Cháy rừng ở thành phố lạnh nhất thế giới, khói lan sang cả Mỹ
Yakutsk, thủ phủ của CH Yakutia ở vùng Siberia thuộc Nga, là thành phố lạnh nhất thế giới. Tại nơi mà chỉ cần để hở mũi trong những tháng mùa đông là có thể đau tê tái vì lạnh, người dân thường quen với các biện pháp phòng ngừa cái lạnh hơn là cháy rừng.
Theo kênh CNN, vậy nhưng giờ đây, thành phố này đang chìm trong khói bụi cháy rừng sau khi trải qua nhiều tuần nắng nóng. Cháy rừng dữ dội và gió mạnh tới mức khói còn bay tới tận Alaska của Mỹ.
Cháy rừng tại Yakutia nhìn từ trên cao. Ảnh: AP
Ngày 20-7, khói từ đám cháy rừng dày đặc tại Yakutia khiến viên phi công lái máy bay trinh sát Svyatoslav Kolesov không làm việc được. Anh không thể lái máy bay trong tầm nhìn kém như vậy. Kolesov là phi công kinh nghiệm ở vùng Yakutia. Khu vực này tại Siberia dễ bị cháy rừng khi nhiều nơi đều có rừng bao phủ. Tuy nhiên, cháy rừng năm nay rất khác.
Kolesov nói: “Các đám cháy mới đã xuất hiện ở phía bắc Yakutia, ở những nơi mà năm ngoái không có cháy rừng và chưa từng bị cháy trước đó”.
Kolesov đang chứng kiến tận mắt những gì mà các nhà khoa học đã cảnh báo nhiều năm nay. Cháy rừng đang ngày càng lớn hơn, nghiêm trọng hơn và xảy ra ở những nơi chưa từng biết tới cháy rừng.
Ông Thomas Smith, trợ lý giáo sư địa lý môi trường tại Trường Kinh tế London, nhận định: “Mùa cháy rừng đang kéo dài hơn, đám cháy lớn hơn và nghiêm trọng hơn bao giờ hết”.
Nhiều nhân tố, như quản lý đất đai kém, góp phần gây cháy rừng, nhưng biến đổi khí hậu khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Phần lớn châu Âu, miền tây nước Mỹ, miền tây nam Canada và một số khu vực Nam Mỹ trải qua thời tiết khô nóng hơn bình thường trong tháng 6, khiến rừng trở thành mồi lửa.
Cháy rừng ở Yakutia đã thiêu rụi diện tích trên 6,5 triệu mẫu từ đầu năm nay, tương đương 5 triệu sân bóng đá.
Ông Mark Parrington, nhà khoa học cấp cao tại Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus, cho biết Yakutia đang xảy ra những đám cháy cường độ cao liên tục từ những ngày cuối tháng 6 đến nay. Ông cho biết mùa cháy rừng thường kéo dài tới giữa tháng 8, do đó các đám cháy ở Yakutia có thể vẫn tiếp diễn.
Theo ông Smith, mặc dù các khu vực tại Siberia và Canada luôn xảy ra cháy rừng, nhưng điều đáng lo là đám cháy thường xuyên hơn trước rất nhiều. Ông nói: “Ngày xưa, cứ 100 – 150 năm mới có cháy rừng tại một địa điểm, điều đó có nghĩa là rừng hoàn toàn tái sinh, trưởng thành rồi mới xảy ra cháy.
Nhân viên cơ quan bảo vệ rừng Yakutlesresurs tại Yakutia nghỉ ngơi sau khi đào hào ngăn cháy. Ảnh: AP
Còn một số khu vực ở miền đông Siberia xảy ra cháy rừng cứ 10-30 năm một lần. Tại một số nơi, điều này có nghĩa là rừng sẽ không thể trưởng thành và rừng sẽ bị thay đổi hệ sinh thái sang dạng đất toàn cây bụi hoặc đồng cỏ đầm lầy.
Nắng nóng và hạn hán cũng khiến các khu vực mới dễ bị cháy. Tại khu vực Bắc Cực thuộc Siberia, hệ sinh thái lãnh nguyên ở phía bắc khu rừng gây lo ngại nhất. Đây là nơi quá ẩm ướt và băng giá nên thường không thể cháy được. Nhưng trong hai năm qua, có nhiều đám cháy ở hệ sinh thái này, cho thấy mọi thứ đang thay đổi ở đây.
Điều này cũng có ảnh hưởng nghiêm trọng lâu dài tới khí hậu. Tro bụi từ đám cháy cũng có thể thúc đẩy tình trạng ấm lên toàn cầu khi phủ đen các bề mặt băng, làm chúng giảm khả năng phản chiếu bức xạ mặt trời, khiến băng dễ tan hơn.
Các khu vực bị ảnh hưởng do cháy rừng cũng có cả vùng than bùn, nơi chứa nhiều carbon. Ông Parrington nói: “Nếu những vùng này cháy, carbon sẽ bị giải phóng. Hệ tích trữ carbon hàng nghìn năm qua thay đổi sẽ để lại ảnh hưởng nặng nề”.