Chế định luật sư nhà nước ở Nhật Bản góp phần giải quyết tranh chấp liên quan đến Chính phủ

Ở Nhật Bản, luật sư nhà nước là khái niệm để chỉ những công chức hoặc người làm việc cho các cơ quan Chính phủ để xử lý hoặc đại diện cho Chính phủ trong các vụ kiện mà hính phủ là một bên. Chế định này ra đời từ năm 1947 và tồn tại cho đến ngày nay, góp phần quản lý hiệu quả và nhất quán đối với các tranh chấp liên quan đến Chính phủ ở Nhật Bản.

Quang cảnh một phiên tòa ở Nhật Bản. (Ảnh minh họa: asahi.com)

Quang cảnh một phiên tòa ở Nhật Bản. (Ảnh minh họa: asahi.com)

Phân công cụ thể trong một số lĩnh vực đặc thù

Chính phủ Nhật Bản theo đuổi một chính sách phi quản lý tập trung đối với Nhà nước và xã hội, sử dụng sự phân quyền và chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước để đảm bảo trật tự quản lý và quyền lợi công dân. Điều này có nghĩa, Chính phủ Nhật Bản đặt các quyết định hình vi hành chính của các cơ quan công quyền và các công chức dưới sức mạnh giám sát của xã hội. Sự có mặt của luật sư nhà nước (LSNN) trong các vụ án có liên quan đến Nhà nước trước hết nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và sau đó là nhằm thực hiện chức năng giám sát quyền lực tư pháp của Tòa án.

Kể từ năm 1947, dưới ảnh hưởng của pháp luật Hoa Kỳ trong thời kỳ Mỹ và quân Đồng Minh chiếm đóng Nhật Bản, Nhật Bản áp dụng mô hình tập trung quản lý dịch vụ pháp lý cung cấp cho các cơ quan nhà nước. Các vụ kiện liên quan đến Chính phủ phần lớn được quản lý tập trung bởi một nhóm các công tố viên trực thuộc Bộ Tư pháp, một số công chức làm việc tại các cơ quan liên quan, các chính quyền địa phương và các luật sư thuê ngoài.

Trong cơ cấu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, các Ban tố tụng là các đơn vị giúp việc cho Bộ trưởng trong các vụ tranh chấp mà Nhà nước là một bên, có liên quan hoặc ảnh hưởng tối lợi ích nhà nước. Đến tháng 12/2008, Nhật Bản có 5 Ban tố tụng, gồm: Tố tụng Kế hoạch và Điều phối; Tố tụng Dân sự; Tố tụng Hành chính; Tố tụng thuế; Tố tụng Tài sản và Văn phòng quản lý và các công tố viên làm việc tại Bộ Tư pháp.

Về nguyên tắc, các công tố viên thuộc Bộ Tư pháp (được coi là đội ngũ LSNN) chịu trách nhiệm chính xử lý và đại diện cho Nhà nước trong các vụ kiện liên quan đến Chính phủ nhưng các công tố viên cần có sự hỗ trợ chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn. Trong một số lĩnh vực đặc thù, Bộ Tư pháp dành quyền đại diện cho Nhà nước cho các cơ quan chuyên môn, nhưng hoạt động đại diện này được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các công tố viên thuộc các Ban tố tụng của Bộ Tư pháp.

Cụ thể là, trong các tranh chấp về thuế, y tế hoặc sức khỏe cộng đồng, các công tố viên Bộ Tư pháp là người đại diện cho Nhà nước tham gia tố tụng. Các công chức thuộc Cơ quan thuế quốc gia (NTA) và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) tham gia hỗ trợ. Trong các tranh chấp đặc thù liên quan đến pháp luật về cạnh tranh, bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ, các luật sư nội bộ của Ủy ban thương mại công bằng (JFTC) và Văn phòng sáng chế (JPO) sẽ là người đại diện. Trong các tranh chấp dân sự và hành chính mà Nhà nước là một bên, các công tố viên thuộc Bộ Tư pháp sẽ là người đại diện cho bên Nhà nước tham gia tố tụng.

Đặc điểm đáng chú ý trong đội ngũ luật sư nhà nước ở Nhật Bản

Một đặc điểm đáng chú ý của mô hình LSNN ở Nhật Bản là tính luân chuyển rất cao giữa các vị trí và chức danh. Các công tố viên thuộc Bộ Tư pháp làm việc theo chế độ nhiệm kỳ 3 năm và biệt phái từ các Viện Công tố. Đối với các vụ kiện kéo dài, hiếm khi có công tố viên nào có thể theo đuổi từ đầu đến khi kết thúc vụ kiện. Các công tố viên là các thẩm phán cũng chỉ có một nhiệm kỳ biệt phái là 3 năm. Còn các luật sư thuê ngoài bị hạn chế bởi các hợp đồng lao động có thời hạn. Thậm chí các trợ lý luật sư - những người giúp việc cho các công tố viên - cũng thường xuyên được luân chuyển giữa các bộ phận trong Bộ Tư pháp.

Mô hình LSNN ở Nhật Bản hầu như không thay đổi, bất chấp những thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống pháp luật và tư pháp. Không chỉ có rất ít các thay đổi trong nhân sự và cơ cấu nhân sự của LSNN, tỷ lệ thắng kiện của Chính phủ và số lượng vụ kiện mà Chính phủ phải đối mặt cũng duy trì ổn định.

Có thể nói, tính ổn định và hiệu quả của mô hình LSNN ở Nhật Bản là mong muốn của nhiều quốc gia. Với những ưu điểm vượt trội, sức hấp dẫn của mô hình này tác động đến cả những nước có nền tư pháp, hành chính đã phát triển mạnh và tương đối hoàn thiện như Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc…

Trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản có những điểm tương đồng nhất định về văn hóa pháp lý, với cùng mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp, việc học hỏi mô hình tổ chức LSNN và quản lý các vụ kiện liên quan đến Chính phủ của Nhật Bản có thể sẽ giúp cho Việt Nam tận dụng được các nguồn lực để giải quyết các tranh chấp, khiếu nại có liên quan đến các quyết định của các cơ quan Nhà nước hiện nay.

Uyên San

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/che-dinh-luat-su-nha-nuoc-o-nhat-ban-gop-phan-giai-quyet-tranh-chap-lien-quan-den-chinh-phu-post533421.html