Cháy tàu chở dầu trên Vịnh Oman: Mỹ không muốn xảy ra xung đột mới tại Trung Đông
Quân đội Mỹ không muốn dính líu vào một cuộc xung đột mới tại Trung Đông, song sẽ bảo vệ các lợi ích quốc gia, trong đó có hoạt động tự do hàng hải.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ điều một tàu khu trục tới hiện trường xảy ra sự cố được cho là "một vụ tấn công" nhằm vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman ngày 13/6.
Trong một tuyên bố, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết tàu khu trục USS Mason đang trên đường tới hiện trường xảy ra vụ việc, gây thiệt hại cho hai tàu chở dầu trên. Trong khi đó, tàu khu trục USS Bainbridge vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với tàu chở dầu M/V Kokuka Courageous bị tấn công và sẽ không làm ngơ trước mọi hành động can thiệp.
Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Trung tá Earl Brown, nhấn mạnh các vụ việc trên "là một mối đe dọa rõ ràng đối với tự do hàng hải và tự do thương mại quốc tế". Ông tuyên bố Mỹ và các đối tác trong khu vực "sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để tự vệ và bảo vệ các lợi ích của chúng tôi", song khẳng định một cuộc chiến với Iran không nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ cũng như lợi ích của cộng đồng quốc tế.
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Mỹ đưa tin các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ rằng nước này hiện đang thảo luận với các đồng minh về một loạt các lựa chọn đối với việc bảo vệ các tàu vận chuyển quốc tế ở Vịnh Oman sau vụ vấn công hai tàu chở dầu trên.
Hai quan chức giấu tên cho biết Mỹ muốn đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Eo biển Hormuz và đảm bảo thương mại quốc tế không bị gián đoạn khi khẳng định: "Chúng tôi đang thảo luận và sẽ thảo luận với các đối tác và đồng minh các đề xuất về cách thức cùng thực hiện các bước để đảm bảo, đầu tiên là duy trì tự do hàng hải và đảm bảo thương mại quốc tế không bị gián đoạn, và thứ hai là bảo vệ lợi ích và tài sản thương mại các lực lượng của chúng tôi và của các đối tác cũng như đồng minh".
Nguồn tin cũng nhận định rằng các cuộc tấn công nhằm mục đích chính trị và có thể là một nỗ lực nhằm phá vỡ chuyến thăm tới Tehran của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đồng thời cho rằng có khả năng các cuộc tấn công sẽ tiếp tục xảy ra.
Trước đó, tàu chở dầu Front Altair của công ty vận tải Na Uy đã bị bốc cháy sau khi bị tấn công khi đang trên đường từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc).
Chiếc tàu thứ hai là Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành cũng bị bốc cháy khi đang trên đường từ một cảng của Saudi Arabia đến Singapore.
Mỹ đã đổ lỗi cho Iran đứng sau vụ việc, song Tehran kiên quyết bác bỏ, cho rằng cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ". Sự cố trên, xảy ra đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản đang ở thăm Iran với sứ mệnh làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Iran với Mỹ, đang khiến dư luận lo ngại xung đột ở Trung Đông sẽ leo thang.