Chạy đua với bão trục vớt bốn thi thể nạn nhân vụ chìm tàu

Đúng 17 giờ chiều 14-6, hai con tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải chuyên dụng SAR 411 và SAR 273 đã cập cảng Hải Phòng, mang theo bốn thi thể nạn nhân vụ chìm tàu TH 90282 TS còn mất tích do va chạm với tàu Annie Gas 09, sau năm ngày tìm kiếm quyết liệt.

Xe cứu thương chờ sẵn để chở thi thể bốn nạn nhân vừa cập cảng trên hai con tàu cứu nạn.

Xe cứu thương chờ sẵn để chở thi thể bốn nạn nhân vừa cập cảng trên hai con tàu cứu nạn.

NDĐT – Đúng 17 giờ chiều 14-6, hai con tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải chuyên dụng SAR 411 và SAR 273 đã cập cảng Hải Phòng, mang theo bốn thi thể nạn nhân vụ chìm tàu TH 90282 TS còn mất tích do va chạm với tàu Annie Gas 09, sau năm ngày tìm kiếm quyết liệt.

Cuộc trở về tang thương

Bốn ngư dân thiệt mạng được chở về trên cả hai chiếc tàu SAR, mỗi tàu hai thi thể. Đi cùng với họ là những ngư dân, thân nhân đã theo tàu cứu nạn ra biển tìm kiếm mấy ngày nay, là những thợ lặn người Bình Định được mời ra để lặn vớt họ từ độ sâu 42 mét so với mặt nước biển. Ở Việt Nam, những thợ lặn chuyên nghiệp có thể lặn sâu đến mức đó để tìm kiếm người mất tích không nhiều.

Đúng 17 giờ chiều, hai chiếc tàu SAR lần lượt cập hai mạn cảng. Bốn chiếc xe cứu thương đã chờ sẵn trên cầu cảng từ chiều. Những người thân của bốn gia đình cũng đã thuê xe từ Hậu Lộc, Thanh Hóa đến cảng Hải Phòng để đón người thân trở về.

Thi thể của các ngư dân Phạm Văn Sỹ (1965), Tô Văn Hùng (1979), Phạm Văn Tình (1972), Vũ Văn Trường (1984) được làm lễ trước khi lần lượt chuyển lên bốn xe cứu thương đưa đi hỏa táng ở Hải Phòng trước khi về đến quê nhà.

Thi thể các nạn nhân đã được chuyển về bờ bàn giao cho gia đình.

Thi thể các nạn nhân đã được chuyển về bờ bàn giao cho gia đình.

Cầu cảng đượm màu tang thương trong khói hương nghi ngút. Những người thân mắt đỏ hoe ôm di ảnh các nạn nhân để chờ đón các anh trở về. Chuyến biển cuối cùng họ đã không trở về cùng con tàu đầy cá như mọi khi.

Theo lời kể lại, sáng 9-6, cách nam đông nam Đồ Sơn, Hải Phòng khoảng 50 hải lý, thuyền trưởng Phạm Văn Đệ (sinh năm 1975) đang điều khiển tàu cá TH 90282TS trên đường đi đánh bắt thì va chạm với tàu hàng Annie Gas. Lúc đó, sáu thuyền viên của tàu đều đang nghỉ ngơi dưới hầm tàu.

Sau cú đâm va mạnh, chiếc tàu chìm nhanh xuống biển. Hai thuyền viên Vũ Văn Dương (1980) và Nguyễn Văn Thân (1968) ngồi ở mé ngoài đang xem tivi và điện thoại kịp thoát ra. Nhưng anh Nguyễn Văn Thân đã tử nạn vì bị va đập mạnh. Thuyền trưởng Phạm Thế Đệ và ngư dân Vũ Văn Dương bị thương và được chính con tàu đâm va cứu.

Ngày 10-6, Tàu SAR 273 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã đưa hai thuyền viên được cứu (ngư dân Phạm Thế Đệ, sinh năm 1975 và Vũ Văn Dương, sinh năm 1980) cùng một thi thể nạn nhân về cầu cảng Trung tâm tại Hải Phòng bàn giao cho các cơ quan chức năng, người nhà.

Trong năm ngày qua, các lực lượng chức năng đã nỗ lực tìm mọi cách, chạy đua với cơn bão số 1 đang hình thành trên biển để tìm kiếm bốn người còn mất tích.

