Chạy án - ai chạy, chạy ai?

Mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo thủ đoạn lừa chạy án, chạy tại ngoại nhưng nhiều người khi có thân nhân, bạn bè vi phạm pháp luật vẫn cố tìm mọi cách để 'giải thoát' khỏi bản án pháp luật. Để rồi kết cục tiền thì mất nhưng người thân vi phạm pháp luật vẫn bị xử lý hình sự; còn những kẻ lừa chạy án, lừa chạy tại ngoại vướng vòng lao lý.

Từ ra giá hàng tỷ đồng/1 phi vụ “chạy án”…

Theo hồ sơ vụ án, chị Lê Thị Thu Hằng (sinh năm 1989; trú tại xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, TP Huế) có chồng Trần Văn Lâm có hành vi tổ chức sử dụng chất ma túy vào ngày 19/4/2023. Cơ quan điều tra Công an huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) khởi tố và điều tra Trần Văn Lâm về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Vì lo lắng chồng sẽ bị tội nặng, chị Hằng nhờ anh Nguyễn Tất Hoàn (sinh năm 1990; trú tại xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là bạn của Lâm tìm người giúp cho Lâm có thể bị xử lý nhẹ về hành vi phạm tội của chồng mình. Hoàn nhận lời giúp đỡ, rồi qua tìm hiểu một số thông tin từ bạn bè, Hoàn biết và liên lạc với Nguyễn Văn Lưu (sinh năm 1994, trú xã Điền Hương, thị xã Phong Điền, TP Huế), bởi Lưu được giới thiệu là người có nhiều mối quan hệ với cán bộ làm ở cơ quan Nhà nước sẽ giúp được.

Khoảng tháng 5/2023, Hoàn và Lưu hẹn gặp nhau tại quán ăn ở đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Hội, TP Huế. Tại đây, Hoàn nói với Lưu về việc Lâm đang bị cơ quan điều tra huyện Ngọc Hồi khởi tố cần Lưu giúp đỡ.

Cán bộ điều tra lấy lời khai đối với Nguyễn Văn Lưu.

Cán bộ điều tra lấy lời khai đối với Nguyễn Văn Lưu.

Khi nghe Hoàn trình bày, mặc dù bản thân Lưu không quen biết ai đang giải quyết vụ án cũng như không có khả năng xin, tác động việc giảm nhẹ tội cho Lâm nhưng vẫn nảy sinh ý định dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền của anh Hoàn. Lưu nói với anh Hoàn là có quen biết nhiều người làm việc ở cơ quan Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, đảm bảo với anh Hoàn có thể giúp Lâm sau này chỉ bị xử án treo để anh Hoàn tưởng thật đưa tiền cho Lưu, sau đó Lưu và Hoàn thường liên lạc trao đổi qua về vấn đề liên quan việc anh Lâm.

Ngày 6/9/2023, Lưu và Hoàn hẹn gặp nhau ở một khách sạn tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Tại đây, Lưu nói đang nhờ người làm việc trong cơ quan pháp luật giúp đỡ để Lâm được xử án treo, nhưng phải tốn 2,2 tỷ đồng để Lưu lo việc. Hoàn nghe Lưu nói vậy tưởng thật nên về trao đổi với chị Hằng thì cả hai đồng ý sẽ đưa tiền cho Lưu. Ngày 7/9/2023, Lưu gọi điện thoại liên lạc với Hoàn và yêu cầu Hoàn chuyển khoản 100 triệu đồng để cọc và sau đó Hoàn chuyển vào tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Văn Lưu.

Ngày hôm sau, Lưu tiếp tục gọi điện yêu cầu Hoàn chuyển 400 triệu đồng để lo việc cho anh Lâm, Hoàn thông báo chị Hằng biết, đồng ý và đưa tiền cho Hoàn chuyển theo yêu cầu của Lưu. Ngày 12/9/2023, Lưu tiếp tục liên lạc với Hoàn nói chuyển thêm 500 triệu đồng, Hoàn thông báo chị Hằng biết, đồng ý và đưa tiền cho Hoàn chuyển cho Lưu.

