Cháy rừng: Lỗi do con người hay biến đổi khí hậu?
Nhiều nhà lãnh đạo đã đổ lỗi cho sự đốt phá của con người, trong khi những người khác bị cáo buộc sử dụng biến đổi khí hậu làm lá chắn cho sự quản lý vô trách nhiệm của họ.
Những đám cháy xé toạc vùng đất Địa Trung Hải đã giết chết vô số người dân và biến rất nhiều ngôi làng thành tro bụi. Rất nhiều trận hỏa hoạn bùng phát dữ dội ở Hy Lạp, Bắc Macedonia, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria, Ý và Síp thời gian gần đây.
Mỹ cũng đang phải chiến đấu với những đám cháy lớn trên khắp 15 tiểu bang sau khi Dixie - đám cháy lớn thứ 2 ở California, tiếp tục phát triển. Tháng trước, các khu vực của Siberia và British Columbia đều phải hứng chịu những ngọn lửa lớn nhất từng diễn ra trong nhiều năm.
Bộ trưởng phụ trách biến đổi hệ sinh thái của Ý Roberto Cingolani đổ lỗi cho biến đổi khí hậu trong thảm họa này, nhưng gần đây ông đã đưa ra quan điểm khác khi nhấn mạnh rằng 70% các vụ cháy là do con người - dù vô tình hoặc cố ý.
Tại Algeria, nơi 65 người, trong đó có 25 binh sĩ đã chết vì cháy rừng thời gian gần đây, Bộ trưởng Nội vụ Kamel Beldjoud cũng đã nêu lên quan điểm tương tự. “Chúng tôi hiểu rõ về cháy rừng trong một thời gian dài. Nhưng vô số người bị thiệt mạng trong đám cháy quả thực là một tội ác”, ông nói với Al-Nahar TV vào hôm 10/8.
Ngược lại, thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis bị cáo buộc đã đổ hết trách nhiệm cho biến đổi khí hậu đối với các đám cháy nhằm xoa dịu những chỉ trích về sự yếu kém trong quản lý rừng và khả năng phòng chống thiên tai của chính phủ.
Sau những phản ứng gay gắt của dân chúng, ông buộc phải làm rõ rằng ‘biến đổi khí hậu’ chỉ là "lời giải thích, không phải là lời bào chữa hay chứng cứ ngoại phạm". Tuy nhiên, ông khẳng định lại rằng chính phủ đã "làm mọi thứ mà con người có thể làm được, nhưng trong nhiều trường hợp, điều này dường như là chưa đủ trong cuộc chiến không cân sức với thiên nhiên".
Trách nhiệm của biến đổi khí hậu là gì?
Đó chính là câu hỏi hiện đang được đặt ra xung quanh việc ai và cái gì phải chịu trách nhiệm cho các vụ cháy. Biến đổi khí hậu, sự đốt phá của con người hay cả hai?
Mặc dù có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cháy rừng, nhưng chính biến đổi khí hậu đang khiến chúng ngày càng lan rộng và xảy ra thường xuyên hơn, làm cho những đám cháy xuất hiện ở những nơi mà trước đây chưa từng có.
Hikmet Ozturk, một chuyên gia lâm nghiệp của Tổ chức Phi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về Chống xói mòn đất đã cho biết, trong khi 95% các vụ cháy ở Thổ Nhĩ Kỳ là do con người gây ra, thì sự lây lan của các đám cháy lại trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Ông nói: “Điều kiện thời tiết điển hình trong mùa hè của khu vực là nóng và khô, có nghĩa là nguy cơ hỏa hoạn đã cao, và biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ đó”.
Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus, châu Âu đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục thứ hai trong năm nay, với phần lớn khu vực đông nam châu Âu đang phải sống trong những đợt nắng nóng gay gắt nhất.