Lặn tìm người vì cái tâm

Lực lượng cứu nạn chạy đua với cơn bão để kịp đưa tục vớt và đưa thi thể nạn nhân vào bờ.

Lực lượng cứu nạn chạy đua với cơn bão để kịp đưa tục vớt và đưa thi thể nạn nhân vào bờ.

Nhiệm vụ đầu tiên lực lượng cứu nạn phải làm là tìm tung tích con tàu chìm, từ đó mới trục vớt được bốn người nghi đã chìm theo con tàu mà chưa kịp thoát ra.

Thuyền trưởng tàu SAR 411 Nguyễn Mạnh Dũng kể lại, mấy ngày đầu của cuộc tìm kiếm thời tiết rất xấu, rất may hai ngày còn lại trời yên biển lặng để lực lượng cứu nạn có thể lặn xuống biển tìm tung tích con tàu và nạn nhân. “Nếu muộn hơn thì ngay cả việc xác định vị trí tàu cũng sẽ phải dò lại, vì tàu dưới biển sẽ bị xê dịch vì thời tiết sóng gió”, Thuyền trưởng con tàu cứu nạn dày dạnh kinh nghiệm nói.

Một điều may mắn nữa, theo anh, tư thế tàu chìm cũng rất thuận lợi để trục vớt thi thể phía bên trong. Nếu tàu bị nghiêng thì có thể sẽ không đưa người lên được. Vì thợ lặn mỗi ngày chỉ có thể xuống nước mỗi người ba ca, mỗi ca 10-15 phút sẽ phải lên, sau đó 30 phút mới có thể xuống tiếp được.

Một trong những yếu tố mang đến thành công cho chuyến cứu nạn này chính là những người thợ lặn. Bốn người thợ lặn đều là những người chuyên nghiệp, có chứng chỉ hành nghề của tổ chức quốc tế.

Anh Trần Đăng Hợp (sinh năm 1977), trưởng nhóm lặn cho biết, ngoài manh mối là đầu lưới, nhờ có máy dò tàu cá họ đã biết được vị trí con tàu nằm. Hai ngày qua, các anh đã phải lặn nhiều ca để vừa định vị con tàu vừa trục vớt nạn nhân, nhưng tìm thấy tàu dưới biển còn khó hơn cả việc đưa người lên. “Hôm qua lặn định vị đến bốn lần mới tìm thấy đầu tàu, còn sáng nay trong hai tiếng đồng hồ đã lặn để đưa được cả bốn nạn nhân lên”, anh Hợp nói.

Tổng giám đốc MRCC Việt Nam Bùi Văn Minh cảm ơn thợ lặn Phan Văn Tâm.

Tổng giám đốc MRCC Việt Nam Bùi Văn Minh cảm ơn thợ lặn Phan Văn Tâm.

Ông Phan Văn Tâm (sinh năm 1968), thợ lặn được mời từ Bình Định ra đây để trục vớt thi thể các nạn nhân cho biết, chuyến cứu nạn thật sự rất khó khăn. Ông tâm niệm làm hết mình để vớt được bốn người lên. “Rất khó để vào được chiếc tàu đang nằm ở dưới độ sâu 42 m, tối không nhìn thấy đường, dây chạc, lưới vướng víu, Tôi phải cố gắng hết sức”, ông Tâm chia sẻ lúc còn đứng bên mạn tàu cứu nạn khi tàu chưa dừng hẳn.

Ông Tâm không còn nhớ nổi mình lặn bao nhiêu lần xuống biển để cứu người. Lần lặn sâu nhất là ở độ sâu 55 m ở ngoài giàn khoan để tìm vớt một người bị nạn. Người ta gọi ông là “cao thủ”, còn ông tâm niệm: “Tôi làm trước hết là vì người nằm lại, thứ hai đó là công việc người khác không làm được. Mình là người thì mình cũng phải vì người, chứ không phải chỉ vì tiền”.

Đi theo tàu cứu nạn còn có người thân của bốn người bị mất tích. Họ đều là ngư dân ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Mấy ngày ra biển chưa tìm thấy người, các gia đình thức cả đêm thay ca nhau trực, thỉnh thoảng nghe ngóng xem có tín hiệu gì không, nếu có báo cáo lại cho lực lượng cứu nạn.

