Châu Phi: Nhức nhối 'thị trường' nội tạng người
Tòa án Anh mới đây đã tuyên án ông Ike Ekweremadu, nguyên Phó Chủ tịch Thượng viện Nigeria 9 năm 8 tháng tù vì tội buôn bán nội tạng người trái phép. Vợ ông ta là bà Beatrice và bác sỹ người Nigeria Obinna Obeta cũng chịu lần lượt 4 năm 6 tháng và 10 năm tù.
Cả ba người là đồng phạm trong âm mưu đưa một người đàn ông từ Lagos nhập cảnh vào Anh để làm phẫu thuật lấy thận cấy cho con gái của ông Ekweremadu. Phiên tòa này là một dấu hiệu nữa cho thấy quy mô và tầm nghiêm trọng của thị trường buôn bán nội tạng người ở Lục địa Đen.
Cái giá của sự sống
Theo ước tính của WHO, 10% số nội tạng người được sử dụng trong các cuộc phẫu thuật cấy ghép diễn ra hằng năm có nguồn gốc từ thị trường chợ đen. Con số 10% tương đương 12.000 cuộc phẫu thuật “chui” lấy nội tạng từ người sống trong năm 2022. Thận là bộ phận được buôn bán trái phép nhiều nhất với khoảng 8.000 trường hợp được trình báo với cảnh sát trên toàn thế giới, theo sau bởi gan, tim, phổi và tụy. WHO cũng cảnh báo về xu hướng tăng việc buôn bán nội tạng xuyên biên giới, nhất là tại châu Phi.
Dư luận Nigeria đang xao động vì hàng loạt trường hợp người dân nước này bị bọn buôn người bí mật đưa sang Dubai dưới danh nghĩa du lịch hoặc xuất khẩu lao động, nhưng thực chất là để phẫu thuật lấy nội tạng. Một nạn nhân nữ bán đi buồng trứng của mình để giúp gia đình mình qua nạn đói chia sẻ: “Ban đầu họ tự quảng cáo là công ty môi giới xuất khẩu lao động. Phải đến khi tôi đến tận văn phòng của họ thì họ mới nói thật ra là mình mua nội tạng. Họ ra giá bán một quả thận 262.000 USD, quả tim 119.000 USD, lá gan 157.000 USD nhưng chỉ trả cho người hiến 1/5... Những kẻ buôn nội tạng lo hết mọi việc về giấy tờ và vé máy bay, tôi chỉ cần lên máy bay đi Dubai để phẫu thuật”.
Giáo sư, bác sỹ Philip Njemanze, chủ tịch Hiệp hội Bác sỹ Công giáo Nigeria, nhận xét: “Chỉ có tội phạm có tổ chức bài bản mới tham gia vào việc buôn bán nội tạng được. Bạn cần phải có một mạng lưới gồm từ bác sỹ phẫu thuật, bác sỹ gây mê, y tá, v.v... đến chuyên gia xét nghiệm tìm xem nội tạng của người hiến nào hợp với người nhận nào... Để chấm dứt việc buôn bán nội tạng người ở Bắc và Tây Phi, việc đầu tiên cần làm là xem xét những mối quan hệ mờ ám giữa tội phạm và ngành y tế ở các nước châu Phi và Trung Đông.”
Phần lớn những cá nhân tình nguyện bán nội tạng của mình sẽ được tội phạm cung cấp giấy tờ giả và vé máy bay sang các quốc gia khác, nơi người được nhận tạng đã chờ sẵn dưới vỏ bọc khách du lịch. Mọi khâu trong quy trình phẫu thuật lấy tạng - cấy ghép đều được thực hiện khép kín bởi nhân viên y tế đã “móc nối” với tội phạm. Một số nạn nhân may mắn được nhận đủ tiền sau phẫu thuật, nhưng trong không ít trường hợp khác tội phạm dọa bỏ mặc họ ở nơi “đất khách quê người” để buộc nạn nhân phải chấp nhận số tiền ít hơn thỏa thuận.
Từ Libya đến Yemen, khu vực Bắc Phi đang trở thành “miền đất hứa” đối với những kẻ săn nội tạng. Hơn 5 triệu người tị nạn chiến tranh từ Trung Đông, cộng với khoảng 6,3 triệu người tị nạn chạy hạn hán từ khu vực Sahel, đang sống trong cảnh cùng cực tại Algeria, Ai Cập, Tunisia, v.v... Tội phạm buôn nội tạng không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nạn nhân và thúc giục họ bán đi một phần cơ thể mình để lấy tiền nuôi gia đình.
