Cháy tàu ở vịnh Oman: Chiến tranh Mỹ-Iran cận kề?

Việc hai tàu chở dầu bị tấn công tại vịnh Oman ngay trong thời điểm hết sức nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran làm nguy cơ xảy ra chiến tranh trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.

Hôm 13-6, hai tàu chở dầu bị tấn công hai lần bằng ngư lôi và bốc cháy dữ dội trên vùng biển thuộc vịnh Oman. May mắn là thủy thủ đoàn trên tàu đều an toàn, chỉ có một số trường hợp thương tích nhẹ. Việc dùng ngư lôi tấn công tàu chở dầu tại vịnh Oman ngay trong thời điểm hết sức nhạy cảm giữa Mỹ và Iran làm nguy cơ xảy ra chiến tranh trở nên rất rõ ràng.

Ai tạo ra cuộc tấn công?

Theo hãng tin Bloomberg, nếu vụ tấn công được xác minh và có bất kỳ sự dính líu nào với Iran, việc này có thể làm phức tạp thêm căng thẳng giữa Tehran và Washington. Bởi lẽ các nhóm tàu sân bay của Mỹ đang hoạt động ở Ấn Độ Dương từng tuyên bố sẵn sàng đáp trả bất kỳ biến cố nào trong khu vực.

Hôm qua (14-6), Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đích danh Iran đứng sau vụ tấn công. “Những hình ảnh chụp tàu bè tại hiện trường cho thấy Iran đã thực hiện các vụ tấn công nhắm vào tàu dầu… Iran không thể đóng cửa eo biển Hormuz trong thời gian dài” - ông Trump trả lời hãng tin Fox News.

Một ngày trước đó (13-6), tờ The Wall Street Journal dẫn lời ông Pompeo cũng nói chính Iran là thủ phạm gây ra vụ tấn công. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng mục đích của vụ tấn công trên là hành động thù địch. Đồng thời, nhiều nhà phân tích cho rằng Iran dường như đang tìm cách chứng minh rằng họ có thể làm bất ổn thị trường dầu mỏ trên thế giới mà “không để lại dấu vân tay” để Mỹ có thể tạo cớ trả đũa bằng quân sự.

Ông Jack Watling, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia ở London (Anh), cho biết chính vì các cuộc tấn công xảy ra rất mơ hồ nên chúng sẽ không đủ để tạo thành một cái cớ gây ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran.

Một ngày sau vụ tấn công, Mỹ tung ra đoạn video ghi lại hình ảnh lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đang gỡ một số vật thể bên hông tàu chở dầu Kokuka Courageous bị tấn công. Chúng được cho là các quả mìn chưa phát nổ, đài CNN đưa tin. Phía Mỹ gọi đó là “bằng chứng” để cáo buộc Iran. Ông Pompeo khẳng định rằng “không thể có nhóm vũ trang nào (ngoại trừ Iran) hoạt động trong khu vực có đủ khí tài và sự thành thạo để hành động ở mức độ tinh vi như vậy”.

Một trong hai chiếc tàu chở dầu bị tấn công và bốc cháy trên vịnh Oman. Ảnh: REUTERS

Một trong hai chiếc tàu chở dầu bị tấn công và bốc cháy trên vịnh Oman. Ảnh: REUTERS

Đáp lại các cáo buộc của Mỹ và một số nước thân Mỹ, giới chức Iran cho rằng các cuộc tấn công chính là một âm mưu phức tạp đến từ các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia, UAE hoặc Israel. Iran cho rằng nhóm đồng minh muốn thúc giục Washington sử dụng cách tiếp cận “cứng rắn” hơn với Iran, theo tờ New York Times. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 14-6 đã viết trên Twitter cá nhân, lên án các cáo buộc của Mỹ là một phần của chiến thuật “ngoại giao phá hoại và che giấu cuộc khủng bố kinh tế” mà Mỹ tạo ra để “nhằm vào Iran”.

Căng thẳng Mỹ-Iran cũng xảy ra dữ dội tại Liên Hiệp Quốc trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Tờ New York Times đã đăng tải phát biểu của Quyền Đại sứ Mỹ Jonathan Cohen nói với các thành viên khác rằng chính Iran đứng sau các cuộc tấn công. Phản pháo lại phía Mỹ, phía Iran cảnh báo Mỹ và các đồng minh phải chấm dứt ngay các hoạt động hoặc âm mưu tinh quái, cũng như các hoạt động ném đá giấu tay trong khu vực.

Vụ tấn công ở vịnh Oman hôm 13-6 nghiêm trọng hơn nhiều so với các cuộc tấn công trước đó. Hồi tháng 5-2019, bốn tàu chở dầu khác cũng đã bị tấn công gần cảng Fujairah, thuộc vùng biển của UAE.

Gia tăng nguy cơ chiến tranh

Hôm 13-6, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc với vụ nổ tàu và lo ngại vụ tấn công này có thể dẫn đến sự leo thang của quân đội Mỹ-Iran.

Sự lo lắng trên xuất phát từ sự phụ thuộc chung vào các tuyến vận chuyển dầu mỏ dễ bị tổn thương ở vùng vịnh Ba Tư. Các tuyến hàng hải này luôn là đối tượng của các hành vi thù địch giữa các nước đối đầu. Tầm quan trọng của dòng chảy dầu mỏ đi qua khu vực được thể hiện qua hiện diện quân sự tích cực của Mỹ trong khu vực.

Theo tờ New York Times, sự thù địch giữa Washington và Tehran bắt đầu tăng lên một năm trước khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc nhằm hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran. Mỹ còn ban hành lệnh trừng phạt kinh tế với đất nước 80 triệu dân này.

Sau đó, ông Trump tiếp tục đưa ra các yêu cầu Iran thay đổi chính sách đối với khu vực. Hồi tháng 4-2019, chính quyền Mỹ đã tăng áp lực bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với ngành dầu mỏ của Iran, khiến ngành kinh tế huyết mạch của nước này phải rơi vào thế khó khăn. Trầm trọng hơn, ông Trump cũng liệt lực lượng Vệ binh cách mạng tinh nhuệ của Iran vào danh sách các nhóm khủng bố. Sang tháng 5, chính quyền Trump tuyên bố họ sẽ điều động một nhóm tàu s ân bay tới vịnh Ba Tư để ngăn chặn.

Đáp lại động thái trên, các nhà lãnh đạo Iran đã đe dọa sẽ chặn eo biển Hormuz, một điểm yết hầu ở vịnh Ba Tư. Động thái này nhằm kiểm soát việc lưu thông dầu mỏ đến Mỹ và các nước phương Tây. Iran cũng đã thực hiện các bước ban đầu để mở rộng khả năng làm giàu uranium. Cùng với đó, một số đồng minh của Iran trong khu vực đã đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các đồng minh của Washington, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Trong hai tàu chở dầu bị tấn công, một tàu tên là Kokuka Courageous, treo cờ Panama, thuộc Tập đoàn Schulte có trụ sở tại Hamburg (Đức). Tàu này chở theo 21 thủy thủ đang trên đường di chuyển tới Singapore, theo hãng tin Reuters.

Tàu chở dầu còn lại mang tên Front Altair, treo cờ của quần đảo Marshall. Ngay sau khi bị trúng ngư lôi, tàu này đã phát tín hiệu cấp cứu về cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Con tàu đang chở đầy dầu thô xuất phát từ TP Abu Dhabi (UAE) và thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí Na Uy Frontline Ltd.

KIM NGUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chay-tau-o-vinh-oman-chien-tranh-myiran-can-ke-840106.html