Chạy đua AI với Mỹ, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng 50% sức mạnh máy tính
Các chuyên gia cho rằng sức mạnh tính toán đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh công nghệ mới giữa Trung Quốc và Mỹ, tiếp sau cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn...
Theo hãng tin CNBC, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng 50% sức mạnh tính toán vào năm 2025, các bộ chủ chốt của nước này cho biết. Quyết tâm này được đặt ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ráo riết chạy đua với Mỹ trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính.
TĂNG CÔNG SUẤT TÍNH TOÁN LÊN TƯƠNG ĐƯƠNG 300 EXAFLOP
Sáu cơ quan chính phủ bao gồm Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), Văn phòng Ủy ban các vấn đề không gian mạng trung ương và Bộ Giáo dục đã công bố kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy công nghệ điện toán của đất nước.
Kế hoạch hành động đầy tham vọng đề xuất các chỉ số rõ ràng về sức mạnh tính toán, dung lượng mạng và dung lượng lưu trữ.
Theo kế hoạch của sáu cơ quan chính phủ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn có công suất tính toán tương đương 300 exaflop. Con số này sẽ tăng lên so với sức mạnh tính toán 197 exaflop mà đất nước hiện có.
Exaflop, hay EFLOP, đề cập đến một đơn vị sức mạnh tính toán. Một exaflop tương đương với sức mạnh tính toán của hai triệu máy tính xách tay phổ thông, theo Counterpoint Research.
Các bộ của Trung Quốc cho biết sức mạnh tính toán ngày càng tăng là điều kiện cần thiết để hỗ trợ các ứng dụng trong các ngành công nghiệp bao gồm tài chính và giáo dục. Mở rộng sức mạnh tính toán được coi là chìa khóa để hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ vốn đòi hỏi phải có linh kiện chất bán dẫn tiên tiến để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ.
Các chuyên gia cho rằng sức mạnh tính toán đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh công nghệ mới giữa Trung Quốc và Mỹ, tiếp sau cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn. Ma Jihua, một nhà phân tích kỳ cựu trong ngành viễn thông, cho rằng nếu mục tiêu này đạt được, trình độ sức mạnh tính toán của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt hoặc thậm chí vượt qua Mỹ.
Ma lưu ý: “Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn về sức mạnh tính toán so với Mỹ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm hai con số về sức mạnh tính toán, trong khi tốc độ của Mỹ là khoảng 5%”.
Akshara Bassi, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Counterpoint, bình luận: “Trung Quốc nhận thấy rằng theo truyền thống, cứ 1 nhân dân tệ đầu tư vào sức mạnh máy tính sẽ tạo ra 3-4 nhân dân tệ cho sản lượng kinh tế. Các khoản đầu tư này phản ánh kế hoạch của Trung Quốc nhằm thúc đẩy sản lượng kinh tế thông qua vị trí dẫn đầu về năng lực công nghệ và tích hợp AI với các công nghệ và giải pháp hiện có trên tất cả các ngành và lĩnh vực.”
Các công nghệ như chất bán dẫn và AI đã trở thành chiến trường quan trọng trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Bassi cho biết: “Trung Quốc đặt mục tiêu đầu tư vào việc phát triển sức mạnh tính toán của mình, đặc biệt là AI, vì nước này nhận thấy các nhà cung cấp đám mây lớn của mình tung ra hàng loạt giải pháp AI cho người tiêu dùng và doanh nghiệp”.
Là một phần trong nỗ lực thúc đẩy điện toán của mình, Trung Quốc muốn tập trung vào các lĩnh vực như lưu trữ bộ nhớ và mạng truyền dữ liệu, đồng thời họ cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm nhiều trung tâm dữ liệu.
Những điều này rất cần thiết để những công ty điện toán đám mây phát triển dấu ấn của họ. Nhiều ứng dụng AI hiện được bán thông qua dịch vụ điện toán đám mây, chẳng hạn như các ứng dụng được cung cấp bởi gã khổng lồ Trung Quốc như Alibaba và Tencent.
TĂNG CƯỜNG AN NINH CHUỖI CUNG ỨNG
Các bộ ngành Trung Quốc cho biết, an ninh của chuỗi cung ứng cũng sẽ được tăng cường. Chuỗi cung ứng công nghệ của nước này đã chịu áp lực trong vài năm qua khi Mỹ sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và các biện pháp trừng phạt khác để cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng như loại bỏ quốc gia châu Á này khỏi các công nghệ quan trọng như chip.
Để đáp lại, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường năng lực của các ngành công nghiệp nội địa ở một số lĩnh vực này.
Washington lưu ý đến một diễn biến gần đây trong đó nhà vô địch công nghệ Trung Quốc Huawei đã phát hành một điện thoại thông minh mới có chip 5G - điều này gây ngạc nhiên vì các lệnh trừng phạt của Mỹ được thiết kế nhằm mục đích ngăn chặn điều này.
Bassi của Counterpoint nói rằng tham vọng tăng cường sức mạnh tính toán của Trung Quốc có thể bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ - vốn nhằm hạn chế quyền truy cập của nước này vào một số chất bán dẫn quan trọng, chẳng hạn như bộ xử lý đồ họa hoặc GPU, được bán bởi nhà thiết kế chip Nvidia của Mỹ.
Bassi cho biết: “Việc tiếp cận các chip/GPU AI mới nhất và tốt nhất là trở ngại chính mà quốc gia này phải đối mặt do lệnh cấm chip trong việc mở rộng các trung tâm dữ liệu AI của mình”.