Bà Nuna Matar, giám đốc tổ chức từ thiện Triumphant Mercy tại Lebanon, trả lời phỏng vấn: “Những kẻ buôn người đang nhắm vào trẻ em nghèo và trẻ em tị nạn, nhưng không phải vì muốn lạm dụng tình dục và sức lao động của các em như trước đây. Chúng muốn nội tạng của các em... Chúng tôi muốn làm điều gì cũng khó vì không có đủ thông tin và công cụ pháp luật. Hầu hết các nước châu Phi và châu Âu không tự tổng hợp số liệu về việc buôn bán nội tạng trái phép ở nước họ”.
Bà Suzanne Hoffe, điều phối viên quốc tế của tổ chức chống buôn người La Strada International, phát biểu trên sóng đài truyền hình DW: “Libya đang là điểm nóng trong hoạt động buôn bán nội tạng người. Quốc gia này giữ vị trí “cửa ngõ” đối với người tị nạn từ khu vực hạ Sahara và Sừng châu Phi muốn tìm đường sang châu Âu. Libya còn chìm trong nội chiến là những kẻ buôn bán nội tạng còn được tự do tìm kiếm nạn nhân”.
Nhà báo Alex Forsyth của hãng tin BBC là người đã dành nhiều năm theo dõi mảng tội phạm buôn người ở châu Phi. Ông kể về một lần gặp gỡ một đối tượng tham gia quá trình buôn bán nội tạng ở ngoại ô Tripoli: “Anh ta tự giới thiệu mình là Abu Jaafar làm nghề “cò mồi” giới thiệu người tị nạn với những kẻ buôn nội tạng. Anh ta coi việc mình làm là điều thiện vì nếu như không bán nội tạng, nhiều người tị nạn sẽ chết vì đói. Trong vòng 3 năm qua, Jaafar đã đưa 30 người đi phẫu thuật lấy nội tạng”.
Theo lời Abu Jaafar, những kẻ buôn nội tạng sẽ liên lạc với anh ta trước để nói xem chúng cần bộ phận cơ thể gì, sau đó Jaafar sẽ tìm người bán: “Có lần họ cần mắt người mà tôi vẫn tìm được khách hàng sẵn sàng bán... Tôi bịt mắt người hiến tạng lại rồi lái ôtô chở họ đến phòng khám bác sỹ. Đôi khi bác sỹ lại thuê căn hộ để làm xét nghiệm và phẫu thuật... Sau khi phẫu thuật xong, tôi đưa họ về nhà mình chăm sóc đến khi nào họ tháo chỉ. Lúc đó thì tôi hết trách nhiệm với họ”.
Nhà báo Alex Forsyth còn phỏng vấn một khách hàng của Abu Jaafar, một cậu thiếu niên 17 tuổi người Syria. Cậu bán đi một quả thận của mình với giá 8.300 để trả nợ và nuôi mẹ cùng 5 người em gái. Sau khi hiến tạng, cậu bé nằm trong một phòng ngủ phía sau quán cà phê. Cậu thều thào giữa những cơn đau: “Cháu thấy hối tiếc quá. Cháu quả thực không muốn làm thế đâu, nhưng cháu không còn sự lựa chọn nào khác”.
Nạn nhân của bọn tội phạm buôn nội tạng không chỉ có người sống. Từ hơn 1 tháng nay dư luận Kenya xôn xao về vụ việc 145 tín đồ giáo phái Malindi nhịn đói đến chết rồi được chôn trong những ngôi mộ tập thể trong khu rừng Shakahola ở miền đông nước này. Giáo chủ giáo phái Malindi, Paul Nthenge Mackenzie, rao giảng rằng thế giới đang đi đến ngày tận thế và cách duy nhất để linh hồn tín đồ được lên thiên đường gặp Chúa là nhịn đói đến chết. Cảnh sát Kenya còn cho biết trong các nấm mồ tập thể còn có thi thể trẻ em với nhiều vết bầm tím trên người. Rất có thể các em là con cái tín đồ vì không chịu nhịn ăn nên đã bị đánh đến chết. Hiện Paul Nthenge Mackenzie đang phải hầu tòa vì các tội ngộ sát, khủng bố và lợi dụng tôn giáo.
