Châu Phi đang chạy đua đối phó Covid-19

Các chính phủ trên khắp châu Phi đang gấp rút tiến hành các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus corona vì lo ngại rằng các hệ thống y tế còn thiếu thốn của họ sẽ khó có thể đáp ứng nếu căn bệnh này lan rộng.

Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi có phản ứng mạnh mẽ đối với sự gia tăng cực kỳ nhanh chóng về số lượng các quốc gia có trường hợp nhiễm Covid-19 được xác nhận.

Lo ngại về hệ thống y tế

Tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực của WHO ở Châu Phi cho biết, chúng tôi phải theo sát những gì đang được thực hiện.

"Tại thời điểm này, những gì được thực hiện sẽ quyết định số lượng người bị nhiễm bệnh. Tôi vẫn nghĩ rằng có thể chúng ta sẽ ngăn chặn được số lượng lớn người tử vong nhưng chúng ta cần sự phối hợp, một nỗ lực lớn và nguồn lực khổng lồ", quan chức này nói.

Hầu hết ca nhiễm liên quan đến những người gần đây đã ở châu Âu hoặc các điểm nóng khác, nhưng số trường hợp lây truyền nội địa đang tăng lên mỗi ngày.

Tedros Ghebreyesus, Tổng giám đốc của WHO, đã cảnh báo rằng những con số chính thức có thể đánh giá thấp mức độ lây lan của căn bệnh này.

Có lẽ chúng ta còn những trường hợp chưa bị phát hiện hoặc những trường hợp không được báo cáo, ông nói. Ở các quốc gia khác, chúng ta đã thấy virus thực sự tăng tốc như thế nào sau một thời điểm bùng phát nhất định, vì vậy lời khuyên tốt nhất cho châu Phi là chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và chuẩn bị ngay hôm nay.

Hệ thống y tế châu Phi có thể sẽ gặp khó khăn nếu tỉ lệ nhiễm Covid-19 lan nhanh. Ảnh: Reuters.

Hệ thống y tế châu Phi có thể sẽ gặp khó khăn nếu tỉ lệ nhiễm Covid-19 lan nhanh. Ảnh: Reuters.

Các quan chức y tế trên khắp châu Phi biết rằng các bệnh viện chỉ có thể đối phó với một phần nhỏ những người cần được chăm sóc nếu virus lây lan đến các thành phố đông đúc, các ngôi làng xa xôi hay tới những người dân dễ bị tổn thương như người tị nạn, suy dinh dưỡng hoặc những người mắc bệnh HIV và các bệnh mãn tính khác.

Nam Phi, nơi có một trong những hệ thống y tế công cộng tốt nhất Châu Phi, có chưa tới 1.000 giường chăm sóc đặc biệt (ICU), trong đó 160 giường nằm trong khu vực tư nhân, để phục vụ dân số 56 triệu người. Ở Malawi, có khoảng 25 giường ICU trong các bệnh viện công, phục vụ 17 triệu người. Bệnh viện về các bệnh truyền nhiễm chính ở thủ đô của Zimbabwe, Harare, không có chiếc ICU nào, Hiệp hội bác sĩ vì quyền con người Zimbabwe cho biết.

Nigeria, nước đông dân nhất châu Phi, đang nỗ lực có thêm giường cách ly và các thiết bị và đào tạo y tế chuyên sâu hơn tại các bệnh viện nhà nước.

Tập trung phòng ngừa và phát hiện sớm

Chikwe Ihekweazu, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Nigeria cho biết, hệ thống y tế của chúng tôi không mạnh như chúng tôi muốn. Đó là lí do vì sao chúng tôi hơi lo lắng về khả năng đối phó với một ổ dịch lớn nên chúng tôi tập trung rất nhiều vào việc phòng ngừa và phát hiện sớm.

Nhiều quốc gia đã đình chỉ các chuyến bay và các kết nối giao thông khác với các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 ở châu Âu và châu Á, hoặc đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh. Các hạn chế cũng đã được thực thi đối với các sự kiện công cộng, trường học và các hoạt động tôn giáo.

Jane Ruth Aceng, Bộ trưởng Bộ Y tế của Uganda, cho biết nước này đang cảnh giác cao độ vì hầu như tất cả các nước láng giềng đều đã có các trường hợp mắc Covid-19. Không có quốc gia nào có thể nói rằng họ đã chuẩn bị 100%, ông Aceng nói với tờ Guardian.

Giáo sư Pauline Byakika, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Khoa thuộc Đại học Uganda, cho biết bà lo lắng rằng ngay khi xảy đến, [virus corona] sẽ lây lan rất nhanh. Bà cho biết trong môi trường xã hội của nhiều ngôi nhà, với hệ thống vệ sinh và thông gió kém, sẽ đặt ra nguy cơ rất cao.

"Có khoảng năm hoặc sáu người trong một ngôi nhà có một hoặc hai cửa sổ. Trước khi bạn nhận thức được, cả gia đình sẽ bị nhiễm bệnh", bà nói.

Trong khi đó, cũng đang lo ngại về việc hạn chế cơ sở vật chất phục vụ cách ly. Tại Nam Sudan, bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến kéo dài 5 năm, chính phủ chỉ có 24 giường cách ly, ông Angok Gordon Kuol, một quan chức tại Bộ Y tế nước này cho biết.

Tại Somalia, Bộ trưởng Y tế Fawziya Abikar cho biết chính phủ đã thành lập một cơ sở kiểm dịch tại sân bay Mogadishu và đang trang bị một bệnh viện để điều trị cho các trường hợp mắc Covid-19. Chúng tôi vẫn đang chờ thêm thiết bị cho bệnh viện, ông nói.

Dù vậy, nhiều quốc gia châu Phi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm cao và có khả năng gây tử vong cao. Trước đó, khi đối phó với sự bùng phát của Ebola, loại virus đã giết chết hơn 11.000 người ở Tây Phi trong giai đoạn 2013-2016, Uganda đã dự trữ thiết bị bảo vệ, thuốc và lều, cũng như chuẩn bị các biện pháp đối phó với virus.

Ngoài ra, sự xuất hiện chậm của virus này ở châu Phi cũng đã phần nào giúp các chính phủ có thời gian phối hợp với WHO để tăng cường sự chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp, cải thiện giám sát và bắt đầu trang bị các trung tâm điều trị.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chau-phi-dang-chay-dua-doi-pho-covid-19-20200320162126343.htm