Chạy xe máy dọc Việt Nam gần 3 tháng để... viết hơn 100 bài báo

Với đam mê, nhiệt huyết và tuổi trẻ, hai nhà báo Quách Dương, Trần Hòa đã có những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ và sẵn sàng lên đường đến bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S. Dù 6 năm đã trôi qua nhưng chuyến đi tác nghiệp đáng nhớ ấy khiến các anh không thể quyên.

Nhà báo Quách Dương cùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên (ảnh nhân vật cung cấp).

Nhà báo Quách Dương cùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên (ảnh nhân vật cung cấp).

Lên đường vì đam mê, nhiệt huyết

Hai nhà báo Quách Dương và Trần Hòa đều sinh năm 1986, công tác tại Báo Khoa học và Đời sống và thường xuyên viết những phóng sự, ghi chép những chuyện kỳ bí của cuộc sống. Chuyên mục "Dọc đường gió bụi" của báo cũng là mảnh đất màu mỡ để hai cây bút tung hoành ngang dọc. Chính vì vậy, để có những bài viết hay, hấp dẫn cũng như thu hút bạn đọc, cả hai phải lặn lội khắp các nẻo đường tìm đề tài cũng như thâm nhập thực tế để có tư liệu tốt.

Nhà báo Quách Dương cho hay: "Thời sinh viên, tôi từng có ước mơ chạy xe máy từ Bắc đến Nam để thâm nhập những miền đất mới lạ. Nhưng cuộc sống sinh viên còn nhiều khó khăn, vất vả nên mãi sau này khi đi làm thì ước mơ ấy mới thực hiện được. Và chuyến đi ấy được Ban biên tập báo ủng hộ cũng như chu cấp một số tiền nhất định để chúng tôi trang trải chi phí với hi vọng có những bài viết hay, hấp dẫn bạn đọc".

Khi được Ban biên tập đồng ý, nhà báo Quách Dương và người đồng nghiệp Trần Hòa bắt đầu lên đường. Chuyến đi đáng nhớ ấy kéo dài từ đầu tháng 10 và kết thúc cuối tháng 12/2013 đã khiến cả hai có trong tay trên 50 bài viết phục vụ bạn đọc cùng những kỷ niệm đẹp đẽ. Bên cạnh đó là sự trải nghiệm, sự nhiệt huyết, tuổi trẻ của chính hai nhà báo.

"Chúng tôi quyết định lộ trình di chuyển bằng xe máy. Xuất phát từ Hà Nội, di chuyển theo Quốc lộ 1A. Còn lúc về thì lựa chọn đường Hồ Chí Minh. Di chuyển từ sáng, đến địa phận Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thì bất ngờ gặp lũ lớn, nước ngập đến nửa bánh xe nhưng chúng tôi vẫn quyết định đi tiếp. Tuy nhiên, khi đến địa phận Hoàng Mai (Nghệ An) thì lũ dâng quá cao, không thể đi tiếp, chúng tôi đành quay lại Thanh Hóa nghỉ chân. Sau đó, phải mất hơn nửa ngày từ Thanh Hóa mới di chuyển đến được địa phận Nghệ An.

Đến ngày thứ hai, chúng tôi bắt đầu di chuyển đến địa phận Quảng Bình. Qua khu vực Đèo Ngang do ảnh hưởng của cơn bão vẫn còn, trong khi di chuyển trên đường bằng xe máy bị gió và mưa thổi mạnh đến mức tưởng chừng hất tung hai anh em. Khổ hơn nữa là việc chạy xe máy suốt mấy chục kilomet trên đường không một bóng người khiến cả hai rất lo. Dù vẫn biết chuyến đi gặp nhiều khó khăn, trắc trở nhưng bản thân tôi và đồng nghiệp lại không nghĩ rằng trong ngày đầu tiên di chuyển đã gặp quá nhiều khó khăn đến vậy", anh Dương kể lại.

Những lần gặp gỡ ám ảnh suốt đời

Nhà báo Quách Dương.

Nhà báo Quách Dương.

Với phương thức đi đến đâu viết bài đến đó và quan trọng nhất là tìm hiểu gặp gỡ được những trường hợp, đề tài hay, vào đến Huế, hai nhà báo quyết định ghé thăm làng Phú Gia (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Anh Dương kể: "Đây là ngôi làng từ lâu được nhiều người biết đến khi có hàng chục người đang lành lặn bỗng hóa điên... Xóm Chùa, làng Phú Gia chỉ vỏn vẹn 22 hộ dân nhưng có tới 8 hộ với trên 23 người mắc bệnh tâm thần. Tại làng Phú Gia có gia đình 3 người thì 2 người mắc bệnh tâm thần. Đến bây giờ chúng tôi vẫn ám ảnh. Quá thương cho những số phận trong ngôi làng ấy, tôi và đồng nghiệp đã quyết định sử dụng một phần lớn số tiền mang theo biếu người dân trong làng".

