Chế độ ăn phù hợp nhất với người bị hội chứng ruột kích thích

Mặc dù không nguy hiểm nhưng những triệu chứng của hội chứng ruột kích thích khiến người bệnh luôn khó chịu, mệt mỏi. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp cải thiện hiệu quả tình trạng này.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị hội chứng ruột kích thích

Nội dung

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị hội chứng ruột kích thích

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bị hội chứng ruột kích thích

3. Gợi ý một số thực phẩm tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một trong những vấn đề tiêu hóa phổ biến có xu hướng ngày càng tăng. Mặc dù không nguy hiểm nhưng những triệu chứng của hội chứng ruột kích thích khiến người bệnh luôn khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Mặc dù nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích đến nay chưa rõ ràng nhưng ngoài một số yếu tố được cho là điều kiện thuận lợi khởi phát hội chứng ruột kích thích như: căng thẳng, stress, nhiễm khuẩn đường ruột, dùng kháng sinh kéo dài, thay đổi thời tiết, chu kỳ kinh nguyệt… thì có mối liên quan mật thiết giữa chế độ ăn uống với hội chứng ruột kích thích.

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Đan, chuyên Khoa Tiêu hóa, do hội chứng ruột kích thích là rối loạn chức năng, nguyên nhân chưa rõ ràng nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp điều trị chủ yếu bao gồm thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống.

Người bệnh cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tập thể dục đều đặn. Tạo tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh lo âu, căng thẳng kéo dài. Từ bỏ các thói quen có hại như lạm dụng rượu, bia, hút thuốc lá…

Về ăn uống, nên tránh ăn các đồ ăn gây kích thích, rối loạn tiêu hóa. Nếu đã ăn một loại thực phẩm mà có biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa vài lần thì nên hạn chế. Tốt nhất là tránh không ăn loại thực phẩm đó nữa.

Nếu có tình trạng đầy hơi gây khó chịu cần loại bỏ các thực phẩm sinh hơi như: thức uống có gas, rau củ như bắp cải…

Một số trường hợp người bệnh không dung nạp gluten sẽ bị tiêu chảy, đau bụng khi sử dụng thực phẩm này (lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen), vì vậy nên loại bỏ. Không sử dụng các chất kích thích, cà phê, gia vị mạnh, đồ ăn nhiều dầu mỡ…

Đồ ăn nhiều dầu mỡ làm trầm trọng hơn các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

Đồ ăn nhiều dầu mỡ làm trầm trọng hơn các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bị hội chứng ruột kích thích

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân đối các loại thực phẩm là giải pháp cơ bản giúp phòng ngừa và cải thiện hiệu quả hội chứng ruột kích thích.

Người bệnh cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống đủ nước, trung bình 2 lít/ngày đối với người trưởng thành.

Nên sử dụng các thức ăn được chế biến mềm, dễ tiêu hóa. Ăn chậm, nhai kỹ. Không nên ăn quá no. Tốt nhất nên chia thành nhiều bữa nhỏ, mỗi lần ăn lượng thức ăn vừa phải để giảm bớt áp lực cho hệ tiêu hóa.

Trường hợp có biểu hiện táo bón thì nên tăng cường chất xơ để thúc đẩy nhu động ruột, kích thích tiêu hóa. Nên ăn các loại thực phẩm như: ngũ cốc, rau lang, rau mồng tơi, khoai lang, chuối, bơ, đu đủ… Nếu bị tiêu chảy nên áp dụng chế độ ăn ít chất xơ.

Nên ăn protein nạc

Protein nạc được tiêu hóa dễ và bạn sẽ không bị đầy hơi và khó tiêu sau khi ăn. Còn các loại thịt béo rất giàu chất béo bão hòa. Loại chất béo này khó tiêu hóa hơn và gây viêm ruột, có thể làm cho các triệu chứng hội chứng ruột kích thích trầm trọng hơn.

Một số thức ăn chứa protein nạc tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích bao gồm: thịt thăn, thịt bò nạc, ức gà…

Rau và trái cây

Rau và trái cây chứa chất xơ rất tốt cho hệ vi khuẩn đường ruột, giúp hỗ trợ tiêu hóa. Người bệnh nên bổ sung dần dần những loại rau ít gây đầy hơi và chướng bụng như: rau lá xanh, khoai tây, khoai lang, bí đao, cà rốt, cà tím… Nên ăn rau nấu chín để tránh bị rối loạn tiêu hóa.

Một số loại trái cây giúp kiểm soát tốt các triệu chứng hội chứng ruột kích thích như: quả bơ, chuối, việt quất, dưa lưới, đu đủ, kiwi…

Chọn chất xơ hòa tan

FODMAP là từ viết tắt của một số loại carbohydrate chuỗi ngắn (đường) được tìm thấy trong thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như đầy hơi ở những người bị hội chứng ruột kích thích.

