Chạy đua quân sự hóa biên giới tranh chấp Trung-Ấn: Nguy cơ xung đột gia tăng
Việc Ấn Độ và Trung Quốc tăng cường xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng dọc LAC cho thấy bản chất của tranh chấp biên giới đã thay đổi.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nói rằng, hai bên mong muốn giải quyết tình trạng bất ổn quân sự trên dãy Himalaya. Nhưng 19 tháng sau cuộc đụng độ đẫm máu tại khu vực biên giới tranh chấp dọc đường kiểm soát thực tế (LAC), liệu Bắc Kinh và New Delhi có đang rơi vào tình trạng đối đầu vĩnh viễn ở khu vực này? Đây là câu hỏi được nhiều nhà phân tích đặt ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán quân sự vẫn giữa hai nước vẫn bế tắc sau vòng đàm phán lầm thứ 13 diễn ra vào tháng 10/2021 nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Tăng cường quân sự hóa biên giới
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo về việc “hai bên có thể cùng kiệt sức” trong cuộc gặp trực tuyến với Đặc phái viên Ấn Độ tại Trung Quốc hồi đầu tháng 12. Tại cuộc gặp, cả hai đều bày tỏ hy vọng căng thẳng sẽ sớm hạ nhiệt.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm một giải pháp, vùng chiến tuyến ở hai phía biên giới vẫn được gia cố vững chắc. Vì vậy sẽ rất khó khăn để kiểm soát tình hình dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 3.488km nằm giữa khu vực Ladakh do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát.
Ấn Độ và Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh việc xây dựng đường xá, căn cứ và đường băng tại chiến tuyến của mỗi bên. Theo giới quan sát, việc 2 nước khẩn trương vận chuyển các nguồn cung như nhu yếu phẩm, khí tài quân sự tới các căn cứ ở biên giới trong mùa Đông cho thấy không bên nào có dấu hiệu nhượng bộ và điều này có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột.
Tuần trước, ông Eric Garcetti – người được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ cho biết, quốc gia Nam Á này đang “đối mặt với một láng giềng cứng rắn”, nhưng không nêu tên Trung Quốc. Phát biểu trong phiên điều trần xác nhận đề cử tại Thượng viện, ông Eric Garcetti nói rằng: “Tôi có ý định thực hiện gấp đôi các nỗ lực để tăng cường năng lực của Ấn Độ trong việc đảm bảo an ninh biên giới và ngăn chặn hành vi xâm lược thông qua hợp tác chống khủng bố”.
New Delhi luôn tin rằng, quân đội Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không từ bỏ hoạt động triển khai dọc LAC. Hồi tháng 10/2021, Tư lệnh lục quân Ấn Độ, Tướng Naravane cảnh báo, Trung Quốc đang tiến hành việc xây dựng quy mô lớn ở phía bên kia biên giới và sự phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ như vậy cho thấy quân đội nước này sẽ đồn trú lâu dài ở đây.
“Nếu họ ở đây, chúng tôi cũng sẽ làm như vậy”, ông Naravane nói.
Trước đó, Ấn Độ đã tiến hành một cuộc tập trận có sự phối hợp giữa không quân và lục quân, mang tên “Chiến dịch Hercules” vào tháng 11 để đẩy mạnh cung cấp hậu cần cho quân đội ở khu vực phía Bắc và đảm bảo cho các đơn vị biên giới đủ dự trữ trong mùa Đông.
Về phần mình, Trung Quốc đã triển khai một bệ phóng tên lửa tầm xa tiên tiến tới dãy Himalaya, xây dựng các hầm trú ẩn dưới lòng đất để bảo vệ quân đội và vũ khí. Thời báo hoàn cầu (Global Times) đưa tin, Trung Quốc “về cơ bản đã giải quyết các vấn đề hậu cần bằng cách tận dụng thời kỳ vàng” để cải tạo cơ sở hạ tầng trước khi thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.