Sau khi nhận của Hoàn 1 tỷ đồng, ngày 13/9/2023, Lưu liên lạc với Hoàn nói hiện tại không thể lo cho Lâm được án treo mà chỉ giúp cho mức án thấp là 9 tháng tù. Nghe vậy, Hoàn hỏi Lưu như vậy thì hết bao nhiêu tiền, Lưu nói hết 1,3 tỷ đồng và sau khi thông báo với chị Hằng, Hoàn chuyển thêm 300 triệu đồng cho Lưu. Tổng số tiền mà Hoàn đã chuyển cho Lưu là 1,3 tỷ đồng. Ngày 27/9/2023, TAND huyện Ngọc Hồi xử phạt Trần Văn Lâm 6 năm tù về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Ngày 28/9/2023, Hoàn hỏi Lưu vì sao Lâm vẫn bị xử phạt 6 năm tù và yêu cầu Lưu trả lại tiền thì Lưu trả lời do sự cố tại phiên tòa sơ thẩm và hẹn gặp anh Hoàn tại Đà Nẵng để giải quyết. Tại đây, Lưu nói trả lại 500 triệu đồng và còn 800 triệu đồng đã nhận rồi thì để tiếp tục xin cho Lâm tại phiên tòa phúc thẩm giảm xuống 3 năm tù. Một thời gian sau, Hoàn nghi ngờ Lưu đưa ra thông tin gian dối, đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của mình nên Hoàn liên lạc và đòi số tiền còn lại.

Lúc này Lưu lo sợ bị anh Hoàn tố cáo hành vi phạm tội của mình. Lưu đã chuyển trả thêm 50 triệu đồng cho anh Hoàn và hẹn sẽ trả số tiền còn lại nhưng sau đó cắt liên lạc, bỏ trốn… Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 14/5 mới đây, TAND TP Huế tuyên phạt Nguyễn Văn Lưu 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nguyễn Văn Lưu bị kết án 10 năm tù.

Nguyễn Văn Lưu bị kết án 10 năm tù.

Hay mới đây, ngày 16/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Sĩ Khoa (sinh năm 1974, trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra ban đầu, cuối năm 2023, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng trong một đường dây mua bán trái phép hóa đơn có giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Lộc Văn Cảnh (sinh năm 1986, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lộc Gia, có trụ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc) là người có liên quan trong vụ án và lo sợ bị điều tra, xử lý hình sự về hành vi trốn thuế, mua bán hóa đơn trái phép.

Thông qua các mối quan hệ xã hội, Cảnh được giới thiệu làm quen với Nguyễn Sĩ Khoa, người từng có tiếng là “đại gia” ngành gỗ ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Sau vài lần gặp gỡ, Khoa cam kết sẽ “giúp” Cảnh với chi phí thỏa thuận là 1 triệu USD. Ngày 25/1/2024, theo yêu cầu của Khoa, Lộc Văn Cảnh cùng người quen mang 16 tỷ đồng vào Đà Nẵng để giao cho Khoa thực hiện việc “chạy án”. Khoa yêu cầu phải đổi toàn bộ số tiền trên sang USD và mang đến nhà con trai ruột của mình tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Nguyễn Sĩ Khoa đã không thực hiện bất kỳ hành động nào như đã hứa, mà sử dụng toàn bộ số tiền vào mục đích cá nhân. Kết quả, Lộc Văn Cảnh vẫn bị Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng khởi tố về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ và trốn thuế…

… đến lừa “chạy” tại ngoại

Vừa qua, TAND TP Huế tạm hoãn phiên tòa xét xử Trần Kim Minh (sinh năm 1987) liên quan đến vụ “chạy” tại ngoại do phiên tòa vắng người có nghĩa vụ và liên quan. Theo hồ sơ vụ án, Trần Kim Minh và vợ chồng chị Ngô Thị Thu Sương (sinh năm 1986), anh Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1982, cùng trú tại xã Phong Hải, thị xã Phong Điền, TP Huế) có quen biết với nhau từ trước. Vào ngày 2/2/2024, chị Sương bị Công an huyện Phong Điền triệu tập để lấy lời khai về hành vi đánh bạc nên vợ chồng anh Dũng và chị Sương đã liên lạc nhờ Minh tìm người giúp đỡ thì Minh đồng ý. Minh nói với vợ chồng anh Dũng, chị Sương là bản thân mình có mối quan hệ với cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật tại tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) nên có thể xin được cho chị Sương được tại ngoại trong ngày 3/2/2024, không bị bắt tạm giam.

Khoảng 14h30 ngày 3/2/2024, Minh gọi điện thoại cho anh Dũng yêu cầu mang 300 triệu đồng đưa cho Minh để lo việc tại ngoại cho chị Sương. Vì tin tưởng Minh có thể lo được cho Sương tại ngoại trong ngày 3/2/2024 và không bị bắt tạm giam nên anh Dũng đã điện thoại cho em vợ của mình là chị Ngô Thị Trà My (sinh năm 1992, trú tại số 1 An Dương Vương, phường An Cựu, TP Huế) mượn số tiền 300 triệu đồng và nhờ My mang đến đưa cho Minh. Lúc này, chị My rủ thêm chị Hồ Thị Diệu Anh (trú phường An Đông, TP Huế) đi cùng với mình đến gặp và đưa cho Minh túi xách màu đỏ vàng (bên trong có 300 triệu đồng và 1 hộp bánh), đồng thời rủ anh Ngô Thiện Phước (sinh năm 2000, trú tại khu vực 7, phường An Đông, TP Huế) đi cùng nhưng Phước đứng từ xa để chụp ảnh làm bằng chứng.