Nên sử dụng nguồn thực phẩm giàu chất xơ hòa tan nhưng có hàm lượng FODMAP thấp như: yến mạch, chuối, cam, quả bơ, khoai lang… Nghiên cứu cho thấy, chất xơ hòa tan có thể có lợi cho những người bị ruột kích thích, giúp hỗ trợ giảm các triệu chứng của bệnh.

Bổ sung thực phẩm giàu omega - 3

Thực phẩm giàu omega-3 có tác dụng chống viêm, vì tình trạng viêm ruột cũng góp phần gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích. Nên ăn các loại cá béo giàu omega-3 bao gồm: cá hồi, cá trích, cá cơm, cá mòi, cá ngừ, cá thu…; quả hạnh, bơ, dầu ô liu…

Thực phẩm lên men

Thực phẩm lên men chứa nhiều chủng men vi sinh tự nhiên tốt cho hệ tiêu hóa. Sữa chua nguyên chất (không thêm đường) có thể giúp ích cho người bị hội chứng ruột kích thích.

3. Gợi ý một số thực phẩm tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích

Trứng

Trứng là lựa chọn an toàn cho người bị hội chứng ruột kích thích. Trứng dễ chế biến và dễ tiêu hóa. Vì vậy, người bệnh có thể ăn trứng mà không lo các triệu chứng khó tiêu, đầy bụng.

Yến mạch

Yến mạch là một nguồn chất xơ hòa tan rất tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích. Loại ngũ cốc nguyên hạt này cũng có hàm lượng FODMAP tương đối thấp khi ăn vừa phải.

Yến mạch giàu chất xơ hòa tan tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích.

Yến mạch giàu chất xơ hòa tan tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích.

Các loại hạt

Các loại hạt là nguồn cung cấp chất xơ, protein và acid béo omega-3 chống viêm và tốt cho hệ vi khuẩn đường ruột. Người bệnh nên ăn các loại hạt như: hạnh nhân, óc chó, mắc ca...

Cà tím

Cà tím chứa ít FODMAP, ít calo và là nguồn cung cấp mangan, folate và kali dồi dào. Cà tím chứa cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Tuy nhiên, người bệnh có thể giảm bớt lượng chất xơ không hòa tan bằng cách gọt bỏ vỏ cà tím. Đồng thời nấu cà tím bằng dầu ô liu vừa ngon vừa dễ tiêu hóa.

Khoai tây

Khoai tây là lựa chọn tốt vì chúng không chứa FODMAP. Khoai tây có cả chất xơ hòa tan và không hòa tan nhưng chỉ cần gọt bỏ vỏ khoai tây là bạn có thể giảm lượng chất xơ không hòa tan.

Khoai lang

Khoai lang cũng là một thực phẩm an toàn đối với người bị hội chứng ruột kích thích vì chúng giàu chất xơ hòa tan và các chất dinh dưỡng như vitamin B6 và kali. Tuy nhiên, không giống như khoai tây, khoai lang có chứa đường có thể gây ra các triệu chứng hội chứng ruột kích thích nếu ăn quá nhiều. Vì vậy, người bệnh nên ăn vừa phải.

Đậu bắp

Đậu bắp là một nguồn cung cấp chất xơ hòa tan tuyệt vời và một loạt các chất dinh dưỡng như vitamin C, vitamin B6, kali, canxi. Tuy vậy, đậu bắp cũng có hàm lượng đường fructans tương đối cao có thể gây ra các triệu chứng hội chứng ruột kích thích nếu ăn nhiều. Vì vậy, người bệnh chỉ ăn vừa phải, nên ăn đậu bắp nấu chín kỹ sẽ dễ tiêu hóa hơn.

Quả bơ

Quả bơ rất giàu protein, vitamin, chất xơ hòa tan và chất béo lành mạnh. Đối với hầu hết những người bị hội chứng ruột kích thích, ăn một quả bơ thường là an toàn, tốt nhất là chọn loại dầu bơ không có FODMAP.

Chuối

Chuối giàu chất xơ hòa tan và ít FODMAP. Nên chọn ăn chuối khi chúng chưa quá chín, vì khi chuối chín kỹ có hàm lượng FODMAP cao hơn.

Quả kiwi

Quả kiwi rất giàu vitamin C cũng với lượng chất xơ hòa tan và không hòa tan bằng nhau. Kiwi cũng là một loại thực phẩm có hàm lượng FODMAP thấp tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích.

Vân Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-phu-hop-nhat-voi-nguoi-bi-hoi-chung-ruot-kich-thich-169240403122313852.htm