Chạy đua thu ngân sách cuối năm

Đến ngày 19-11, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh đạt trên 49 ngàn tỷ đồng, đạt 80% so với dự toán năm 2023 (trên 61 ngàn tỷ đồng). Như vậy, để hoàn thành mục tiêu thu NSNN năm 2023, các ngành chức năng đang phải chạy đua từng ngày.

Một dự án khu dân cư tại TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: N.Liên

Một dự án khu dân cư tại TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: N.Liên

Theo đánh giá của các đơn vị chức năng và địa phương, khả năng hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN đối với một số địa phương và lĩnh vực thu từ xuất - nhập khẩu năm nay sẽ khó đạt dự toán.

* Thu ngân sách nội địa cần thêm 6,6 ngàn tỷ đồng

Theo đánh giá chung, thu ngân sách nội địa đang được kỳ vọng để hoàn thành một phần chỉ tiêu thu NSNN chung của tỉnh. Tuy nhiên, nhiệm vụ này cũng rất nặng nề khi ngành thuế đang phải chạy đua để có được 6,6 ngàn tỷ đồng trong chưa đầy 2 tháng cuối năm.

Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Toàn Thắng cho hay, trong 10 tháng của năm 2023, trên địa bàn tỉnh có trên 4,7 ngàn DN giải thể hoặc ngưng hoạt động, hơn 13,9 ngàn hộ kinh doanh đã bỏ địa chỉ, ngừng kinh doanh. Doanh thu từ các doanh nghiệp (DN) trong 9 tháng của năm 2023 giảm trên 174 ngàn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập DN.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ thuế như: giảm thuế GTGT, giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm tiền thuê đất và giảm thuế trước bạ cũng làm hụt thu NSNN gần 860 tỷ đồng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của thị trường bất động sản nên một số khoản thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản; phí trước bạ và tiền sử dụng đất trong dân giảm mạnh, gây hụt thu ngân sách trên 2,9 ngàn tỷ đồng.

Trong 2 tháng còn lại, ngành thuế phải hoàn thành thu hơn 6,6 ngàn tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho hay, ngành thuế đang phải chạy đua từng ngày để đạt được mục tiêu. Từng cán bộ, phòng ban, chi cục thuế được giao nhiệm vụ rà soát các nguồn thu, đặc biệt là các DN để nắm chặt số thu từ đây đến cuối năm; rà soát các khoản thuế đến hạn phải nộp sau khi được gia hạn và giảm… với kỳ vọng sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Năm 2024, Đồng Nai được giao dự toán số thu NSNN trên 55,1 ngàn tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2023. Trong đó, thu nội địa trên 37,3 ngàn tỷ đồng; thu từ xuất - nhập khẩu 17,8 ngàn tỷ đồng. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với các DN, địa phương trong thu NSNN.

* Thu từ xuất - nhập khẩu khó về đích

Theo Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Nguyễn Phúc Thọ, thu NSNN từ hoạt động xuất - nhập khẩu từ đầu năm đến giữa tháng 11-2023 đạt trên 15,5 ngàn tỷ đồng, bằng 72,2% dự toán. Ước thu dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đạt 17,8 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 83% so với dự toán được giao. Tình hình khó khăn trên chủ yếu do kim ngạch xuất - nhập khẩu giảm mạnh. Trong đó, một số ngành có thuế xuất - nhập khẩu giảm sâu là: kim loại, hóa chất, than đá, thiết bị điện tử… Dự kiến đến cuối năm nay, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Đối với các địa phương, hiện có 3 huyện đạt mức rất thấp là: Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch và Long Thành và khó hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2023.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Trương Thị Hương Bình, hiện các địa phương dựa vào khá nhiều nguồn thu từ các dự án bất động sản, các nguồn thu từ đất đai nên khi thị trường bất động sản đóng băng, nguồn thu NSNN bị hụt, trong khi các nguồn thu khác bị hạn chế. Cụ thể như H.Cẩm Mỹ mất cân đối trên 47,8 tỷ đồng, H.Nhơn Trạch mất cân đối khoảng 187 tỷ đồng và H.Long Thành trên 254 tỷ đồng, dù đã có những giải pháp tăng thu, giảm chi. Hiện các địa phương đang kiến nghị lãnh đạo tỉnh hỗ trợ cân đối ngân sách để bù hụt chi.

Trao đổi về tình hình thu, chi NSNN thời gian qua, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, thu NSNN của năm 2023 trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ không đạt cao, đặc biệt là lĩnh vực xuất - nhập khẩu. Cùng với nhiệm vụ nặng nề cần hơn 6,6 ngàn tỷ đồng của ngành thuế, các đơn vị phải tính toán kỹ bài toán khả thi nhất. Theo Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, các sở, ngành khi cân đối ngân sách bù hụt thu và chi phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật. Riêng đối với cấp huyện, không chỉ 3 huyện mà nhiều địa phương khác cũng có khả năng mất cân đối, do đó cần chủ động rà soát lại, kịp thời nắm tình hình để có hướng chỉ đạo điều hành tốt nhất. Cần tính toán đối với các dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công đã chuyển nguồn nhiều lần nhằm bảo đảm công tác điều hành ngân sách. Chủ động tính toán tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án vào năm 2024, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng phải nhanh, hiệu quả.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/chay-dua-thu-ngan-sach-cuoi-nam-ec76456/