Chạy trốn kỳ vọng của mẹ
Người phụ nữ trung niên chạy xuống đón An với dáng vẻ sốt sắng. Cậu ngây ra một lúc rồi mới cất lên được 3 tiếng: 'Cháu chào cô'.
GD&TĐ - Người phụ nữ trung niên chạy xuống đón An với dáng vẻ sốt sắng. Cậu ngây ra một lúc rồi mới cất lên được 3 tiếng: “Cháu chào cô”.
Người phụ nữ ấy tên Sương, là chủ phòng trọ mà một người bạn giới thiệu cho An. Vừa leo cầu thang, cô vừa tranh thủ giới thiệu: “Cháu mới đến đây, có gì chưa quen cứ hỏi cô, cô ở nhà suốt ngày ấy mà. Nhưng cô sẽ không làm phiền không gian riêng của cháu đâu”.
An hiểu ra vấn đề, cậu gật gật: “Dạ! Có lẽ thi thoảng cháu sẽ làm phiền cô đấy ạ, vì cháu hay làm nhạc lúc khuya, nhưng cháu sẽ cố gắng để cô không bị mất ngủ”.
Chỉ còn vài bậc nữa là bước tới căn hộ, cô Sương chợt dừng lại, trân trối nhìn An: “Cô xin lỗi vì hỏi điều này, nhưng tại sao một cậu bé như cháu phải đi thuê phòng trọ để ở riêng? Có phải… bố mẹ cháu không tạo điều kiện cho cháu theo đuổi nghệ thuật không?”.
Ánh mắt buồn giấu sau hàng mi dày của An đã trả lời tất cả, cô Sương thở dài, xoa dịu cậu: “Haiz, cô biết ngay mà. Người lớn nhiều khi cũng thật là… Con trẻ đam mê cái gì thì cứ để nó trải nghiệm cho thỏa thích chứ lại. Càng cấm đoán càng phản tác dụng”.
Chưa ở cùng cô Sương ngày nào nhưng chỉ sau màn đối thoại này, An đã hiểu vì sao những vị khách từng thuê trọ nhà cô đều để lại phản hồi tốt. Cô là người rất dễ gần và dễ mến, khác hẳn với sự lạnh lùng đáng sợ của một người mà An không muốn nhắc đến lúc này.
Sự chu đáo của cô khiến An xúc động đến nghẹn lời: “Cháu,… cháu cảm ơn cô ạ”. Cô Sương dường như không thể ngừng cười từ lúc gặp An: “Không việc gì phải ngại, cô rất hiểu và thương những người trẻ như cháu. Cô ở một mình nhưng chẳng có lúc nào để buồn cả, vì hễ khách này trả phòng lại có khách khác đến, mà khách nào đến nhà cô cũng dễ thương cả”.
Tiếng chuông cắt ngang câu chuyện của cô Sương, An rút ra chiếc điện thoại từ trong túi quần, nhìn dãy số trên màn hình rồi lạnh lùng chọn “Từ chối cuộc gọi”. Dãy số này gọi cho An không biết bao nhiêu lần kể từ khi cậu quyết định ra khỏi nhà.
Dường như cô Sương cảm nhận được sự bối rối của An, cô nhanh nhẹn thu xếp một vài đồ dùng cá nhân còn sót lại trong phòng rồi trả lại không gian yên tĩnh cho An.
Còn lại một mình trong căn phòng lạ lẫm. An thở hắt ra một tiếng, thấy dễ chịu hơn hẳn. Cậu buông mình xuống chiếc giường được trải tấm drap trắng muốt, đôi mắt buồn của cậu hướng vào thinh không.
Dãy số lạ tiếp tục “tra tấn” điện thoại của An. Cậu nhổm dậy, chọn chế độ “Máy bay”, cố gắng khép đôi mi nặng trĩu vì thiếu ngủ trong một thời gian dài. Chiếc giường mềm bỗng tỏa ra thứ hương thơm vừa giống ngọc lan tây, vừa giống hương vỏ quế, chầm chậm đưa An chìm vào giấc ngủ.
***
Tiếng gõ cửa dồn dập khiến An không thể nhớ nổi nốt nhạc tiếp theo là gì. Những ngón tay cậu dường như đóng băng trên bàn phím piano.
Cửa vừa hé mở, người phụ nữ trung niên bước vào, không phải cô Sương, mà là mẹ cậu. “Tại sao con lại khóa cửa? Con không định ăn uống gì à? Mẹ cấm con chơi nhạc là vì thế đấy. Thời gian này con phải tập trung vào việc học văn hóa rồi thi cho tốt, đừng bay bổng với mấy cái thứ nghệ thuật vớ vẩn nữa, nó chẳng thực tế chút nào cả?”.
Đam mê của An trong mắt mẹ chỉ là thứ vớ vẩn. Cậu đã quá quen với những câu nói mang tính sát thương nặng nề như vậy, nên gần như cậu không phản ứng gì cả, chỉ im lặng chờ mẹ nói cho chán rồi ra ngoài.
Nhưng lần này, bà không chỉ vào phòng để nói những lời khiến cậu tổn thương mà còn ném lên bàn học của cậu một tập giấy: “Đây là tài liệu nghiên cứu mẹ phải nói khéo với bạn mẹ để bác ấy cho con mượn, không phải ai cũng có được những kiến thức quý giá như thế này đâu. Con phải trân trọng từng câu từng chữ trong này mới được”.
An gần như không muốn nghe mẹ cậu nói thêm câu nào nữa: “Con nói với mẹ bao nhiêu lần rồi, con không muốn đi du học, con không phù hợp với công việc kinh doanh của mẹ đâu, con không thể làm được”.
“Tại sao con không chịu hiểu lời mẹ nói nhỉ? Dăm ba cái nghệ thuật không thể mang lại cho con cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc đâu. Rồi con sẽ sáng mắt ra”.
An giận run người, cậu lao ra khỏi nhà mà chẳng cần biết điểm đến sẽ là nơi nào. Mẹ An lúc nào cũng mang đến điều kiện tốt nhất cho cậu, nhưng lại không phải là những thứ cậu mong muốn. Trong mắt bà, âm nhạc của cậu chỉ là “thứ vớ vẩn”.
***
Biết An sẽ không nghe máy nên mẹ cậu dùng số lạ để “truy tìm”. Nhưng An thừa hiểu toan tính của mẹ, cậu nhất định không nghe, cũng không trả lời tin nhắn.
An tỉnh dậy đúng giờ ăn tối sau giấc mơ sống động như thật. Cậu dụi mắt, nhìn vào tấm gương lớn phía đối diện chiếc giường, tự ngắm nhìn khuôn mặt mệt mỏi của mình. Cuộc sống mới của cậu đã thực sự bắt đầu. An mở điện thoại, đặt chế độ nhắc việc: “Nhắn cho mẹ trước 23 giờ”.
Tiếng “cộc cộc” phía bên kia cánh cửa vang, sau đó là giọng cô Sương: “Ra ăn cơm đi cháu”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/chay-tron-ky-vong-cua-me-bOs1Smy7R.html