Cháy rừng ở Hawaii (Mỹ): Thị trấn Lahaina bàng hoàng với những mất mát về văn hóa
Một tuần sau khi cháy rừng xé toạc miền Tây hạt Maui khiến ít nhất 106 người thiệt mạng, người dân và các nhà sử học vẫn đang thống kê phạm vi tàn phá ở Lahaina, một thị trấn ven biển, từng là thủ phủ của Vương quốc Hawaii đầu thế kỷ 19.
Được chỉ định là một địa danh lịch sử quốc gia vào năm 1962, Lahaina là nơi có tầm quan trọng đối với người Hawaii bản địa. Năm 1810, Vua Kamehameha I thống nhất tất cả các đảo Hawaii và biến thị trấn thành nơi cư trú hoàng gia trong ba thập kỷ tiếp theo.
Sau đám cháy, hàng nghìn ngôi nhà, cơ sở kinh doanh và kho tàng văn hóa nằm trong đống đổ nát, bao gồm một nhà thờ nơi chôn cất các hoàng gia và một cây đa 150 tuổi được cho là lớn nhất ở Mỹ.
Ông Kimberly Flook, Phó Giám đốc điều hành của Tổ chức Phục hồi Lahaina, tổ chức khôi phục và duy trì hơn chục địa danh lịch sử trong khu vực, cho biết: “Lahaina là một trong số ít địa điểm ở Hawaii thực sự quan trọng trong mọi thời đại”.
Theo ông Flook, một số địa điểm lịch sử đã bị thiệt hại do hỏa hoạn nghiêm trọng, bao gồm nhà Baldwin - một khu nhà truyền giáo được xây dựng vào năm 1834, hiện là bảo tàng; Tòa án cũ Lahaina, được xây dựng vào năm 1858... Tình trạng của các địa danh khác vẫn chưa rõ ràng từ các cảnh quay trên mạng xã hội và hình ảnh vệ tinh.
Mặc dù quy mô thiệt hại về con người và văn hóa là không thể tưởng tượng được, song Phó Giám đốc điều hành của Tổ chức Phục hồi Lahaina vẫn hy vọng, thị trấn có thể được khôi phục theo thời gian.
Theo Cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên bang, chi phí để xây dựng lại Lahaina dự kiến hơn 5,5 tỷ USD.
Ông Davianna Pomaika'i McGregor, thành viên sáng lập chương trình nghiên cứu dân tộc tại Đại học Hawaii, Manoa, đồng thời là nhà sử học về Hawaii và Thái Bình Dương, chia sẻ: Lahaina từng là "trung tâm chính trị, kinh tế và trí tuệ rất tích cực" trong suốt thế kỷ 19. Lahaina là thủ đô hoàng gia từ năm 1820 đến năm 1845, trước khi được thay thế bởi Honolulu. Trong những thập kỷ đó, Lahaina đã phát triển thành một trung tâm thương mại toàn cầu với sự xuất hiện của các tàu săn cá voi. Hoàng gia và các tù trưởng được học tại trường trung học Lahainaluna, ngôi trường lâu đời nhất ở phía Tây của dãy núi Rocky; các vị vua và hoàng hậu được chôn cất tại nhà thờ Waiola, nhà thờ Thiên chúa giáo đầu tiên ở Maui.
Năm 1840, Vua Kamehameha III soạn thảo hiến pháp đầu tiên của Vương quốc Hawaii tại trường trung học. Cả hai tòa nhà, được thành lập cách đây khoảng 200 năm, đều bị hư hại trong trận hỏa hoạn.
Ông McGregor nói: “Lahaina đại diện cho những biến đổi mà Hawaii đã trải qua trong nhiều thế kỷ. Các tầng lớp lịch sử được phản ánh thông qua cảnh quan và kiến trúc của nó".
Cháy rừng ở hạt Maui là vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất ở Mỹ trong hơn một thế kỷ, vượt qua con số thiệt hại của vụ cháy Trại năm 2018 ở Paradise, California, khiến 85 người thiệt mạng. Thảm họa đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhà ở đang bùng phát: hơn 2.200 tòa nhà bị phá hủy, gần như tất cả đều là khu dân cư. Có tới 4.500 người đang cần nơi trú ẩn, theo các quan chức hạt Maui.
Kaniela Ing, Giám đốc quốc gia của Green New Deal Network và là người Hawaii bản địa thế hệ thứ bảy, cho biết, nguyên nhân của các đám cháy vẫn đang được điều tra, mặc dù các chuyên gia cho rằng, đám cháy được thúc đẩy bởi thảm thực vật khô, độ ẩm thấp và gió nóng, mạnh từ cơn bão Dora. Nhưng khủng hoảng khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất của thảm kịch.
Lahaina có dân số khoảng 13.000 người. Trong thời hiện đại, các công ty du lịch và các phương tiện truyền thông chủ yếu quảng bá Lahaina như một thiên đường nghỉ dưỡng với các điểm lướt sóng và lặn biển hoàn hảo.