Chế định thỏa thuận nhận tội là xu hướng tất yếu

Chế định thỏa thuận nhận tội trên cơ sở những quy định có tính chất tương tự ở hệ thống pháp luật hình sự như thành khẩn khai báo sẽ được giảm nhẹ – hoàn toàn có thể nghiên cứu để áp dụng ở nước ta.

“Thỏa thuận nhận tội” là một thỏa thuận thương lượng của bị cáo (theo nghĩa bị cáo của luật hình sự Mỹ, là người bị cáo buộc phạm tội) trong vụ án hình sự, theo đó bị cáo đồng ý nhận tội (thú tội) để đổi lấy một kết quả mà tự bị cáo có thể đánh giá là có lợi hơn cho mình. Kết quả này có thể là giảm nhẹ khung hình phạt, giảm mức án hoặc được áp dụng tội danh “nhẹ hơn” so với tội mà bị cáo đã phạm phải. Thông thường, hoạt động này được thực hiện bởi luật sư bào chữa và Công tố viên. Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong hệ thống tư pháp hình sự song “Thỏa thuận nhận tội” lại là một chế định tương đối mới trong lịch sử phát triển của hệ thống tư pháp hình sự.

“Thỏa thuận nhận tội” hình thành từ thế kỷ 18 ở Mỹ, được hoàn thiện dần và áp dụng rộng rãi từ đầu những năm 1970 đến nay. Chế định này được áp dụng đến 90% trong giải quyết các vụ án hình sự tại Mỹ. Qua đó thấy được giá trị của chế định này là vô cùng to lớn của hoạt động tố tụng hình sự Mỹ, giảm áp lực cho việc xét xử và sự phản kháng đối với kết quả xét xử.

 Một phiên tòa hình sự tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Một phiên tòa hình sự tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Ngoài Mỹ thì Canada, Anh, Ý, Úc cũng áp dụng mạnh mẽ chế định này, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc có áp dụng với tỷ lệ tương đối.

Rõ ràng thỏa thuận nhận tội là chế định tiến bộ trong hoạt động tố tụng hình sự, có thể xem như là sự tất yếu và cần thiết trong quá trình phát triển về quản lý xã hội hiện đại. Tuy nhiên, để thực hiện được hoàn chỉnh chế định này thì mô hình tố tụng đang được vận hành trong quốc gia đó đóng vai trò quan trọng. Đối chiếu với Việt Nam, trong hệ thống pháp luật và hoạt động tư pháp hiện hành có nhiều vấn đề cần giải quyết mang tính căn bản thì mới có thể áp dụng hoàn chỉnh.

Thỏa thuận nhận tội là sự thỏa thuận giữa người bị buộc tội và Công tố viên, tuy nhiên, thỏa thuận này có được công nhận hay không thì phải do tòa án quyết định. Như vậy, thỏa thuận nhận tội xảy ra khi đã trải qua quá trình điều tra, có kết quả điều tra, cáo trạng và gần tiến đến hoạt động xét xử, nếu sự thỏa thuận không thành thì việc xét xử sẽ được thực hiện ngay.

Có thể thấy sự nhận tội của người bị buộc tội là yếu tố quyết định mang tính then chốt để thực hiện hoạt động này trên cơ sở kết quả điều tra từ Nhà nước. Như vậy, vị Công tố viên tham gia thỏa thuận với luật sư của người bị buộc tội phải nắm chắc được diễn biến vụ án (sự buộc tội căn bản, cơ sở chắc chắn hay lỏng lẻo). Bên cạnh đó, luật sư tham gia thỏa thuận cũng cần “quán xuyến” được hết các diễn biến, tình tiết của vụ án để có thể đưa ra đề nghị hợp lý và có thể thuyết phục được thân chủ mình đồng ý. Tất cả các vấn đề này phải hài hòa và đủ thông tin.

 Luật sư Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban chủ nhiệm, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Luật sư Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban chủ nhiệm, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Vì sao chế định thỏa thuận nhận tội phụ thuộc nhiều vào mô hình tố tụng? Bởi vì các nước áp dụng chế định này thường có mô hình tố tụng là tranh tụng. Theo đó, việc điều tra, truy tìm chứng cứ của phía gỡ tội gần ngang bằng với phía buộc tội, lúc đó hai bên mới đủ cơ sở thuyết phục nhau về việc buộc hay gỡ tội đúng đắn. Nếu chỉ thuần trao quyền điều tra cho một phía là bên buộc tội thì bên gỡ tội phải sử dụng kết quả điều tra của bên buộc tội làm nguyên liệu đàm phán, thỏa thuận, như thế sẽ không ngang bằng, khó thuyết phục cho bên đối tụng lẫn cho thân chủ.

