnh TRT WORLD.

Xếp hàng chờ mua nước sinh hoạt ở Buốc-ki-na Pha-xô. Ảnh TRT WORLD.

Năm nay, cứ ba đứa trẻ được sinh ra trên toàn thế giới thì có một trẻ mang quốc tịch Châu Phi. Dự kiến đến năm 2040, cứ ba người trên thế giới trong độ tuổi từ 15 đến 24 sẽ có một người là người châu Phi. Đến năm 2050, dân số trong độ tuổi lao động chính của Châu Phi sẽ lớn gấp 5 lần so với Châu Âu và hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại.

Độ tuổi lao động chính của thế giới sẽ tăng thêm 428 triệu người từ năm 2020 đến năm 2040. Trong số gia tăng đó, 420 triệu người sẽ ở Châu Phi; 8 triệu sẽ là mức tăng ròng trong nhóm tuổi đó trên toàn bộ phần còn lại của thế giới. Trong kỷ nguyên sắp tới, thanh niên châu Phi sẽ chiếm 98% tổng mức tăng trưởng lực lượng lao động ròng trên thế giới.

Châu Phi có thể thay Trung Quốc "gánh" GDP toàn cầu?

Câu trả lời: Rất có thể, nếu như không muốn nói là nhiều khả năng.

Vào năm 1980, GDP của Trung Quốc là 423 tỷ đôla, chỉ lớn hơn của Hà Lan một chút và GDP bình quân đầu người của nước này là 431 đô la mỗi năm, chỉ bằng một nửa của Ethiopia ngày nay.

Trong 40 năm tiếp theo, Trung Quốc đã tăng dân số trong độ tuổi lao động lên hơn 200 triệu người, trang bị cho họ các công cụ để làm việc hiệu quả hơn, thu hút đầu tư toàn cầu và mở rộng nền kinh tế gấp 30 lần.

Trong 20 năm tới, các quốc gia châu Phi sẽ tăng dân số trong độ tuổi lao động chính lên 400 triệu lao động. Dự kiến 40 năm sau, nếu một nửa trong số họ đạt được mức tăng năng suất tương tự như Trung Quốc, thì GDP của Châu Phi sẽ tăng gấp 15 lần, đạt mức tăng 52 nghìn tỷ đô la, tạo ra tăng 60% so với tổng GDP của thế giới vào năm 2021.

Nhiều người quan ngại 54 quốc gia đa dạng trên lục địa này không thể cùng nhau tạo ra một phép màu năng suất như của Trung Quốc. Nhưng vào năm 1980, không ai nghĩ rằng kinh tế Trung Quốc có thể sánh ngang với nền kinh tế của toàn bộ châu Âu hoặc Mỹ như bây giờ.

Nếu châu Phi có thể đạt mức tăng trưởng ngang như dự kiến, “lục địa đen” sẽ đóng góp thêm 15 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu—tương đương với mức đóng góp của Trung Quốc từ năm 1980 đến năm 2020

Tốc độ tăng trưởng như vậy không phải là ảo tưởng. Từ năm 1980 đến năm 2020, khu vực châu Phi cận Sahara đã tăng gấp ba lần GDP từ 600 tỷ đô la lên 1,9 nghìn tỷ đô la.

Từ năm 2000 đến năm 2020, GDP của Nigeria đã tăng gần gấp ba lần; Ethiopia đã tăng gấp 5 lần trong thời kỳ đó.

Nếu các quốc gia này có thể phát huy hiệu suất này và mang theo các nền kinh tế châu Phi khác thông qua hội nhập khu vực sâu rộng hơn, thì một thế hệ thanh niên châu Phi có thể tạo ra sự bùng nổ toàn cầu.

Hướng đi bền vững: Phát triển kinh tế xanh

Nền kinh tế thế giới cần sự tăng trưởng kinh tế của Châu Phi; nhưng cũng cần châu Phi đi một con đường khác với Trung Quốc.

Gã khổng lồ châu Á đi theo mô hình công nghiệp hóa sớm của phương Tây: phát triển nhanh, chưa bền vững, lo lắng về hậu quả sau này.

 Nhà máy năng lượng mặt trời khổng lồ trên sa mạc của Morocco. (Ảnh minh họa)

Nhà máy năng lượng mặt trời khổng lồ trên sa mạc của Morocco. (Ảnh minh họa)

Được thúc đẩy trong nhiều năm nhờ than đá, thành công kinh tế của Trung Quốc cũng là một thảm họa môi trường. Kể từ năm 2005, Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.

Mặc dù lượng khí thải carbon của Châu Phi ngày nay rất nhỏ, châu lục này có thể nhanh chóng bổ sung lượng khí nhà kính vào bầu khí quyển, làm mất đi những lợi ích có được từ việc cắt giảm của các quốc gia khác.

Nhiều chuyên gia cho rằng tăng trưởng ở Châu Phi phải sạch, cả về mặt tạo ra năng lượng và không hủy hoại cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên của lục địa.

May mắn thay cho châu Phi, lục địa này không chỉ có nguồn thủy điện, năng lượng mặt trời, gió, thủy triều và địa nhiệt dồi dào, mà còn có thể gặt hái những lợi ích từ những tiến bộ công nghệ giúp hạ giá năng lượng sạch xuống một mức độ lớn chỉ trong một thập kỷ.

Một lục địa quan trọng

Các quốc gia châu Phi cần hợp tác với nhau để tạo ra một môi trường thể chế hội nhập hơn nhằm thu hút đầu tư tư nhân từ nước ngoài.

Ví dụ, các quỹ từ thiện, chẳng hạn như Quỹ Bill & Melinda Gates, đã chỉ ra rằng số tiền tương đối nhỏ, được chi tiêu cẩn thận, có thể tạo ra kết quả tuyệt vời trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng.

 Với hơn nửa số quốc gia nằm ở ven biển, đồng thời phần lớn lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển, châu Phi có tiềm năng lớn để phát triển “kinh tế xanh”. Ảnh: Internet,

Với hơn nửa số quốc gia nằm ở ven biển, đồng thời phần lớn lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển, châu Phi có tiềm năng lớn để phát triển “kinh tế xanh”. Ảnh: Internet,

Các quỹ hỗ trợ giáo dục trung học và nâng cao chất lượng, dù là từ các quỹ từ thiện hay chính phủ, cũng có thể mang lại lợi tức tương tự.

Nhưng các khoản đầu tư tạo việc làm trong ngành du lịch, dịch vụ, sản xuất nhẹ, công nghiệp nặng, thiết kế, giải trí, bán lẻ, vận chuyển, xuất bản, truyền thông và tài chính sẽ phải đến từ khu vực tư nhân toàn cầu.

Bên cạnh đó, “lục địa đen” cũng cần có chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn để ngăn chặn, hoặc chấm dứt nhanh chóng hơn những xung đột đang làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế.

Giờ đây, Châu Phi cần nhiều sự chú ý của toàn cầu, không chỉ để hỗ trợ mà còn vì châu lục này rất quan trọng đối với thế giới.

Khánh Vy (Theo HSNW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chau-phi-co-du-suc-thay-trung-quoc-chong-do-kinh-te-toan-cau-post248426.html