Chế Á tự lực vươn lên

ĐBP - Con đường bê tông quanh co ven đồi dẫn lên bản Chế Á (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) ngày cuối năm, ven đường hoa trạng nguyên đỏ rực, dã quỳ đua nở vàng ruộm, lau trắng phất phới, cà phê xanh mướt trải dài... Một bức tranh vùng cao rực rỡ sắc màu, như chính cuộc sống người dân nơi đây, sẵn sàng bước sang một năm mới nhiều hứa hẹn.

Chế Á là bản vùng cao, cách xa trung tâm xã Tỏa Tình, chưa có điện lưới quốc gia. Dù vậy vẫn không thể cản trở người dân vươn lên dựng xây cuộc sống no ấm, đủ đầy. Với 100% đồng bào dân tộc Mông, bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, Chế Á còn là bản tiêu biểu không chỉ của Tỏa Tình mà nổi tiếng trong huyện về phát triển kinh tế.

Từ trung tâm xã, trước khi đến bản, chúng tôi lạc vào một vùng cà phê trùng trùng điệp điệp, từng đồi cây cà phê gối lên nhau trải rộng mênh mông. Chế Á hiện có khoảng 70ha cà phê đã cho thu hoạch và hơn 30ha trồng mới. Năm nay cà phê được giá, sai quả, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 12, nương của các hộ dân rộn ràng thu hái, cân đếm. Đỗ xe đầu bản, chúng tôi gặp một nhóm người ngồi trò chuyện rôm rả, bên các bao cà phê chín đỏ. Anh Vừ A Minh, người dân Chế Á dừng xịch chiếc xe, bê cân đồng hồ 100kg đặt xuống, rồi thoăn thoắt cân từng bao, ghi tên, tính tiền trả từng người. Đó là những người hái cà phê thuê từ các xã Quài Nưa, Quài Tở... thậm chí Pú Xi xa xôi đến đây làm công.

Gia đình anh Vừ A Minh có gần 3ha cà phê, năm nay thu khoảng 20 tấn quả tươi, tùy từng thời điểm có giá dao động từ 12.000 - 16.000 đồng/kg. Đây đã là những loạt quả cà phê cuối cùng của vụ thu hoạch này. Sau khi trả tiền cho người lao động, anh Minh cười sảng khoái, vừa đùa vừa thật: “Xong vụ cà phê năm ngoái, đủ tiền ăn phở cả năm. Năm nay thì sơ sơ thu khoảng 300 triệu đồng, chưa tính đầu tư vào việc gì. Để có đồng dư dả, trong năm, vợ chồng tôi tự lên nương cặm cụi vun xới, chăm bón cây nên không mất tiền thuê người, chỉ tốn 32 triệu tiền phân bón. Vào vụ thu hoạch, 2 loạt quả đầu, chín ít nên gia đình tự hái, còn lại phải thuê 10 - 20 người hái mỗi lứa, mỗi ngày, với giá 2.000 - 2.500 đồng/kg”.

Cây cà phê bén rễ mảnh đất này từ những năm 2010, đã không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân Chế Á mà còn tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động ngoài địa bàn. Trung bình 1 ngày chính vụ, có gần trăm người lao động từ các xã đến thu hái thuê trên các nương cà phê của Chế Á. Ngoài trồng riêng cà phê, người dân Chế Á còn chủ động trồng xen canh với các loại cây khác, tăng giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập cho gia đình. Anh Lầu A Tú, Trưởng bản cho biết: “Mỗi nhà có thể trồng loại cây xen canh khác nhau, được hỗ trợ giống hoặc tự đầu tư. Nào là mắc ca, mận, chuối, dổi, lê... Chúng tôi không thống kê số cây, diện tích cụ thể. Loại cây nào thấy phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng cà phê là bà con trồng. Các lớp tập huấn trồng trọt tại địa bàn đều được người dân tham gia nhiệt tình. Dù là tập huấn về cây cà phê - đã trồng, chăm sóc thành thạo, thì mọi người vẫn học hỏi thêm. Hiện bản có 30ha cà phê xen canh mắc ca của 26 hộ tham gia dự án liên kết. Một số hộ trồng thử mận cũng đã cho thu hoạch, mỗi nương chỉ mấy chục cây, năm đầu tiên cho thu vài triệu, không nhiều nhưng cũng có thêm ít tiền tiêu trong gia đình. Bà con đang trông mong vào mấy trăm cây lê đã đến mùa ra hoa, trồng từ năm 2018, năm ngoái cho ra bói ăn rất ngon, ngọt, vỏ mỏng. Ngoài ra bản vẫn phát triển cây ngô và phát động khai hoang ruộng bậc thang”.

Cũng từ cà phê, các loại cây trồng, cùng sự cần cù, chịu khó, bản Chế Á có 4 hộ đầu tư ô tô tải chuyên chở và thu mua nông sản cho người dân của bản và các vùng lân cận, trong đó có 2 hộ sắm xe trong năm 2022. Anh Lầu A Dương mới mua xe tải 3,5 tấn chia sẻ: “Gia đình tôi có khoản tiền thu được từ vụ cà phê năm trước, quyết định đầu tư xe tải, để đi thu mua ngô, cà phê của người dân trong bản và cả ở Pú Nhung, Mường Mùn... chở xuống Sơn La bán. Năm nay chạy cũng ổn, vừa thêm cái nghề, kiếm thêm thu nhập cho gia đình, vừa góp phần giữ giá nông sản, nếu có nhiều xe của người địa bàn như mình sẽ tránh được việc thương lái độc quyền, ép giá như nhiều năm trước”.

Siêng năng, không ngại học hỏi, mạnh dạn, tự lực... chúng tôi muốn dành hết những tính từ tốt đẹp miêu tả đức tính con người để nói về dân bản Chế Á. Dù chưa có điện lưới quốc gia nhưng từ lâu, bà con nơi đây đã được dùng điện, nhờ tự bỏ tiền kéo điện từ bản gần nhất về sử dụng. Tuy nhiên do khoảng cách xa và nguồn kinh phí hạn chế, nên điện vẫn chưa đủ cho nhu cầu sử dụng cả ngày và cho tất cả các hộ dân trong bản. Bởi những khó khăn vốn có của vùng cao, Chế Á vẫn còn 46/71 hộ nghèo, giảm 5 hộ nghèo so với năm trước. Trưởng bản Lầu A Tú khẳng định: “Nếu có điện, người dân sẽ làm được nhiều việc hơn, bớt rào cản trong giảm nghèo bền vững, chắc chắn Chế Á sẽ phát triển. Bước sang năm mới 2023, Chế Á mong ước sớm có điện lưới quốc gia về bản và được hỗ trợ bê tông hóa các tuyến đường nội bản, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”.

Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/202465/che-a-tu-luc-vuon-len