Ấn Độ đã nêu bật những lo ngại về hoạt động của Trung Quốc, trong đó có việc nước này xây dựng các con đường nối phần lãnh thổ do họ kiểm soát ở phía bên kia LAC với đường cao tốc G219, cũng như một số con đường gần các địa điểm xảy ra xung đột như khu vực Pangong Tso ở phía Đông Ladakh.
Bản chất tranh chấp đang thay đổi
Ông Kyle Gardner – nhà sử học và nhà nghiên cứu cấp cao tại Công ty tư vấn chiến lược quốc tế McLarty Associates, có trụ sở ở Washington cho biết: “Việc Ấn Độ và Trung Quốc mở rộng xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng dọc LAC cho thấy bản chất của tranh chấp biên giới đã thay đổi”. Ông cảnh báo, sự hiện diện liên tục của quân đội và các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ khiến những cuộc xung đột quy mô nhỏ dễ xảy ra hơn.
Hồi tháng 9 vừa qua, tờ Economic Times đưa tin, hơn 100 binh sỹ Trung Quốc đã tiến sâu 5km vào lãnh thổ Ấn Độ, “phá hủy một số cơ sở hạ tầng, trong đó có một cây cầu” trước khi quay trở về căn cứ. Hồi đầu năm nay, một cuộc xung đột nhỏ đã xảy ra dọc theo LAC khiến binh sỹ của 2 bên bị thương.
Cựu Trung tướng Ấn Độ Rakesh Sharma lưu ý, mặc dù các cuộc đàm phán giảm căng thẳng vẫn diễn ra, nhưng sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại biên giới tranh chấp nhiều khả năng là lâu dài.
“Sự xuất hiện của các ngôi làng, sân bay, căn cứ quân sự và đường xá cho thấy Trung Quốc đang có ý định triển khai binh sỹ lâu dài ở khu vực biên giới vì thế họ không còn bận tâm về việc đưa quân xuống đồng bằng nữa. Nói cách khác, Trung Quốc đang thách đấu với Ấn Độ và nói rằng đây sẽ là khuôn mẫu mà họ sẽ làm theo ở tất cả những khu vực mà 2 bên có tranh chấp”.
Nhà sử học Gardner cũng cho rằng, tình trạng bế tắc kéo dài tại Ladakh có thể làm gia tăng nguy cơ rủi ro đối với cả 2 nước. Ông nhấn mạnh: “Khoảng cách tiếp xúc giữa quân đội 2 bên càng thu hẹp thì nguy cơ hiểu lầm và xung đột ngày càng lớn, đặc biệt khi một số đoạn của LAC vẫn chưa được phân định rõ ràng”.
Chuyên gia này cảnh báo, trọng tâm của cuộc xung đột thậm chí có thể chuyển từ Ladakh sang khu vực phía đông (dọc theo bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ) – nơi cuộc khủng hoảng có nhiều nguy cơ leo thang hơn. Trung Quốc từ trước đến nay vẫn không công nhận Arunachal Pradesh là một phần lãnh thổ của Ấn Độ. Hồi tháng 10 vừa qua, các binh sỹ hai bên đã có một cuộc đối đầu chớp nhoáng tại Arunachal Pradesh do khác biệt trong nhận thức về LAC.
Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng 11 vừa qua đã lên án việc Trung Quốc xây dựng một ngôi làng gồm 100 hộ gia đình tại “vùng tranh chấp giữa khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc và bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ”, gọi đây là “nguồn gốc của sự hủy diệt” đối với New Delhi. Trung Quốc đã chỉ trích bản báo cáo là “coi thường sự thật và chứa đầy thành kiến’.
Cựu Tướng Sharma nhận định, việc Trung Quốc xây dựng các ngôi làng biên giới có khả năng khiến xung đột lan sang những khu vực mới hơn.
“Thông qua việc xây dựng các ngôi làng, Trung Quốc đã dùng vỏ bọc dân sự để che đậy hành vi quân sự hóa. Với hành động này, Bắc Kinh đang buộc các lực lượng vũ trang Ấn Độ phải triển khai ở khu vực tiền tuyến trong khi họ không cần làm như vậy”./.