Chế biến đơn giản giúp tăng giá trị nông sản
Chế biến đơn giản là cách Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh áp dụng cho các loại nông sản có thời gian thu hoạch đồng loạt, khó bảo quản. Điều này không chỉ góp phần làm tăng giá trị các sản phẩm, tạo thuận lợi cho thương mại hóa mà còn giúp các thành viên có việc làm và nguồn thu nhập ổn định.
Vĩnh Tú vốn nổi tiếng với đặc sản dưa hấu mang vị ngon ngọt rất riêng chỉ vùng đất này mới có, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Năm 2024, toàn xã Vĩnh Tú có trên 125 ha dưa hấu. Cũng từ trên những ruộng dưa này, người dân địa phương đã sáng tạo ra dưa muối, một món ngon không thể thiếu trên mâm cơm của nhiều gia đình người dân Vĩnh Tú. Dưa muối vốn được làm từ những quả dưa non sinh ra vào cuối vụ dưa hoặc do người dân cắt đi nhằm giúp cây có đủ chất dinh dưỡng nuôi một số lượng quả phát triển to, đẹp. Dưa muối Vĩnh Tú ngon có tiếng song từ trước đến nay chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng của các gia đình trong vùng.
Với mong muốn nâng cao chất lượng, gia tăng hơn nữa giá trị nông sản, HTX Nông sản sạch Vĩnh Tú đã vận dụng cách làm của người xưa, sản xuất dưa muối một cách chuyên nghiệp, trở thành hàng hóa.
“Dưa muối ngày xưa được các bà, các mẹ làm ra để bổ sung thêm vào những bữa ăn đạm bạc. Món ăn này chỉ thông dụng tại địa phương, chưa được phổ biến rộng rãi. Chúng tôi sản xuất, đóng gói dưa muối với mong muốn giúp những người con ở xa quê, bạn bè khắp nơi biết đến món ngon dân dã của quê mình. Quan trọng hơn là giúp người dân địa phương có thêm thu nhập từ loại nông sản do họ trồng ra”, Giám đốc HTX Nông sản sạch Vĩnh Tú Trần Thị Hải chia sẻ.
HTX Nông sản sạch Vĩnh Tú được thành lập từ năm 2023 với sự tham gia của 13 thành viên, hầu hết là phụ nữ. Để việc sản xuất dưa muối được thực hiện thuận lợi, từ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh và UBND xã Vĩnh Tú, HTX Nông sản sạch Vĩnh Tú đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Dưa muối của HTX hiện có 2 loại chính là dưa muối vội và dưa muối mặn, trong đó, dưa muối vội có thời gian sử dụng và bảo quản ngắn hơn. Thành phẩm sau khi muối là miếng dưa màu vàng nhạt, được sử dụng để chế biến nhiều món ăn kết hợp với cá kho, thịt kho, nấu canh chua.
Chị Trần Thị Mai, thành viên HTX tiết lộ, không phải ai cũng có thể muối dưa ngon bởi muối dưa đòi hỏi người muối cũng phải có tay nghề. Theo đó, dưa non được HTX thu mua từ người dân trong vùng sẽ được đưa về cạo sạch vỏ, cắt lát rồi phơi dưới nắng to trong khoảng thời gian nhất định. Khi dưa héo, các thành viên HTX sẽ tiến hành muối bằng cách trộn dưa với muối theo công thức 1 kg muối, 5 kg dưa.
Quá trình chế biến chỉ có hai nguyên liệu là quả dưa non và muối, hoàn toàn không sử dụng phụ gia, chất bảo quản. Dưa muối là món ăn thông dụng, có ở nhiều địa phương nhưng dưa muối Vĩnh Tú vốn làm từ loại dưa trồng trên đất Vĩnh Tú, cộng thêm cách muối, kỹ thuật truyền lại lâu đời của người dân nên sản phẩm làm ra luôn mang hương vị khác biệt.
Dưa muối của HTX Nông sản sạch Vĩnh Tú hiện đã được công nhận đạt OCOP 3 sao và được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, được Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh hỗ trợ bao bì, tem mác đầy đủ vào đầu năm 2024. Sản phẩm có giá bán 50.000 đồng/kg, được thị trường trong nước đón nhận.
Bà Hải cho hay: “Trước đây, dưa muối Vĩnh Tú được bán ở các chợ nhỏ trong vùng với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau khi thành lập HTX, chúng tôi đã thu mua dưa non ngay sau khi thu hoạch, tiến hành muối và đóng hộp, hút chân không để có thể đưa đặc sản Vĩnh Tú đi xa. Trong năm vừa qua, HTX đã bán ra thị trường khoảng 2 tấn dưa muối”.
Được biết không chỉ dưa muối, HTX Nông sản sạch Vĩnh Tú còn tạo ra nhiều sản phẩm khác từ chế biến như: mắm tép chua, cá tràu nướng, củ kiệu muối, dầu lạc, bánh sắn... Qua đó, không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên mà còn giúp người dân địa phương có thêm thu nhập từ nông sản do họ trồng ra.
Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh Lê Thị Thúy Kiều cho biết, việc ứng dụng chế biến đơn giản sau thu hoạch cũng được coi là “chìa khóa” để mở cửa và tiếp cận nhiều thị trường trong và ngoài huyện, đồng thời gia tăng giá trị của sản phẩm. Đây là một cách làm hiệu quả, được HTX Nông sản sạch Vĩnh Tú áp dụng thành công.
Thời gian qua, tại huyện Vĩnh Linh có nhiều HTX được hỗ trợ về công nghệ sơ chế, chế biến nông sản với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Qua đó, đã góp phần giải quyết đầu ra trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo chất lượng.
“Thời gian tới, Phòng nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện và các ngành cấp trên để triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư chế biến nông sản trên địa bàn, sớm giải quyết tình trạng “được mùa mất giá” đang diễn ra với một số loại nông sản như hiện nay”, bà Kiều khẳng định.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/che-bien-don-gian-giup-tang-gia-tri-nong-san-190824.htm