Nhà chức trách Kenya vẫn đang trong quá trình khám nghiệm các tử thi khai quật từ trong những nấm mồ tập thể, nhưng một thông cáo mới đây của họ đã khiến công chúng càng thêm phần phẫn nộ. Bác sỹ Johansen Oduor, nhà pháp y học chỉ đạo công tác khám nghiệm tử thi tín đồ Malindi, cho biết: “Qua giải phẫu chúng tôi đã phát hiện một số tử thi thiếu nội tạng. Trong số đó có những trường hợp có vết sẹo cho thấy người chết khi còn sống đã thực hiện phẫu thuật; nhưng cũng có trường hợp vết mổ không được khâu lại và nhiều khả năng bị gây ra sau khi nạn nhân đã tử vong... Không loại trừ khả năng có sự tham dự của tội phạm buôn bán nội tạng trong vụ việc này”.
Vụ án Ekweremadu
Quay trở lại vụ án Ike Ekweremadu, vào tháng 2 năm ngoái ông ta thông qua những kẻ buôn bán nội tạng đã tìm được người hiến thận cho con gái mình: một người đàn ông làm nghề bán phụ kiện điện thoại ở Lagos. Ekweremadu mua vé máy bay để người hiến tạng sang London, sau đó đưa cho anh ta giấy tờ giả ghi rằng người này là họ hàng của con gái Ekweremadu. Tuy vậy, người bán thận sợ rằng bọn buôn người sẽ lấy đi cả các bộ phận khác của mình nên đã tìm đường đến đồn cảnh sát gần nhất.
Tờ The Guardian mới đây đã tiết lộ một sự thật chấn động dư luận: Tình báo Mỹ đã cảnh báo với phía Anh về những động thái khả nghi của Ike Ekweremadu từ nhiều tháng trước khi vụ việc xảy ra. Họ phát hiện ra nhà chính trị gia Nigeria có quan hệ với công ty du lịch y tế Vintage Health. Vintage Health thực chất là một công ty bình phong của những kẻ buôn bán nội tạng. Giám đốc công ty là nhà thận học Chris Agbo đang bị điều tra về một trường hợp đưa người Nigeria đến Anh để hiến tạng khác.
Chuyên gia Matthew Page, người phát hiện ra mối quan hệ kể trên, trả lời phóng viên tờ The Guardian: “Nếu như phía Anh nghiêm túc xem xét lời cảnh báo của chúng tôi thì đã không có chuyện Ike Ekweremadu đưa được người bán thận vào nước rồi... Tôi còn có bằng chứng về việc Ike Ekweremadu đã sử dụng số tiền tham nhũng được ở Nigeria để mua bất động sản và các tài sản có giá trị khác tại Anh.”
Nhà chức trách Anh về phần mình tuyên bố sẽ dồn lực vào việc điều tra những trường hợp buôn bán nội tạng. Tổng thanh tra Andy Furphy, chỉ huy đội chống buôn người của cảnh sát London, phát biểu: “Chúng ta ở Anh vẫn chưa hiểu hết được quy mô của mạng lưới buôn bán nội tạng quốc tế. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để lấp đầy khoảng trống thông tin này.”
Cuộc chiến dài lâu
Trong những năm gần đây Interpol đã mở rộng quy mô chương trình ENACT chuyên về nâng cao khả năng chống buôn bán người, buôn bán nội tạng trên thế giới. Ông Cyril Gout, giám đốc Cục Hỗ trợ & phân tích chiến dịch của Interpol, phát biểu: “Điểm yếu lớn trong cuộc chiến chống buôn bán nội tạng là cảnh sát và ngành y tế không có kênh thông tin kết nối nhau... ENACT không chỉ nâng cao khả năng điều tra và xử lý tại hiện trường cho các lực lượng cảnh sát, mà còn tạo cho họ kỹ năng tình báo, liên lạc và phối hợp đa ngành, đa cơ quan”.
Một thành tích đáng tự hào của ENACT trong thời gian gần đây là việc giúp cảnh sát Kenya phối hợp với cảnh sát Lào giải cứu thành công 22 người Kenya, 1 người Uganda, và 1 người Burundi bị giam giữ trái phép ở Lào. Họ bị lừa đi xuất khẩu lao động nhưng thực chất bị bọn buôn bán nội tạng cầm tù. Một nạn nhân cho biết: “Họ nói rằng mỗi vé máy bay về nước tương đương một quả thận. Họ còn tính cả tiền ăn của chúng tôi hằng ngày nữa. Chúng tôi không chịu lên bàn mổ càng lâu thì lại càng nợ họ nhiều, càng phải chịu mất thêm nội tạng.” Hiện các nạn nhân đã được đưa về nước an toàn.