Chạy đua lệnh trừng phạt, EU tăng 'ôm' hàng, dầu diesel Nga vẫn tự tin có bến đỗ mới, Thổ Nhĩ Kỳ 'ngư ông đắc lợi'

Trong bối cảnh thị trường đang đếm ngược từng ngày tới thời điểm 5/2/2023, tính từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra (tháng 2/2022), nhập khẩu dầu diesel của EU từ Nga không giảm và Moscow vẫn là nhà cung cấp lớn nhất của khối.

Trong 4 tháng qua (10/2022-1/2023), châu Âu đã mua nhiều dầu diesel của Nga hơn so với nhu cầu cùng kỳ 2 năm trước. (Nguồn: Bloomberg)

Trong 4 tháng qua (10/2022-1/2023), châu Âu đã mua nhiều dầu diesel của Nga hơn so với nhu cầu cùng kỳ 2 năm trước. (Nguồn: Bloomberg)

Bất chấp lệnh cấm các sản phẩm dầu tinh chế của Nga sắp có hiệu lực, Moscow vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) với hơn 600.000 thùng mỗi ngày.

Theo dữ liệu do Anadolu tổng hợp, khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm dầu khác của Nga có hiệu lực (ngày 5/2 tới), khối này cần định tuyến lại các thùng dầu diesel, vì hiện đang nhập nhiều hơn từ Saudi Arabia và Mỹ, đồng thời, hàng của Nga có thể sẽ tìm thấy bến đỗ mới tại châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh.

Nhóm các nước công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng đang thúc đẩy các động thái để đạt mức giá trần đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga, dự kiến sẽ có hiệu lực vào cùng ngày 5/2.

Đến nay, vẫn chưa rõ mức giá trần chính xác là bao nhiêu, song Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuần trước cho biết, giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga phức tạp hơn so với mức đã được áp dụng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Moscow vào tháng 12/2022 (60 USD/thùng).

Bà Yellen đề cập hai mức giá trần riêng biệt đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga, một là giá trị cao và hai là giá trị thấp.

Khi thị trường đang đếm ngược từng ngày trước khi tới thời điểm 5/2, dữ liệu thống kê cho thấy, trên thực tế, nhập khẩu dầu diesel của EU từ Nga không giảm, tính từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra (tháng 2/2022) và Moscow vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất của khối.

Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại công ty phân tích dữ liệu Kpler nói: "Nga vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất với 550.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này đang có xu hướng đi xuống khi một số người mua cắt giảm số lượng trước khi thời điểm trừng phạt có hiệu lực".

Nhà phân tích này nói thêm: "So với tháng trước, xuất khẩu giảm khoảng 170.000 thùng/ngày mặc dù cần phải nói rằng, tháng 12/2022 chứng kiến mức nhập khẩu cao nhất từ Nga kể từ đầu năm 2020, vì hầu hết mọi người đều tích trữ trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực”.

Dữ liệu của Kpler cho thấy, nhập khẩu dầu diesel của EU từ Nga trong tháng 12/2022 ở mức 719.456 thùng/ngày và giảm xuống 542.114 thùng/ngày trong giai đoạn từ ngày 1-18/1.

Trong khi đó, theo công ty theo dõi dữ liệu thời gian thực Vortexa, trong tháng 1/2023, tổng xuất khẩu dầu diesel của Nga sang EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Vương quốc Anh ước tính ở mức 615.873 thùng/ngày.

David Wech, nhà kinh tế trưởng của Vortexa, nói: "Trung bình, tổng nhập khẩu dầu diesel của châu Âu trong 4 tháng qua ở mức khoảng 600.000 thùng/ngày, cao hơn nhiều so với mức khoảng 400.000 thùng/ngày ở giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 1 của hai năm trước. Do đó, có thể nói rằng, trong 4 tháng qua, châu Âu đã mua nhiều hơn 1/3 so với nhu cầu thường lệ”.

Mỹ, Trung Đông tăng bán cho châu Âu

Khi các nước châu Âu, vốn nhập khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày, cần lấp đầy khoảng trống nguồn cung của Nga, Mỹ và các nước Trung Đông đang nổi lên như những nhà cung cấp tiềm năng.

Dữ liệu của Vortexa cho thấy, Saudi Arabia đứng ở vị trí thứ hai về xuất khẩu dầu diesel sang các nước châu Âu với 267.000 thùng mỗi ngày vào tháng 1/2023.

Trước đó, vào tháng 3/2022, xuất khẩu dầu diesel của quốc gia Trung Đông này sang các nước châu Âu chỉ ở mức 88.540 thùng/ngày. Dữ liệu thống kê cho thấy, châu lục này không ngừng tăng lượng nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia kể từ sau khi bắt đầu nổ ra xung đột Nga-Ukraine.

Trong khi đó, Mỹ bán cho các nước châu Âu 156.727 thùng mỗi ngày vào tháng 1, gần gấp ba lần mức 54.438 thùng/ngày vào tháng 3/2022. Nguồn cung dầu diesel của Washington cho châu Âu đạt mức cao nhất trong hơn hai năm qua.

Nhà phân tích Katona nói: "Saudi Arabia đang sản xuất khoảng 1,3-1,4 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày nhưng khoảng 600.000 thùng trong số đó dành thị trường nội địa và cần phải cân bằng các cam kết châu Âu và châu Á, do đó, khả năng tăng giá bị hạn chế".

