'Chạy sô' kế hoạch đầu năm mới
Những ngày đầu năm 2024, thay vì dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, có nhiều người đã lên kế hoạch đi du lịch, đi chơi hoặc đăng ký các khóa học. Điều này sẽ không có gì đáng nói, nếu như một số người không 'vắt kiệt sức' vào cuộc vui và những dự định bất tận…
Du lịch đến kiệt quệ
Nguyễn Yến My (28 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, Tết Dương lịch năm nay, cô đã xin nghỉ sớm hai ngày để kịp chuyến bay khởi hành chuyến đi đến Phú Quốc. Yến My cho biết, chuyến du lịch đã được cô chuẩn bị từ tháng 10. My sẽ dành ba ngày nghỉ dưỡng ở Phú Quốc và bay về Hà Nội trong đêm để tiếp tục tham dự cuộc họp lớp hai ngày một đêm trên Ba Vì: “Tết âm lịch, tôi phải về quê với bố mẹ, nên tôi tranh thủ đợt nghỉ lễ dài ngày này thực hiện những kế hoạch đã ấp ủ từ lâu”.
Chi phí cho hai chuyến đi của cô rơi vào khoảng 50 triệu, nhưng tiền bạc không phải vấn đề, vì My muốn cho mình những trải nghiệm của tuổi trẻ. Khi được hỏi, liệu đi nhiều như vậy, Yến My có mệt không, cô tâm sự: “Mệt chứ, ngoài việc mất thời gian săn vé giá rẻ, đặt khách sạn, chuẩn bị đồ đạc. Mỗi lần đến các địa điểm du lịch, tôi phải cố ăn cho bằng hết, ngắm nghía mọi thứ, vì chẳng biết bao giờ mới quay trở lại lần hai”. Cô cũng chia sẻ thêm, do công việc quá bận, nên trong năm, cô chỉ sử dụng được ngày Tết Dương lịch và các kỳ nghỉ lễ khác để đi chơi xa.
Thực tế, hiện nay, một bộ phận lớn người trẻ đều mong muốn được trải nghiệm những vùng đất mới, đồi núi, biển đảo, cảnh đẹp trong và ngoài nước. Nhưng vì thời gian eo hẹp do trong năm họ bận làm việc, chăm sóc gia đình, nên rất nhiều người chạy “sô” đi du lịch vào những dịp đặc biệt. Cứ đến các ngày lễ, họ lại vội vàng xách balo, đặt vé đi một lúc vài ba nơi. Điều này không có gì đáng nói, nếu như một số người trẻ sau những chuyến đi bị kiệt quệ cả về tinh thần và sức khỏe.
Chị Lê Dung Lan (40 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, những kỳ nghỉ lễ là khoảng thời gian “kinh hoàng” đối với chị, khi phải suy nghĩ, tìm địa điểm đưa các con đi chơi. Có những ngày, chị làm “tài xế” ô tô, chở hai con đi quanh thành phố Hà Nội, ra ngoại tỉnh cắm trại, rồi quay về ngay sáng sớm hôm sau để đưa các con đi xem triển lãm: “Trong năm, bố mẹ bận đi làm, con cái học thêm, học chính trên trường, thời gian ngủ có khi còn không đủ. Cho nên, cứ đến kỳ nghỉ, tôi và chồng tranh thủ đưa các con đi chơi giải tỏa căng thẳng. Ngày nghỉ quá ít, nên vừa chơi, vừa lo tìm các khu triển lãm, hội chợ,… để bồi dưỡng tri thức”, chị Lan nói.
Chị Dung Lan chia sẻ một kỷ niệm mà chị nhớ nhất, vào Tết Dương lịch năm ngoái. Trong một ngày, chị lái xe từ Hà Nội đến Hải Phòng, rồi liên tục cho các con đến những khu vui chơi ăn uống. Sau kỳ nghỉ, chị bị sốt cao liên tục vài ngày và phải vào viện truyền nước vì kiệt sức.