Vào ngày 11/8, kỷ lục nhiệt mọi thời đại của châu Âu đã bị phá vỡ, nhưng dữ liệu vẫn cần được xác thực - khi nhiệt độ lên tới 48,8 độ C ở thành phố Syracuse của Sicilia, theo Dịch vụ Thông tin Khí tượng Nông nghiệp Sicilia (SIAS).
Một báo cáo mang tính bước ngoặt do Ủy ban Quốc tế về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc công bố hôm 9/8 cho biết, 38 điều kiện thời tiết thúc đẩy cháy rừng đã dễ dàng xảy ra hơn ở Nam Âu trong thế kỷ qua. Trên toàn cầu, các đợt nắng nóng và hạn hán đã làm các đám cháy ngày càng gia tăng.
Báo cáo phát hiện ra rằng từ năm 1979 đến năm 2013, "diện tích khu vực ‘có thể cháy’ toàn cầu bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng kéo dài đã tăng gấp đôi và độ dài trung bình của mùa ‘cháy’ đã tăng 19%.”
"Với mức nhiệt độ cao, nguồn nhiên liệu sẽ trở nên khô hơn và độ ẩm tương đối của không khí sẽ thấp hơn. Cả hai yếu tố này đều góp phần làm cho các đám cháy rừng di chuyển nhanh và dữ dội hơn, khiến những ngọn lửa rất khó để dập tắt bởi các nhân viên cứu hỏa trên mặt đất", Thomas Smith, một trợ lý giáo sư về Địa lý Môi trường tại Trường Kinh tế Luân Đôn cho biết.
Trách nhiệm của con người
Smith cho rằng đáp án cho câu hỏi về điều gì cần phải đổ lỗi - biến đổi khí hậu, sự đốt phá của con người hay quản lý rừng - là không hề đơn giản.
Ông nói: “Cả hai quan điểm phân cực đang xuất hiện đều không đúng”, đồng thời nhấn mạnh rằng cháy rừng là hiện tượng phức tạp do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, từ thời tiết bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đến thảm thực vật, sự đốt cháy tự nhiên và các hoạt động của con người.
Trong lịch sử, con người là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy rừng tàn khốc nhất. Ở rừng nhiệt đới Amazon, nông dân và lâm tặc từ lâu đã đốt rừng để dọn đất chăn thả và trồng trọt. Số khác thì đốt rừng do cơ sở hạ tầng điện bị bỏ quên hoặc do tai nạn - điển hình như vụ cháy kinh hoàng ở El Dorado (California) năm ngoái, được cho là sự cố của bữa tiệc công khai giới tính thai nhi.
Smith nói rằng những thay đổi gần đây trong quản lý đất đai đóng vai trò rất lớn trong một số khu vực, nơi lửa luôn là một phần của chu kỳ tự nhiên - ví dụ như ở miền Tây Hoa Kỳ. Ông nói: “Trong hàng ngàn năm, vùng đất đó chắc hẳn được quản lý bởi những người chủ truyền thống hoặc người dân bản địa. Và lửa vẫn luôn là công cụ sinh sống hàng ngày của họ”.
“Nhưng hiện thực đó đã bị lãng quên trong hơn 150 năm qua và điều đó đã dẫn đến sự thay đổi về lượng nhiên liệu trên mặt đất. Hệ sinh thái nhận được nhiều sinh khối hơn và khi những đám cháy xảy ra, chúng có xu hướng tàn phá nhiều hơn, bởi vì có nhiều thứ để đốt hơn do đất không được tiếp xúc thường xuyên với lửa".
Thực tế biến đổi khí hậu đang làm cho các vụ cháy rừng trở nên dữ dội hơn không đồng nghĩa là con người không đáng bị đổ lỗi. Ngược lại, "rõ ràng" chính con người đã gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu ngay từ đầu.
Vì vậy, khi ngọn lửa tiếp tục bùng cháy khắp các vùng rộng lớn trên thế giới, chúng ta phải đối mặt với sự thật - cháy rừng ngày càng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu và biến đổi khí hậu là do con người gây ra.