Ngoài ra, nếu nền tư pháp chưa đủ minh bạch, trong sạch thì sẽ xảy ra nhiều tiêu cực trong áp dụng hoạt động thỏa thuận nhận tội này. Bên cạnh đó, có thể xảy ra tình trạng móc nối nhau để trốn, tránh tội hay gây nhiều oan sai khi năng lực của luật sư không tương xứng (không đủ cơ sở đánh giá, nhìn nhận vấn đề để phân tích, tư vấn cho thân chủ quyết định ra sao).

Đối chiếu với tình hình nước ta hiện nay, chúng ta cần nghiên cứu thật kỹ và sớm áp dụng chế định thỏa thuận nhận tội này để hòa chung trong sự tiến bộ về quản lý xã hội hiệu quả. Điều này giúp giảm áp lực cho ngành tòa án, VKS lẫn cơ quan điều tra. Ngoài ra, khi áp dụng hiệu quả chế định này thì phía người bị buộc tội cũng an tâm và phục tùng việc thi hành án hơn.

Nghiên cứu pháp luật Việt Nam, một số nội dung của chế định này cũng đã xuất hiện rải rác dưới nhiều hình thức như khuyến khích sự thành khẩn (thành khẩn khai báo) hay việc người bị hại đề nghị hủy việc truy cứu TNHS thì phải dừng (khởi tố theo yêu cầu người bị hại) hay có thể được miễn TNHS khi bị hại yêu cầu (khoản 3 Điều 29 BLHS về căn cứ miễn TNHS).

Đây chính là nền tảng ban đầu, căn cứ khởi nguồn để có thể nghiên cứu, “nâng cấp” thành chế định thỏa thuận nhận tội thực sự, nhất là khi kết hợp với điều kiện thuận lợi sẵn có quy định ở BLTTHS 2015 (Chương XXXI về thủ tục rút gọn trong điều tra, truy tố, xét xử).

Có thể nói, chế định thỏa thuận nhận tội là xu hướng tất yếu trong giải quyết các vụ án hình sự của xã hội phát triển. Ngay cả Mỹ, từ thế kỷ 18 đã manh nha xuất hiện nhưng phải hơn 100 năm sau - đến tận những năm 1970 - chế định này mới hoàn thiện, có án lệ và áp dụng rộng rãi.

nước ta, chế định này hoàn toàn mới nên cần có quá trình nghiên cứu, thẩm thấu và áp dụng thực tiễn. Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề mới mẻ trong quy định pháp luật và áp dụng thực tế còn thông tin và kiến thức của thế giới thì đã rộng rãi và thâm nhập rất lâu trong xã hội. Việc áp dụng vì thế sẽ không quá khó khăn bởi chúng ta không phải là người đi khai mở - tức cái mới tuyệt đối - mà là sự áp dụng có tham khảo điều mà các nước đã thực hiện từ lâu, từ đó có thể rút được nhiều kinh nghiệm để chế định ấy phù hợp, tương ứng với điều kiện nước nhà.

Khi đó, cần lưu ý một số đặc điểm quan trọng khi áp dụng thỏa thuận nhận tội.

Thứ nhất là tính tự nguyện - thỏa thuận nhận tội phải hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của bị cáo, không có ép buộc, ví dụ lừa dối.

Thứ hai là tính minh bạch - quá trình đồng ý phải được thực hiện một cách minh bạch, có sự tham gia của các bên liên quan và được ghi nhận đầy đủ.

Thứ ba là phải bảo đảm quyền của người bị tổn hại, cần có cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại trong quá trình thỏa thuận nhận tội.

Thứ tư là vai trò của luật sư, luật sư đóng vai trò quan trọng trong công việc tư vấn pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo và đảm bảo tính hợp pháp của các thỏa thuận…

Thứ năm là sự phê chuẩn của tòa án, thỏa thuận nhận tội chỉ có hiệu lực khi được tòa án phê chuẩn sau khi xem xét kỹ lưỡng tính tự nguyện, hợp pháp và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Ủy viên Ban chủ nhiệm, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/che-dinh-thoa-thuan-nhan-toi-la-xu-huong-tat-yeu-post844193.html