Ngoài việc “chạy sô”, nhiều người lại tự khiến cho mình mệt mỏi vì chọn sai cách thức đi du lịch. Đơn cử như trường hợp của Trần Ly Ly (30 tuổi, Nam Định) chia sẻ, cô nghe lời người bạn thân rủ rê, nên bắt xe lên Hà Nội để đi phượt trong dịp nghỉ Tết Dương lịch năm ngoái. Ly Ly nói: “Đến giờ, tôi sợ, không dám đi phượt nữa”. Ly Ly có trải nghiệm đi hơn 4 tiếng đồng hồ đến Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Việc ngồi xe liên tục, căng thẳng khi lái xe, đổ đèo, leo dốc, làm cho chuyến đi trở thành nỗi sợ hơn là những trải nghiệm vui vẻ.
Ly Ly nhớ lại: “Ngồi xe liên tục, khiến hai bắp chân và phần hông, lưng của tôi đau điếng. Khi leo dốc, đổ đèo tôi chỉ cầu cho mình bình an, lên đến nơi mà chân còn run lẩy bẩy. Lúc về, tôi suýt nữa đã bật khóc vì mệt mỏi”. Sau trải nghiệm đáng nhớ này, Ly thường suy nghĩ, cân nhắc rất kỹ càng trước khi đưa ra các quyết định. Năm nay, Tết Dương lịch cô chọn ở nhà với bố mẹ, mua sắm đồ đạc và dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị cho Tết Giáp Thìn 2024 sắp tới.
Việc đi du lịch vào ngày nghỉ là một trải nghiệm tuyệt vời. Nhưng mỗi người cần có suy nghĩ, tính toán để không biến những ngày lễ trở thành cuộc “chạy sô” khiến cả tinh thần và thể chất mệt mỏi, uể oải.
Những dự định không có hồi kết
Một điểm đáng lưu ý của năm mới, là những kế hoạch “thay đổi” bản thân dài “miên man” của rất nhiều người. Đó có thể là đăng ký khóa tập thể dục, khóa học, hoặc làm một dự định, tốt đẹp, thói quen lành mạnh,… Câu chuyện của Hoài Trâm (25 tuổi, Cổ Nhuế, Hà Nội) sẽ cho thấy điều này: “Tôi vừa mua một gói tập thể dục một năm trị giá 10 triệu, hai khóa học online về chữa lành và tiếng Anh”, Trâm nói.
Đây đã là năm thứ 2 Hoài Trâm “xây dựng” lối sống lành mạnh cho bản thân. Năm ngoái, cô mua thẻ bơi một năm trị giá 7 triệu và khóa học Ielts hơn 10 triệu đồng, nhưng Trâm vẫn chưa bao giờ xuất hiện ở các lớp học này. Trâm tâm sự, cô bỏ ra một số tiền như vậy với hy vọng có động lực đi học vì tiếc tiền. Đặc biệt, cuối năm, các gói khuyến mại liên tục được quảng cáo với lời lẽ hấp dẫn, khiến Trâm “bùi tai” quyết định chi tiền dù biết khả năng cao mình sẽ không vượt qua được sự lười biếng: “Thẻ tập kích hoạt từ cuối năm, tôi cho mình nghỉ ngơi, chơi hết tháng 12 rồi sang tháng 1 sẽ thay đổi”. Trâm tự tin trả lời, nhưng câu nói của cô khiến mọi người đều phải ái ngại.
Cũng giống như Hoài Trâm, Quỳnh Nhi (22 tuổi, Hà Nội) đã chuẩn bị đón năm mới bằng việc đăng ký bốn khóa học. Vốn là một sinh viên năm cuối, Nhi có nhiều thời gian rảnh, cô chọn học một lớp tiếng Anh, một lớp tiếng Pháp, một lớp võ cổ truyền và một lớp học online viết Content. Tổng số tiền Nhi xin bố mẹ “hỗ trợ” đã lên đến con số 30 triệu. Nhìn lịch học kín mít của cô, thêm với thời gian làm luận văn, Quỳnh Nhi bận rộn không khác nào một học sinh đang chuẩn bị thi cho kỳ thi chuyển cấp. Khi được hỏi tại sao lại lựa chọn như vậy, Quỳnh Nhi cho biết: “Tôi rất sợ lối sống nhàn rỗi, cho nên dù không biết có học được hết các khóa không, nhưng tôi vẫn đăng ký, học được đến đâu thì học”.
