Chạy đua với thời gian, giành sự sống cho bệnh nhân Covid-19
Những ngày gần đây, nhiều ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khỏi bệnh được ra viện. Đây là niềm vui không chỉ của riêng đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mà còn là mong đợi của toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân.
Niềm vui khỏi bệnh
Mấy hôm nay, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng làm nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 rất phấn khởi bởi có nhiều ca bệnh nặng đã qua cơn nguy kịch; một vài bệnh nhân tưởng như không qua khỏi nay đã bình phục, xuất viện.
Bệnh nhân Nguyễn Văn H (SN 1986) ở xã Hương Sơn (Lạng Giang) chia sẻ: “Bệnh tình của tôi trở nặng rất nhanh. Những lúc khó thở, tôi đã tuyệt vọng, tưởng rằng mình sẽ không qua khỏi. Nhiều ngày liên tiếp, tôi chỉ thấy xung quanh cơ thể toàn máy móc, thiết bị và những bước chân vội vàng của bác sĩ. Sau khi được rút hệ thống hỗ trợ thở, bác sĩ động viên tôi sẽ sống và ổn dần". Sau 3 tuần điều trị, từ ca bệnh nặng, anh H đã được ra viện trong niềm vui của bao người.
Không giấu niềm vui trong ngày được công bố khỏi bệnh, anh Thân Mậu H (SN 2002), xã Hồng Thái (Việt Yên) không quên gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến tập thể cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 1 đã điều trị, chăm sóc cho mình suốt 22 ngày nằm viện. Lúc đầu, anh cũng hoang mang lo sợ vì căn bệnh nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, nhiều người tiếp xúc với anh trước đó có nguy cơ lây nhiễm. Khi vào điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1, các bác sĩ, điều dưỡng đã động viên, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả giúp anh nhanh chóng khỏi bệnh.
Những người được ra viện đều mong muốn các thầy thuốc sẽ tiếp tục mang lại niềm vui cho bệnh nhân đang điều trị ở đây trong những ngày tới.
Theo thông tin từ Sở Y tế, đến nay toàn tỉnh có 673 bệnh nhân khỏi bệnh ra viện. Riêng ngày 11/6 có 76 bệnh nhân. Trong số bệnh nhân đang điều trị tại 18 cơ sở trên địa bàn tỉnh có 2.168 bệnh nhân nhẹ. Đặc biệt, 399 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và 119 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2.
Để có được niềm vui ấy, các y, bác sĩ, điều dưỡng ở các cơ sở điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh ngày đêm nỗ lực không ngừng, trong đó có sự hỗ trợ rất quan trọng, đức lực của các chuyên gia đầu ngành trong hội chẩn, điều trị các ca bệnh tiên lượng nặng và rất nặng.
Đấu trí giành sự sống
Trải qua hơn một tháng căng mình chống dịch, để có được niềm vui là những ca bệnh khỏe mạnh trở lại, được ra viện thì tất cả cán bộ, nhân viên y tế ở các cơ sở điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh đều phải tập trung cao độ cho việc cứu chữa bệnh nhân.
Từ ngày dịch bùng phát, mọi người đều không về nhà; là những đêm dài liên tục thức trắng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phổi Bắc Giang chia sẻ: “Tập trung hội chẩn, đưa ra phương án xử trí tối ưu nhất để bệnh nhân qua cơn nguy kịch là công việc liên tục phải làm của bác sĩ trong Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU). Tất cả bệnh nhân chuyển đến đây đều là những ca nặng, bất ổn về tuần hoàn, hô hấp, tri giác hoặc nhiều bệnh lý kết hợp dẫn đến nguy cơ suy đa tạng, có thể tử vong. Các bác sĩ, điều dưỡng trở thành “người gác cửa tử”, giành giật sự sống cho người bệnh”.
Hiện nay, toàn tỉnh có 61 bệnh nhân nặng điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) của Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. Trong ngày 11/6, Trung tâm ICU của Bệnh viện Tâm thần có 12 bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh.
Trong các bệnh nhân đang điều trị tại các Trung tâm ICU, nặng nhất vẫn là hai trường hợp đang thở máy và lọc máu hấp phụ tại Trung tâm ICU của Bệnh viện Phổi. Các bác sĩ đang tập trung cao điều trị cho hai ca bệnh này và dần có dấu hiệu tốt lên.
Một ca trực của bác sĩ điều trị Covid-19 thường kéo dài 8 giờ liên tục làm việc với cường độ cao. Trực tại 2 Trung tâm ICU đòi hỏi bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc căng thẳng vì nhiều bệnh nhân luôn ở thời khắc nguy kịch, phải theo dõi sát sao từng chỉ số.
Do virus biến chủng, nhiều trường hợp diễn biến nhanh, thậm chí một số ca có biểu hiện triệu chứng hiếm thấy, các bác sĩ phải hội chẩn liên viện để đưa ra phương án tối ưu. Như trường hợp ông P.H.T, 63 tuổi, vào viện ngày 28/5 với triệu chứng suy hô hấp nặng. Ông bắt đầu phải hỗ trợ tim, phổi nhân tạo từ ngày 1/6 và các biện pháp hồi sức tích cực, sử dụng đa kháng sinh, bù điện giải, theo dõi chặt chẽ các chỉ số sinh tồn. Theo thời gian, bệnh nhân dần ổn định, sức khỏe cải thiện hơn, đến ngày 8/6 được cai máy ECMO, rút ống nội khí quản. Hiện bệnh nhân đã có kết quả âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2.
Các bệnh nhân nặng đều được nhân viên y tế chăm sóc toàn diện từ vệ sinh cá nhân đến uống thuốc, tiêm truyền. Bệnh nhân thở máy nằm lâu ngày dễ dẫn đến teo cơ, ứ dịch. Để hạn chế tình trạng này, hằng ngày, điều dưỡng luôn phải giúp người bệnh tập vật lý trị liệu như: Xoay người, vỗ rung lồng ngực, hút dịch đờm dãi.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng cán bộ, nhân viên y tế ở các khu điều trị Covid-19 vẫn luôn lạc quan, tin tưởng số bệnh nhân nặng sẽ giảm dần, người bệnh khỏe mạnh trở lại. Bởi trong những giai đoạn khó khăn như vậy, tình đồng chí, đồng nghiệp, tình người luôn chan chứa, tiếp thêm sức mạnh để mỗi cán bộ, nhân viên y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu chữa người bệnh.
“Nụ cười của người bệnh là hạnh phúc của chúng tôi lúc này. Niềm vui của những người trực tiếp làm công tác điều trị được nhân lên khi sức khỏe của bệnh nhân cải thiện từng ngày, các chỉ số dần trở về bình thường và đặc biệt qua từng lần xét nghiệm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2”, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Như Phố, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2 nói.
Bải, ảnh: Minh Thu