Mắt vẫn còn đỏ hoe khi bước từ tàu lên, ông Vũ Văn Sáu, chú ruột của nạn nhân Vũ Văn Trường kể, khi nghe tin cháu mất tích trên biển, ông đã theo tàu để đi tìm bằng được. “Nếu không thấy lần này thì tôi cũng sẽ quay lại để tìm tiếp cho thấy cháu mình và những người còn nằm lại. Nếu chỉ thấy ba người thì dù còn một người vẫn phải tìm thêm bảy ngày nữa. Và lúc đó không thấy nữa thì đành về trắng tay”, ông Sáu ngậm ngùi nói.

Ba người đầu tiên đã được vớt lên nhanh chóng, Trường cháu của ông là người thứ ba. Những người tham gia cứu nạn đã tưởng không thể tìm thấy người thứ tư, nhưng cuối cùng đã tìm thấy ở buồng máy. “Giờ đã tìm được cả bốn người, tôi lấy cái buồn làm cái vui và cảm ơn những người thợ lặn và lực lượng cứu nạn đã nhiệt tình tìm kiếm”, ông Sáu khóc.

Mấy ngày qua, ông Vũ Văn Sáu theo tàu cứu nạn để tìm kiếm người cháu và các nạn nhân mất tích.

Mấy ngày qua, ông Vũ Văn Sáu theo tàu cứu nạn để tìm kiếm người cháu và các nạn nhân mất tích.

“Nếu không tìm được ngày mai tàu cũng phải về bờ”

Có mặt tại cầu cảng, Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (MRCC) Bùi Văn Minh thở phào chia sẻ, may mắn là đã tìm kiếm thành công trước cơn bão số 1. “Nếu không tìm được thì ngày mai đội tìm kiếm cũng phải vào bờ để tránh bão”.

Tổng giám đốc Bùi Văn Minh cho biết, sau khi tai nạn xảy ra vào 8 giờ 25 phút ngày 9-6, tàu gây tai nạn đã cứu được hai người và vớt một thi thể. Chỉ một tiếng sau hai tàu SAR 411 và 273 đã được điều động ra hiện trường tìm kiếm.

Đồng thời, lập Sở chỉ huy tiền phương ngay tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Hải Phòng gồm các lực lượng tham gia là Cục Hàng hải, Bộ Giao thông vận tải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam và khu vực 1, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư… Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam là đơn vụ chủ trì phối hợp, sử dụng bốn tại chỗ tại nơi xảy ra tai nạn để tham gia cứu nạn. Đại diện chủ tàu Annie Gas 09 gây tai nạn là Công ty cổ phần vận tải Việt Nhật cũng có mặt tại sở chỉ huy để tham gia phối hợp cứu nạn.

Lúc đầu, lực lượng cứu nạn yêu cầu chủ tàu thuê các phương tiện theo kinh nghiệm dân gian, dùng tàu dã cào để quét dưới mặt biển. Nhưng tàu dã cào hiện hiếm do đã bị cấm, vì thế Sử chỉ huy tiền phương đã yêu cầu chủ tàu đưa thợ lặn và tàu cá lớn để tìm kiếm. Ngoài các tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR411, SAR273 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, tàu CSB 8003 của lực lượng Cảnh sát biển Vùng I, tàu Annie Gas 09 còn có sáu tàu cá được địa phương huy động tham gia tìm kiếm.

Rất may, ngày 11-6, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường đã phát hiện một đầu lưới đánh cá tại khu vực gần vị trí tàu chìm, nghi là của tàu TH 90282 TS. Đó cũng là lúc cơn bão số 1 hình thành trên Biển Đông, lực lượng cứu nạn đã quyết liệt chạy đua cùng bão để tìm tàu và trục vớt thi thể.

Dù vụ cứu nạn thành công, đôi mắt vị tổng chỉ huy của lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải Bùi Văn Minh vẫn đỏ hoe.

Dù vụ cứu nạn thành công, đôi mắt vị tổng chỉ huy của lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải Bùi Văn Minh vẫn đỏ hoe.

“Việc tìm thấy tất cả thi thể năm người thiệt mạng trong vụ chìm tàu là quyết tâm của các lực lượng và cũng may mắn”, ông Bùi Văn Minh nhận định.

Tổng giám đốc Bùi Văn Minh đánh giá: "Mặc dù đây vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại vùng biển tương đối xa, trong điều kiện thời tiết xấu. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, việc tìm kiếm được cả bốn thi thể nạn nhân cũng có thể coi là một thành công”.

THẢO LÊ, THẠCH PHAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44859302-chay-dua-voi-bao-truc-vot-bon-thi-the-nan-nhan-vu-chim-tau.html