Một sự thật, vào đầu năm mới, đầu tháng mới, tuần mới là thời gian mọi người lên kế hoạch, dự định tốt đẹp nhất cho cuộc sống của mình. Vài năm trước đây, trên Tạp chí Y học Dự phòng Hoa Kỳ, đã có một bài nghiên cứu mang tên “Ngày nào là ngày lành mạnh nhất?”, thông qua trang Google, các nhà nghiên cứu phát hiện đó là ngày đầu tuần, đầu năm, đầu tháng. Khi mọi người cố gắng thay đổi bản thân, học tập thói quen tốt cho sức khỏe, trí tuệ.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, những người trẻ có xu hướng thích “bận rộn”, cho nên họ học mọi thứ, đăng ký mọi thứ với suy nghĩ “nhỡ đâu cần thì sao?”. Đầu năm, khi các gói học tập được giảm giá, khuyến mại, quảng cáo hấp dẫn ở trên mạng, họ không cần ngại chi hàng chục triệu để mua. Dù có thể, trong cả năm tiếp theo, những “học viên” này không bao giờ xuất hiện trong lớp học.
Bên cạnh những người đăng ký quá nhiều lớp học, còn có một số người viết ra những dự định dài bất tận, rồi tự áp lực vì không thể thực hiện được trong thời gian ngắn. Trần Đức Trí (30 tuổi, Hải Phòng) cho biết, hiện tại, cân nặng của anh là 80kg, nhưng chiều cao chỉ có 1m65, anh rất tự ti với vẻ bề ngoài. Cuối năm 2023, Đức Trí đã viết ra một bản danh sách dài việc cần làm từ chăm sóc da mặt đến tập gym, ăn uống khoa học để “tăng cơ, giảm mỡ”. Anh cũng tích cực đến phòng tập dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên, tuy nhiên, Trí chia sẻ: “Tôi quyết tâm giảm 20 cân trong 1 tháng để đón Tết. Hiện tại, do ăn uống quá kiêng khem, tập nặng liên tục, khiến tôi rơi vào trạng thái kiệt sức. Mỗi lần đến phòng tập, tôi đều cảm thấy chán nản, vì số cân giảm quá chậm”.
Ngược lại với Đức Trí, Nam Anh (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh đã lập một bản danh sách việc cần làm, sau khi nghỉ việc để theo đuổi “đam mê”. Nam Anh quyết tâm học đàn, theo đuổi ước mơ từ nhỏ của anh. Đồng thời, anh lên kế hoạch sẽ học 50 từ mới tiếng Anh mỗi ngày. Để bảo đảm sức khỏe, trên bảng biểu của Nam Anh cũng ghi mỗi ngày phải chạy 1 vòng hồ (tương ứng 800m). Tiếp theo, anh sẽ tập ăn chay, ngủ sớm, dậy sớm. Đặc biệt, anh còn “thúc ép” mình phải đọc hết 1 cuốn sách mỗi tuần. Chỉ riêng những ngày cuối năm, bạn bè đều phát hoảng, khi nhìn thấy Nam Anh với đôi mắt thâm quầng, người mệt phờ phạc do chưa quen ngủ sớm, dậy sớm, ăn chay và chạy bộ liên tục. Anh cho biết: “Tôi chưa bao giờ tự nấu ăn, nên ăn chay là công cuộc tương đối khó. Việc ép mình đọc một quyển sách cho kịp tiến độ khiến tôi cảm thấy vô cùng áp lực. Đặc biệt, việc tập đàn cũng không giống như “giấc mơ” thuở thơ ấu của tôi”. Hiện tại, Nam Anh vẫn đang cố gắng duy trì thói quen lành mạnh này, hy vọng sẽ sớm có kết quả khả quan trong tương lai.
Thực tế, việc hướng đến một lối sống lành mạnh, khỏe khoắn là rất tốt. Tuy nhiên, không thể nào ép bản thân thay đổi trong một, hai ngày được. Chính vì vậy, trước khi lên các kế hoạch, dự định to lớn vào cuối năm. Những người trẻ cần suy nghĩ thật kỹ, từng bước thực hiện để có thể đạt được “thành tựu” tốt nhất.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chay-so-ke-hoach-dau-nam-moi-post500537.html