Châu Phi ứng phó với đậu mùa khỉ

Chủng virus đậu mùa khỉ mới đang thay đổi nhanh hơn dự kiến và thường lây lan ở những khu vực mà các chuyên gia không có đủ kinh phí và thiết bị để theo dõi đúng cách.

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đang chờ được điều trị tại một phòng khám ở Munigi, miền đông Congo. Nguồn: AP.

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đang chờ được điều trị tại một phòng khám ở Munigi, miền đông Congo. Nguồn: AP.

Thiếu điều kiện dịch tễ

Theo nhiều nhà khoa học ở châu Phi, châu Âu và Mỹ, có nhiều điều mà chúng ta chưa biết về loại virus nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng và cách lây truyền của nó, làm phức tạp thêm quá trình ứng phó.

Đậu mùa khỉ đã là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ở một số vùng của châu Phi kể từ năm 1970, nhưng ít được chú ý cho đến khi nó bùng phát trên toàn thế giới vào năm 2022, khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Tuyên bố đã kết thúc 10 tháng sau đó.

Một chủng virus mới, được gọi là nhánh Ib, đã thu hút sự chú ý của thế giới một lần nữa sau khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe mới. Chủng này là phiên bản đột biến của nhánh I, một dạng đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh đã lưu hành ở Congo trong nhiều thập kỷ.

Theo WHO, Congo đã có hơn 18.000 trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ nhóm I và nhóm Ib, 615 ca tử vong được xác nhận trong năm nay. Cũng có 222 trường hợp nhóm Ib được xác nhận tại 4 quốc gia châu Phi trong tháng qua, cộng với một trường hợp ở Thụy Điển và một ở Thái Lan, là những người đã từng du lịch đến châu Phi.

“Tôi lo ngại rằng chúng ta đang làm việc một cách mù mờ ở châu Phi. Chúng ta không hiểu rõ về đợt bùng phát mới, vì vậy sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề về động lực lây truyền, mức độ nghiêm trọng hay các yếu tố nguy cơ của bệnh” - TS Dimie Ogoina - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Niger Delta ở Nigeria, người chủ trì Ủy ban khẩn cấp đậu mùa khỉ của WHO nói đồng thời cho biết, nhánh IIb ở Nigeria mất 5 năm hoặc hơn để tiến hóa và lây lan liên tục giữa con người, gây ra đợt bùng phát toàn cầu năm 2022. Nhưng nhánh Ib cũng đã làm như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm.

Virus biến đổi nhanh hơn

Đậu mùa khỉ là một loại orthopoxvirus, cùng họ với loại gây ra bệnh đậu mùa. Cách bảo vệ toàn dân bằng chiến dịch tiêm vaccine toàn cầu cách đây 50 năm đã suy yếu, vì việc tiêm vaccine đã dừng lại khi căn bệnh này bị xóa sổ. Giải trình tự gen của các ca nhiễm nhánh Ib - nhánh mà WHO ước tính xuất hiện vào giữa tháng 9/2023 cho thấy, chúng mang một đột biến được gọi là APOBEC3, một dấu hiệu thích nghi ở người.

TS Miguel Paredes - người đang nghiên cứu quá trình tiến hóa của đậu mùa khỉ và các loại virus khác tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchison ở Seattle (Mỹ) cho biết, loại virus gây ra bệnh đậu mùa khỉ thường khá ổn định và đột biến chậm, nhưng các đột biến do APOBEC thúc đẩy có thể đẩy nhanh quá trình tiến hóa của virus.

“Tất cả các trường hợp đậu mùa khỉ lây từ người sang người đều có đột biến đặc trưng APOBEC này, nghĩa là nó đột biến nhanh hơn một chút so với dự kiến” - TS Paredes nói.

TS Paredes và các nhà khoa học khác cũng cho biết, phản ứng trở nên phức tạp do có nhiều đợt bùng phát đậu mùa khỉ xảy ra cùng lúc. Trước đây, đậu mùa khỉ chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc giữa người với động vật bị nhiễm bệnh. Điều đó vẫn đang thúc đẩy sự gia tăng các trường hợp mắc clade I ở Congo, còn được gọi là clade Ia - một phần có thể là do nạn phá rừng và tăng tiêu thụ thịt thú rừng.

TS Salim Abdool Karim - nhà dịch tễ học người Nam Phi và là Chủ tịch Ủy ban cố vấn đậu mùa khỉ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Châu Phi cho biết, các phiên bản đột biến clade Ib và IIb về cơ bản có thể được coi là một bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Virus cũng có thể lây lan qua tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh, đây có thể là cách mà các nhóm trẻ em bị nhiễm nhóm Ib, đặc biệt là ở Burundi và các trại tị nạn ở miền đông Congo, nơi điều kiện sống đông đúc có thể là nguyên nhân. Theo WHO, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch suy yếu có thể có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ nghiêm trọng và nguy cơ tử vong cao hơn.

Nhóm I thường gây ra bệnh nghiêm trọng hơn, với tỷ lệ tử vong là 4 - 11%, so với khoảng 1% của nhóm II. TS Ogoina cho biết, dữ liệu từ Congo cho thấy, có rất ít người tử vong vì phiên bản mới Ib, nhưng ông lo ngại một số dữ liệu đang bị nhầm lẫn.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa, tuy nhiên 3 nhóm theo dõi các đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi cho biết, họ thậm chí không thể tiếp cận các hóa chất cần thiết cho các xét nghiệm chẩn đoán. Theo các nhà khoa học, nếu không có những điều kiện này, việc lập kế hoạch ứng phó gồm các chiến lược tiêm chủng sẽ rất khó triển khai.

TS Karim cho biết, khoảng một nửa số trường hợp ở miền đông Congo - nơi Ib đặc biệt phổ biến chỉ được bác sĩ chẩn đoán mà không có xác nhận từ phòng xét nghiệm. Việc đưa mẫu đến phòng xét nghiệm rất khó khăn vì hệ thống chăm sóc sức khỏe đã chịu áp lực vì xung đột. Khoảng 750.000 người đã phải di dời trong bối cảnh giao tranh giữa nhóm phiến quân M23 và chính phủ.

TS Emmanuel Nakoune - chuyên gia về đậu mùa khỉ tại Viện Pasteur ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi cho rằng, nhiều phòng xét nghiệm ở châu Phi không thể có được nguồn cung cấp y tế cần thiết. Đây không phải là một sự xa xỉ, nó là những điều kiện cần thiết để theo dõi các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chau-phi-ung-pho-voi-dau-mua-khi-10288945.html