'Cháy' nhân lực du lịch dịp 30/4
Với sự bùng nổ hoạt động du lịch thời điểm lễ 30/4, nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch đang trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực nghiêm trọng. Cũng vì thiếu nhân lực phục vụ, nhiều DN phải từ chối phục vụ khách hàng.
Cấp tốc huy động và đào tạo
Ngày 23/4, ê kíp hướng dẫn viên bơi lội gồm 6 người tại TPHCM đã lên đường ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) để làm công việc thời vụ là đón và hướng dẫn du khách nghỉ dưỡng tại Phú Quốc trong dịp lễ 30/4. Lê Hồng Tuấn, một thành viên trong ê kip cho biết, anh đi theo lời mời của một người bạn đồng nghiệp hiện đang làm việc ở khách sạn 5 sao ở Phú Quốc. “Bạn tôi cho biết dịp lễ 30/4 năm nay, du lịch ở đảo này bùng nổ và lượng khách đến rất đông. Chúng tôi đã từng làm nghề hướng dẫn khách bơi lội trước đây nên tranh thủ dịp này kiếm thêm công việc”- Tuấn cho biết.
Ông Trương Công Tâm - Chủ tịch Hội hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp TP. Phú Quốc cho biết, hiện lịch dẫn tua của các hướng dẫn viên trong Hội đã kín khách từ trung tuần tháng 4 và hiện còn rất nhiều tua thiếu hướng dẫn viên, nhất là những tua đi biển với nhiều hoạt động như bơi, lặn biển… Chính vì thế, Hội đã phải thuê thêm khoảng 200 hướng dẫn viên du lịch ở các nơi, trong đó nguồn nhân lực chủ yếu đến từ 2 thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội để giải quyết lượng du khách trong dịp lễ 30/4.
Không chỉ với Phú Quốc, ngay tại TPHCM, nơi có nguồn nhân lực du lịch đông đảo nhất cả nước nhưng nhiều Cty du lịch cũng phải “chạy ngược chạy xuôi” để tìm nhân lực đáp ứng nhu cầu khẩn cho dịp 30/4 năm nay. Ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Cty Image Travel & Events TPHCM cho biết, dù đã tích cực tuyển dụng ngay từ đầu nhưng tới hiện tại Cty vẫn thiếu khoảng 40% lao động cho các hoạt động. Cty phải tuyển dụng những sinh viên mới ra trường và tiến hành các lớp tập huấn cấp tốc để lực lượng này có thể bắt tay ngay vào việc.
Theo thống kê từ các Cty du lịch tại TPHCM, hiện tại các tua du lịch trong dịp lễ 30/4 tại TPHCM đã kín khách. Nhiều Cty không dám nhận thêm khách, một phần do hạ tầng du lịch quá tải không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách, phần vì DN không có đủ nhân lực để phục vụ. Ông Lê Văn Thành - Giám đốc Cty du lịch lữ hành Best Viet cho biết, Cty ông phải từ chối nhận một số tua do một số doanh nghiệp đặt cho nhân viên đi chơi lễ bởi không thu xếp được. “Đặt phòng, thuê xe cho tua đã khó nhưng khó nhất là chúng tôi không còn nhân lực để tổ chức. Sau dịch nhân sự chúng tôi còn rất ít và tuyển dụng khẩn thì không kịp, lực lượng nhân sự cũ của Cty giờ cũng nhiều người không muốn quay lại với nghề”- ông Thành tâm sự.
Lo nhân sự dài hơi
Không chỉ giải bài toán nhân sự trước mắt, nhiều Cty du lịch cũng tính đến phương án chuẩn bị nguồn nhân lực cho kế hoạch dài hơi. Theo bà Trần Phương Linh- Giám đốc Tiếp thị BenThanh Tourist, khi thị trường du lịch tan băng, một mặt Cty xây dựng đầy đủ các sản phẩm du lịch để thu hút khách, tạo việc làm cho nhân viên. Mặt khác, Cty áp dụng các giải pháp khác nhau để ổn định nhân sự, như đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Nhờ đó, Cty không mất nhiều nhân lực.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh- Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Cty Du lịch Vietravel cho biết, trong giai đoạn hiện nay, ưu tiên hàng đầu của các DN bao gồm các DN dịch vụ du lịch lữ hành là tái cấu trúc toàn bộ hệ thống sản phẩm, nhân sự nhằm mục tiêu thích ứng với thị trường đang có nhiều thay đổi và biến động. Với Vietravel, đây là điều kiện tiên quyết khi tái khởi động sau thời kỳ “ngủ đông”. Theo đó, Vietravel đã nhanh chóng triển khai các chương trình đào tạo, huấn luyện nội bộ để hoàn thiện các kỹ năng cũng như nghiệp vụ cần thiết cho nhân viên cũng như triển khai các chương trình tập huấn theo quy mô toàn quốc.
Trong khi đó, bà Hoàng Oanh, đại diện Cty Du lịch Việt (DLV) cho hay, khi dịch dã căng thẳng, kéo dài, DLV chuyển hướng mở thêm hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế như khẩu trang, các sản phẩm kháng khuẩn... Nhờ đó đã đảm bảo nguồn thu, duy trì hoạt động của đơn vị và giữ chân được đội ngũ nhân sự quản lý.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, Việt Nam trong năm 2020, khoảng 52% lao động ngành du lịch đã nghỉ hoặc chuyển việc. Số nhân sự làm đủ thời gian chỉ chiếm 24%, trong khi lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng là 30%. Lực lượng lao động có thâm niên 5-10 năm đã chuyển là 44%, lao động sau đại học chuyển nghề tới 90%. Với mục tiêu chiến lược của du lịch Việt Nam là trở thành một trong ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch tại Đông Nam Á và trong 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Trong đó, cần tạo ra khoảng 5,5-6 triệu việc làm, trong đó khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12-14% một năm.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chay-nhan-luc-du-lich-dip-30-4-post1434292.tpo