Cũng theo ông, Kuwait đang tìm cách đưa vào vận hành nhà máy lọc dầu Al Zour với công suất sản xuất 615.000 thùng mỗi ngày, dự kiến tập trung vào dầu diesel, nhưng cho đến nay, chỉ có tổ máy chưng cất đầu tiên hoạt động đầy đủ, các tổ máy số 2 và 3 bị trì hoãn sang năm 2023 này.

Cao ủy EU về năng lượng Kadri Simson tuần trước cho biết: “Việc Kuwait có ý định tăng gấp 5 lần xuất khẩu dầu diesel sang châu Âu như một ví dụ về cách lục địa này đã thành công trong công cuộc đa dạng hóa các nguồn cung nhiên liệu”.

Dầu Nga tìm đường sang châu Phi, Trung Đông

Bên cạnh đó, nhà phân tích Katona cũng cho biết, sản lượng dầu diesel của Mỹ ở mức khoảng 5 triệu thùng/ngày, trong đó, nhu cầu nội địa khoảng 3,8-4 triệu thùng/ngày.

"Vì vậy, có khoảng một triệu thùng dầu diesel mỗi ngày được Mỹ xuất khẩu. Trong lịch sử, hầu hết xuất khẩu dầu diesel của Mỹ là sang các nước thuộc Mỹ Latinh, với Brazil và Mexico là những khách hàng lớn nhất. Nhiều dầu diesel hơn được nhập vào châu Âu có nghĩa là sẽ có thêm hàng của Nga vào Mỹ Latinh", ông Katona nói.

Nga vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất cho EU với 550.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này đang có xu hướng đi xuống khi một số người mua cắt giảm số lượng hàng trước khi thời điểm trừng phạt có hiệu lực. (Nguồn: Reuters)

Nga vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất cho EU với 550.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này đang có xu hướng đi xuống khi một số người mua cắt giảm số lượng hàng trước khi thời điểm trừng phạt có hiệu lực. (Nguồn: Reuters)

Chuyên gia của công ty Kpler cũng lưu ý rằng, trên thị trường, có đủ dầu diesel nhưng nếu châu Âu được cung cấp đầy đủ, thì các dòng chảy hiện có trước đây nên được định tuyến lại.

Trong khi đó, David Wech, nhà kinh tế trưởng của Vortexa nêu chi tiết dữ liệu về khối lượng xuất khẩu từ các khu vực sang châu Âu.

Cụ thể, Trung Đông bán sang “lục địa già” khoảng 400.000 thùng mỗi ngày trong tổng số 1,4 triệu thùng xuất khẩu; Mỹ cung cấp khoảng 150.000 thùng/ngày trong tổng số 1,2 triệu thùng xuất khẩu và châu Á gửi khoảng 200.000 thùng trong tổng số 1,4 triệu thùng.

Ông nói: "Cho đến nay, châu Âu hầu như không giảm mua hàng từ Nga, vì vậy, họ đã lấy cả nguồn cung cấp từ Moscow và nguồn cung thay thế, đồng thời thắt chặt thị trường toàn cầu. Trong tương lai, nhiên liệu này của Nga có thể sẽ tìm được thị trường mới ở châu Phi và Trung Đông, giải phóng lượng hàng tương ứng bị cấm cửa vào châu Âu".

Chuyên gia Wech cũng lưu ý rằng, mặc dù giá "vẫn tương đối cao", song châu Âu sẽ nhận được nguồn cung dầu diesel cần thiết trong điều kiện thị trường hiện tại.

Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế cạnh tranh toàn cầu

Theo dữ liệu của Vortexa, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu dầu diesel sang các nước châu Âu. Xuất khẩu dầu diesel của nước này đạt 64.277 thùng/ngày vào tháng 1/2023, từ mức tương ứng 30.391 và 53.916 thùng/ngày vào tháng 2 và tháng 3/2022.

Tuy nhiên, nhà phân tích Wech cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đóng một vai trò nhỏ trong xuất khẩu dầu diesel, bản thân nước này là nhà nhập khẩu ròng dầu diesel”.

Nhà máy lọc dầu STAR, nằm ở thành phố Izmir thuộc vùng biển Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ, có công suất 5 triệu tấn dầu diesel mỗi năm trong khi nhà máy lọc dầu Tupras của nước này cũng hoạt động với công suất cao.

Theo nhà phân tích Katona, "Ankara được cho là có cơ hội cao nhất để trở thành 'nhà cung cấp sáng tạo' của châu Âu.

Bởi vì các nhà máy lọc dầu của Thổ Nhĩ Kỳ tập trung rất nhiều vào dầu diesel. Họ có thể xuất khẩu sản phẩm của mình sang các nước EU và sau đó nhập khẩu dầu diesel với giá chiết khấu từ Nga. Trong thời điểm cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, điều này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho các nhà máy lọc dầu của Ankara về lợi nhuận".

Ông Katona cho biết, các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Algeria có thể trở thành trung tâm trung chuyển dầu diesel của Nga.

"Điều đó có thể giảm bớt sự gián đoạn trong dòng chảy và với cách diễn đạt hiện tại của các biện pháp trừng phạt, chỉ cần có một số thao tác hạn chế để biến dầu diesel của Nga thành hàng có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ai Cập", ông nói thêm.

(theo aa.com.tr)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chay-dua-lenh-trung-phat-eu-tang-om-hang-dau-diesel-nga-van-tu-tin-co-ben-do-moi-tho-nhi-ky-ngu-ong-dac-loi-214569.html