Cơ quan điều tra tống đạt các quyết định đối với Nguyễn Sĩ Khoa.

Cơ quan điều tra tống đạt các quyết định đối với Nguyễn Sĩ Khoa.

Khoảng 19h30 cùng ngày, do chị Sương vẫn bị bắt tạm giam nên anh Dũng cùng chị My hẹn Minh đến quán cà phê Grand ở đường Hà Huy Tập, phường Xuân Phú, quận Thuận Hóa, TP Huế để nói chuyện. Tại đây, Minh nói với anh Dũng là Minh đang nhờ người xin cho chị Sương tại ngoại và để cho Minh có thời gian nên anh Dũng đồng ý. Đến ngày 5/2/2024, Minh tiếp tục liên lạc với chị My và anh Dũng yêu cầu đưa thêm số tiền 200 trăm triệu đồng nữa mới lo tại ngoại được nhưng anh Dũng và chị My không đưa và yêu cầu Minh trả lại số tiền 300 triệu đồng nhưng Minh nhiều lần trốn tránh, không trả lại tiền nên ngày 29/3/2024, anh Dũng đã viết đơn tố cáo đến cơ quan Công an.

Liên quan đến vụ lừa “chạy” tại ngoại này, hiện Trần Kim Minh bị VKSND TP Huế truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu Minh vi phạm pháp luật mà năm 2009, Minh từng bị Công an TP Huế (cũ) xử phạt hành chính về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Ngày 7/5/2010, bị TAND TP Huế (cũ, nay là TAND quận Thuận Hóa và Phú Xuân) xử phạt 7 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Chưa dừng lại ở đó, khi đang bị khởi tố về hành vi lừa đảo tiền “chạy” tại ngoại thì ngày 6/5/2024, Minh bị cơ quan An ninh điều tra Công an TP Huế khởi tố về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Trần Phước Trọng Nhân lãnh 7 năm tù vì lừa tiền “chạy” tại ngoại.

Trần Phước Trọng Nhân lãnh 7 năm tù vì lừa tiền “chạy” tại ngoại.

Cũng với thủ đoạn lừa “chạy” tại ngoại, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) đã xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Trần Phước Trọng Nhân (SN 1996, trú phường Hương Sơn, TP Huế, Thừa Thiên Huế). Theo cáo trạng, do cần tiền mua xe ô tô kinh doanh dịch vụ du lịch, nên khi nghe tin bạn cũ là L.H.Nh.N. (sinh năm 1996, trú phường Vỹ Dạ, quận Thuận Hóa, TP Huế) bị bắt tạm giam trong một vụ án hình sự nên Nhân đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách giả vờ đưa ra thông tin là có khả năng xin cho N tại ngoại để chiếm đoạt tiền người nhà của N. Nhân liên lạc với vợ N là chị Tr.Th.Th.L. và nói rằng, tự mình lo được vì có quen biết nhiều người làm Công an và Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể giải quyết cho N được tại ngoại. Đồng thời, yêu cầu chị L chuyển vào tài khoản của Nhân 500 triệu đồng (có giấy ghi nợ và công chứng).

Sau khi có tiền, Nhân trực tiếp liên hệ với 2 người và chuyển tiền lần lượt 10 triệu và 50 triệu đồng cho những người này nhưng bị từ chối và trả lại tiền vì không thể giúp cho N tại ngoại. Số tiền chiếm đoạt được của chị L, Nhân trả nợ mua ô tô hơn 320 triệu đồng, số còn lại trả nợ các khoản khác và tiêu xài cá nhân. Đến hẹn, chị L liên hệ với Nhân để hỏi về việc chồng mình thì Nhân trả lời không thể giúp được. Biết mình bị lừa nên chị L làm đơn tố cáo Nhân gửi đến cơ quan Công an. HĐXX tuyên phạt Trần Phước Trọng Nhân 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo Cơ quan điều tra, qua công tác điều tra các vụ án lừa đảo với thủ đoạn “chạy án” cho thấy, nhận thức của không ít người dân còn hạn chế nên khi bị cơ quan điều tra triệu tập làm việc hoặc bị xử lý về mặt pháp luật thì họ thường tìm kiếm các mối quan hệ để tác động nhằm “miễn, giảm” trách nhiệm hình sự. Để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an khuyến nghị, việc các cơ quan chức năng bắt tạm giữ, tạm giam, thi hành án... sẽ được thực hiện đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, không ai có thể can thiệp nên mọi người hết sức lưu ý tránh các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hải Lan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/chay-an-ai-chay-chay-ai-i769226/