Châu Phi vật lộn với rủi ro khí hậu
Châu Phi đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của hành tinh và phải hứng chịu nhiều thảm họa về khí hậu hơn. Nhưng hầu hết 1,3 tỷ người ở châu lục này đang sống với rất ít thông tin về những gì sắp xảy ra. Điều đó có thể vừa nguy hiểm vừa tốn kém, với thiệt hại lên tới hàng tỷ USD.
Nóng lên nhanh chóng
Ngày 5/9, một báo cáo chung của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Phi cho biết, châu Phi đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của hành tinh và phải hứng chịu những thảm họa về khí hậu và thời tiết khắc nghiệt hơn như hạn hán, đồng thời cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu có thể gây ra xung đột về tài nguyên.
Báo cáo do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) gửi đến trùng thời điểm với Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên của châu Phi ở Kenya, khi lục địa này đã phải hứng chịu 80 mối nguy hiểm về thời tiết và khí hậu cực đoan vào năm ngoái.
Báo cáo trích dẫn cơ sở dữ liệu khẩn cấp cho thấy những thảm họa này, như hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm ở vùng Sừng châu Phi và cháy rừng ở Algeria, khiến 5.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế hơn 8,5 tỷ USD. Con số thực tế có thể còn cao hơn do có những khoảng trống trong báo cáo, tổ chức này cho biết.
Trong khi đó, theo Báo cáo tình trạng khí hậu ở châu Phi 2022: “Châu Phi chỉ chịu trách nhiệm về một phần nhỏ phát thải khí nhà kính trên toàn cầu nhưng đang phải gánh chịu sự ảnh hưởng không tương xứng từ biến đổi khí hậu”.
Báo cáo cho biết thêm: “Biến đổi khí hậu và nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng suy giảm có thể gây ra xung đột vì đất sản xuất, nước và đồng cỏ khan hiếm, bạo lực giữa nông dân và người chăn nuôi đã gia tăng trong 10 năm qua do áp lực đất đai ngày càng tăng…”.
Hiện tại, bạo lực cộng đồng về tài nguyên đã bùng phát thường xuyên ở các vùng Sahel bán khô cằn. Trung bình, mỗi người châu Phi thải ra 1,04 tấn khí thải carbon dioxide vào năm 2021, chưa bằng 1/4 mức trung bình toàn cầu. Theo báo cáo, tốc độ nóng lên trung bình ở châu Phi là 0,3 độ C mỗi thập niên trong giai đoạn 1991-2022, so với 0,2 độ trên toàn thế giới.
Sự nóng lên nhanh nhất ở Bắc Phi, nơi hứng chịu nhiều đợt nắng nóng kể từ năm ngoái. Điều này đã góp phần làm giảm sản lượng ngũ cốc xuống còn 33 triệu tấn hoặc thấp hơn khoảng 10% so với mức trung bình 5 năm trước đó, mặc dù sản lượng ở một số khu vực khác của lục địa như Tây Phi tăng do mưa tốt. Nhìn chung, năng suất nông nghiệp đã giảm do biến đổi khí hậu, ghi nhận mức giảm 34% kể từ năm 1961, điều này có thể khiến nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh.
Hệ thống dự báo thời tiết yếu kém
Phần lớn thế giới coi dự báo thời tiết hàng ngày là điều hiển nhiên. Nhưng hầu hết 1,3 tỷ người ở châu Phi sống với rất ít thông tin về những gì sắp xảy ra. Điều đó có thể vừa nguy hiểm vừa tốn kém, với thiệt hại lên tới hàng tỷ USD.
Lục địa châu Phi có diện tích lớn hơn cả Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ cộng lại. Tuy nhiên, theo cơ sở dữ liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Phi chỉ có 37 trạm radar để theo dõi thời tiết, mặc dù đây là một công cụ thiết yếu để dự báo rủi ro cùng với dữ liệu vệ tinh và giám sát bề mặt. Trong khi đó, châu Âu có 345 cơ sở radar. Bắc Mỹ có 291 cơ sở radar.
Ông Asaf Tzachor, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Hiện sinh tại Đại học Cambridge cho biết: “Nhìn chung, lục địa này đang nằm trong điểm mù về rủi ro khí hậu”.
Hồi tháng 8, ông Tzachor và các đồng nghiệp đã đưa ra cảnh báo trên tạp chí Nature rằng, biến đổi khí hậu sẽ khiến châu Phi thiệt hại hơn 50 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Đáng chú ý, đến lúc đó, dân số châu Phi dự kiến tăng gấp đôi hiện nay.
Nhóm của ông Tzachor cho biết, việc thiếu khả năng theo dõi và dự báo thời tiết trên diện rộng đã ảnh hưởng đến các lựa chọn phát triển quan trọng. Chẳng ích gì khi đầu tư vào các trang trại nhỏ, bởi lẽ lũ lụt sẽ cuốn trôi chúng.
Kenya - chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi khai mạc hôm 4/9 - là một trong số ít quốc gia ở châu Phi được coi là có dịch vụ thời tiết tương đối phát triển, cùng với Nam Phi và Maroc. Theo Kho bạc Quốc gia, Kenya đã phân bổ khoảng 12 triệu USD trong năm nay cho ngành khí tượng. Tuy vậy, đề xuất ngân sách của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho năm tài chính 2023 là 1,3 tỷ USD.
Năm 2019, WMO báo cáo: “Mặc dù chiếm 1/5 tổng diện tích đất liền của thế giới, châu Phi có mạng lưới quan sát trên đất liền kém phát triển nhất trong tất cả các châu lục và đang ở trạng thái xấu đi”.
Ở các quốc gia như Somalia và Mozambique, với một số bờ biển trải dài nhất và dễ bị tổn thương nhất lục địa này, việc thiếu hệ thống cảnh báo và giám sát thời tiết hiệu quả đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong các thảm họa như bão và lũ lụt.
Khi Bão Idai tấn công miền Trung Mozambique năm 2019, người dân cho biết họ nhận được rất ít hoặc không nhận được cảnh báo nào từ chính quyền. Hậu quả, hơn 1.000 người thiệt mạng.
Theo báo cáo của WMO, Idai là thảm họa gây thiệt hại nặng nề nhất ở châu Phi, trị giá 1,9 tỷ USD trong giai đoạn từ 1970 đến 2019. Việc thiếu dữ liệu theo dõi thời tiết ở phần lớn châu Phi cũng làm phức tạp thêm những nỗ lực liên kết một số thảm họa thiên nhiên với biến đổi khí hậu.
Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu khí hậu mang tên World Weather Attribution đã chỉ ra rằng do hạn chế về dữ liệu thời tiết, công tác đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu trong trận lũ lụt khiến hàng trăm người thiệt mạng ở Congo và Rwanda hồi tháng 5 đã gặp trở ngại.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố sẽ giải quyết “hai sự bất công nhức nhối của cuộc khủng hoảng khí hậu” tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi. Theo ông Guterres, đầu tiên, các quốc gia châu Phi hầu như không đóng góp gì vào sự nóng lên toàn cầu, nhưng họ lại ở “tuyến đầu” của những cơn bão, hạn hán và lũ lụt. Thứ hai, trong khi châu Phi có nguồn năng lượng Mặt trời, gió và thủy điện dồi dào cũng như các khoáng sản quan trọng thì chính phủ nước này lại phải đối mặt với mức nợ và lãi suất cao, gây cản trở đầu tư vào năng lượng tái tạo. Dự báo đúng thời tiết cũng là một lĩnh vực rất cần được quan tâm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chau-phi-vat-lon-voi-rui-ro-khi-hau-5727541.html