Châu Thành: Nông dân sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả English Edition
Sáng 23/9, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành tổ chức hội thảo tổng kết các mô hình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao tại hợp tác xã (HTX) điểm Dương Xuân và giới thiệu máy bay phun thuốc không người lái dễ quản lý dịch hại trên thanh long.
Các mô hình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao tại HTX điểm Dương Xuân gồm: Sản xuất thanh long theo VietGAP (2,5ha/27 hộ); Ứng dụng cơ giới hóa trong xử lý cành thanh long sau cắt tỉa; Ứng dụng đèn compact ánh sáng đỏ trong xử lý thanh long ra hoa nghịch vụ; Ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến trên thanh long.
Bên cạnh đó, mô hình còn cấp phát thùng chứa và tổ chức ngày hội thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ chứng nhận sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Khi tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn quy trình sản xuất thanh long theo VietGAP, khuyến cáo vệ sinh vườn, dọn sạch cỏ dại, tỉa cành, tạo tán, thu gom cành nhánh loại thải, phát hiện nhanh sâu, bệnh và xử lý; hướng dẫn nông dân quy trình bón phân, kỹ thuật sử dụng phân bón; hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp quản lý sâu, bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, tuân thủ đúng thời gian cách ly của từng loại thuốc; hướng dẫn nông dân tập làm quen với việc ghi chép sổ nhật ký tính toán hiệu quả kinh tế trong sản xuất; trung bình lợi nhuận chênh lệch hơn 3,2 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Giám đốc HTX Dương Xuân - Nguyễn Hữu Gia thông tin: "Thời gian qua, HTX phát triển được 7 tổ hợp tác sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao với diện tích 128,55ha; cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 21,4ha cho 30 hộ; phối hợp Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị 14,5ha. Tính từ đầu năm đến nay, HTX cung cấp trên 800 tấn thanh long cho Công ty Cổ phần Nafoods. Ngoài ra, HTX còn phối hợp ký kết với Công ty Quế Lâm xây dựng mô hình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ".
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An - Trịnh Hoàng Việt cho biết: “Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, máy băm cành thanh long, hệ thống tưới, đèn compact,... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Sản xuất thanh long sạch theo hướng VietGAP là một chủ trương đúng đắn, rất cần thiết trong điều kiện hiện nay và hướng tới. Tuy nhiên, do hiện tại đầu ra thị trường chưa ổn định, bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của nông dân theo hướng công nghệ còn khó khăn, đòi hỏi phải có tính kiên trì".
Qua cuộc hội thảo, nhiều nông dân và lãnh đạo địa phương đề nghị ngành chức năng tỉnh cần tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu HTX với các doanh nghiệp để ký kết tiêu thụ sản phẩm thanh long VietGAP; các ngành xem xét hỗ trợ trong việc cấp mã vùng trồng cho các HTX trên địa bàn huyện Châu Thành để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc trong xuất khẩu; thường xuyên hỗ trợ chuyển giao những ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho người dân.
Dịp này, Công ty Nông nghiệp Xanh và Xanh trình diễn máy bay phun thuốc cho cây thanh long không người lái. Hiệu quả của việc phun thuốc bằng máy bay không người lái là dễ quản lý, kiểm soát dịch; hiệu suất bằng 40 lần sức người và có thể phun ban đêm; phun 1ha chỉ trong 10 phút, một ngày phun được 50ha; không hại sức khỏe vì người không tiếp xúc với thuốc,.../.