Rời Phú Lộc cũng là lúc cả hai bắt đầu hết tiền. Lúc này, các anh không dám chi tiêu nhiều. Thậm chí, mỗi ngày chỉ ăn suất cơm 25.000 đồng và "được phép" uống 3 lần trà đá. "Hai anh em vào quán cơm. Tôi vốn tính phóng khoáng nên gắp liền đôi miếng thịt gà luộc nhưng bị đồng nghiệp véo vào tay nhắc nhở ngay do vượt quá chỉ tiêu 25.000 đồng", anh Dương nói. Chính vì vậy, dù chưa đặt chân đến mảnh đất Tây Nguyên như kỳ vọng nhưng tiền trong túi đã cạn nên các anh quyết định gọi điện ra Hà Nội "xin" chi viện.

Chia sẻ thêm về chuyến đi, anh Dương cho hay: "Cả hai đi đến đâu viết bài đến đó nên có khi mỗi nơi ở 2 - 3 ngày, nếu không tìm thêm được đề tài nào nữa thì lại đi tiếp. Chúng tôi cố gắng tìm những thứ lạ lẫm, mới mẻ. Hễ thấy chỗ nào lạ là mò vào hỏi thăm, đủ tư liệu thì làm thành bài, rồi lại đi".

Đến cuối tháng 10, di chuyển đến Đông Nam bộ cả hai lại gặp sự cố vô cùng hi hữu khi bị lạc đường trên Thủy điện Đồng Nai 3. Anh Dương kể lại: "Giữa trưa, chúng tôi may mắn tìm được một bến đò vắng. Bến đò chỉ có một phụ nữ. Hai anh em thỏa thuận nhờ chở qua thủy điện Đồng Nai 3 trở ra Đắc Lắk. Ấy vậy mà người phụ nữ lại cuống quýt van xin vì tưởng chúng tôi là cướp. Đến bờ Bắc thủy điện Đồng Nai 3, người phụ nữ mới ôm ngực thở phào nhẹ nhõm".

Đến giữa tháng 11/2013, hai nhà báo di chuyển qua địa phận Kom Tum gặp mưa to gió lớn. "Đường không có bóng xe cộ di chuyển. Mưa rất to, đất và những tảng đá to như cái bàn cứ lao từ trên núi xuống ven đường. Không tìm được chỗ trú mưa, tôi và đồng nghiệp đi liều cả trăm kilomet ra tỉnh Quảng Ngãi. Lúc này, người dân vùng núi đào lỗ vào lòng đất như chuột để tránh lũ lụt. Chúng tôi vào đó trú nhờ", anh Dương nói. Cuối tháng 12/2013, khi trở ra đến Hà Tĩnh, trong túi hai người không còn một đồng nên đã chạy một mạch từ Hà Tĩnh từ 7h sáng đến 5h chiều đặt chân đến Hà Nội.

Ngoài chuyến đi đáng nhớ ấy trong đời, nhà báo Quách Dương cũng từng đặt chân đến nhiều vùng sâu xa, hẻo lánh của các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt, những chuyến đi anh đều độc hành trên chiếc xe máy. "Có lần đi làm điều tra lâm tặc tại huyện Mường La (Sơn La), trong túi tôi chỉ có nắm cơm nếp thiu. Anh thanh niên dẫn đường phải nướng giòn như cơm cháy rồi mới bóc ra ăn. Chuyến này tôi bị lạc 2 ngày. Khi hết cơm ăn thì phải đào củ sâm đất, gọt vỏ ăn sống. Có lúc đói quá, thấy cây táo mèo liền lao vào vặt ăn. Ôi mẹ ơi! Ăn xong thì chát và khát rã họng. Họng khô đét, trong khi đi bộ hàng chục kilomet vẫn không gặp suối để lấy nước uống", anh Dương kể.

Mọi người vẫn thường nói "Cuộc đời là những chuyến đi" quả không sai, nhưng bản thân nhà báo Quách Dương luôn chọn cho mình những chuyến đi đầy gian nan, khổ cực và sự trải nghiệm không thể nào quên. Dù biết chắc chắn sự khổ cực, thậm chí nguy hiểm nhưng với anh, tuổi trẻ không bao giờ trở lại nên hãy cứ đam mê theo những gì mình thích.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chay-xe-may-doc-vietnam-gan-3-thang-de-viet-hon-100-bai-bao-20190626155400943.htm