Chạy để động vật hoang dã không bị biến thành thuốc
Mỗi ngày, hàng ngàn cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm bị săn bắt và buôn bán nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng động vật hoang dã để chữa bệnh hay nâng cao sức khỏe.
Ngày 6/11/2022 Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đồng hành cùng Sporting Republic tổ chức Giải “Chạy vì Động vật hoang dã - Động vật hoang dã không phải là thuốc ”(Run For Wildlife 2022) tại Khu đô thị Ciputra, Hà Nội.
Sự kiện năm nay đánh dấu giải chạy thường niên Hanoi Half Marathon vì động vật hoang dã (ĐVHD) lần thứ 7, với mục tiêu khuyến khích cộng đồng không sử dụng thuốc từ ĐVHD, đặc biệt những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao như gấu, hổ, tê giác và rùa.
Giải chạy năm nay đã thu hút 358 cá nhân từ 25 quốc gia tham gia với nhiều nhóm chạy từ các câu lạc bộ, doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ như: nhóm chạy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay nhóm chạy của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Dự án USAID Saving Threatened Wildlife, Tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã nguy cấp quốc tế (FFI), Tổ chức TRAFFIC. Từng bước chạy của nhiều cá nhân sẽ tạo nên 3.696 km chạy vì ĐVHD.
Mỗi ngày, hàng ngàn cá thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm bị săn bắt và buôn bán nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ĐVHD để chữa bệnh hay nâng cao sức khỏe.
Hàng trăm cá thể tê giác bị giết hại mỗi năm để lấy sừng, hàng trăm cá thể gấu bị nuôi nhốt trong chuồng cũi chật hẹp để lấy mật, hàng ngàn cá thể rùa bị giết hại để lấy mai và thịt, và những cá thể hổ bị săn bắt và nuôi nhốt chờ ngày nấu cao – nguyên nhân đã khiến hổ rất có thể đã tuyệt chủng ở Việt Nam.
Cao hổ, sừng tê giác, mật gấu và mai rùa đã được sử dụng trong y dược cổ truyền từ nhiều thế kỷ ở Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia Châu Á khác. Thói quen này đã đẩy nhiều loài ĐVHD đến bên bờ tuyệt chủng do nạn săn bắt, buôn bán trái phép ngày một gia tăng để phục vụ nhu cầu làm thuốc cho con người.
“Chúng ta sống trong một xã hội hiện đại và nên tin dùng các phương thức y học được khoa học kiểm chứng. Chấm dứt sử dụng thuốc từ ĐVHD để bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta và vì hành tinh mà chúng ta đang sống” - bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV chia sẻ.
Cũng tại sự kiện, ENV tổ chức triển lãm chia sẻ những thông tin có liên quan tới người tham gia với thông điệp “Động vật hoang dã không phải là thuốc” được truyền tải xuyên suốt chương trình.