Chế độ ăn uống lành mạnh khi bị ung thư bàng quang

Dinh dưỡng tốt và lành mạnh quan trọng với mọi người, nhất là với người bệnh ung thư, trong đó có ung thư bàng quang.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh ung thư bàng quang

Nội dung

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh ung thư bàng quang

2. Các dưỡng chất cần thiết với người bệnh ung thư bàng quang

3. Khuyến nghị về các triệu chứng điều trị ung thư bàng quang

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư bàng quang có số người mắc bệnh hàng năm khoảng 63.000, tử vong là 13.000 người mỗi năm. Ung thư bàng quang có khả năng điều trị cao khi phát hiện sớm. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết, nhưng một số yếu tố nguy cơ đã được tìm thấy.

Bên cạnh việc tuân thủ điều trị, chế độ ăn hợp lý, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh ung thư bàng quang trong quá trình chuẩn bị sức khỏe cho giai đoạn điều trị và phục hồi sau điều trị.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, một số yếu tố nhất định có thể ảnh hưởng đến ăn uống trong quá trình điều trị ung thư bàng quang. Ví dụ, các tác dụng phụ ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn hoặc thói quen ăn uống của người bệnh như: thay đổi mùi vị hoặc mùi, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, viêm loét miệng, khô miệng, đau đớn, giảm hoạt động thể chất.

Dinh dưỡng tốt rất quan trọng đối với mọi người nhưng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh được khuyến khích đặc biệt đối với những người đang điều trị ung thư bàng quang. Điều trị tia xạ và hóa trị liệu thường gây ra chán ăn và các vấn đề khác khi ăn/nuốt hoặc làm trầm trọng các yếu tố đã xuất hiện từ trước.

Do đó, các bác sĩ sẽ quan tâm đánh giá tình trạng và nhu cầu của bệnh nhân để xem: khẩu phần ăn hiện tại của bệnh nhân liệu có đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng không, các vấn đề về dinh dưỡng hiện tại: khẩu phần ăn và lượng dịch có ảnh hưởng bởi sinh lý, tâm lý của bệnh nhân hay phương pháp điều trị không? Có bị suy kiệt dinh dưỡng hay không?

Nguy cơ cạn kiệt dinh dưỡng đặc biệt cao ở những người đã trong tình trạng suy dinh dưỡng. Nếu khẩu phần thiếu, mục tiêu về ăn uống cần tăng năng lượng và chất dinh dưỡng trong khẩu phần bằng các cách thức mà bệnh nhân chấp nhận được…

Tiến sĩ Eugene Lee từ Đại học Kansas cho biết, người nhà, người chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát các tác dụng phụ của việc điều trị bằng chế độ ăn uống lành mạnh. Nhiều bệnh nhân ung thư gặp phải một số tác dụng phụ không mấy dễ chịu trong quá trình điều trị, chẳng hạn như có vị kim loại trong miệng hoặc tiêu chảy khiến việc ăn uống trở nên uể oải, thậm chí rất khó ăn. Vì vậy, thực hiện ăn uống lành mạnh và có chế độ dinh dưỡng tốt trong quá trình điều trị ung thư bàng quang rất quan trọng để người bệnh giữ sức khỏe ổn định.

2. Các dưỡng chất cần thiết với người bệnh ung thư bàng quang

Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên những thực phẩm lành mạnh, kích thích ăn uống trong quá trình điều trị và phục hồi giúp người bệnh ung thư bàng quang tăng sức đề kháng.

Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên những thực phẩm lành mạnh, kích thích ăn uống trong quá trình điều trị và phục hồi giúp người bệnh ung thư bàng quang tăng sức đề kháng.

Các bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện K cho biết, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư. Ăn uống đúng và đủ chất giúp ức chế tế bào ung thư, ngăn chặn sự di căn của tế bào ung thư và làm chậm quá trình diễn biến của bệnh. Nguyên tắc dinh dưỡng chung với những bệnh nhân ung thư gồm có: Ăn uống đa dạng, cân đối; tuyệt đối không ăn kiêng; chia làm nhiều bữa nhỏ và bữa phụ; bổ sung dinh dưỡng bằng nhiều cách. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân mắc ung thư đường bài xuất, cần có những lưu ý riêng về dinh dưỡng trong quá trình điều trị.

Hệ tiết niệu hay hệ bài tiết, bài xuất của con người gồm nhiều cơ quan, trong đó có 4 cơ quan chính bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Đường tiết niệu có chức năng đào thải những chất cặn bã ra khỏi cơ thể nên cũng có liên quan trực tiếp tới những thực phẩm mà cơ thể hấp thụ. Vậy nên, người bệnh ung thư bàng quang cần lưu ý một số nhóm thực phẩm có lợi cho quá trình điều trị bệnh như sau:

Chất béo không bão hòa

Chất béo lành mạnh giúp cơ thể hấp thụ một số vitamin, sản xuất hormone và sửa chữa tế bào. Đây là nhóm chất béo lành mạnh cần thiết cho nhiều hoạt động của cơ thể. Nguồn chứa chất béo không bão hòa có chứa trong nhiều thực phẩm như dầu ô liu, dầu hướng dương, hạt đậu nành, hạt óc chó, cá hồi…

Rau củ và trái cây

Đây là loại thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Nhất là các loại rau họ cải có nhiều chất xơ chống táo bón hiệu quả. Một số loại rau củ được các bác sĩ khuyên dùng cho bệnh nhân ung thư đường bài xuất, trong đó có ung thư bàng quang như bông cải xanh (súp lơ xanh). Chất glucosinolate trong bông cải xanh có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u đường bài xuất. Trà xanh chứa chất oxy hóa mạnh mẽ rất tốt cho những người mắc giai đoạn đầu bệnh ung thư đường bài xuất. Tỏi có chứa nhiều allicin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn E.Coli, hạn chế sự xâm lấn của các vi khuẩn gây viêm nhiễm, ung thư.

Bông cải xanh là thực phẩm có lợi người bệnh ung thư bàng quang.

Bông cải xanh là thực phẩm có lợi người bệnh ung thư bàng quang.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh

Không có chế độ ăn kiêng riêng biệt nào cho bệnh ung thư bàng quang nhưng ăn trái cây, rau củ, protein và chất béo lành mạnh giúp ích trong quá trình điều trị. Một chế độ ăn có lợi cho sức khỏe tổng thể thường bao gồm ăn nhiều loại trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, cá không da, các sản phẩm từ sữa ít béo, các loại hạt, đậu...

Ăn thực phẩm có nhiều chất xơ

Điều này sẽ giúp giảm bớt một số triệu chứng liên quan đến điều trị ung thư bàng quang. Rau và trái cây cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần, cũng như chất xơ cần thiết cho hệ tiêu hóa. Các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt chưa được chế biến quá kỹ nên vẫn chứa hầu hết các chất dinh dưỡng và chất xơ.

Giữ nước

Mỗi người cần một lượng nước khác nhau, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ về lượng nước người bệnh nên uống mỗi ngày. Nếu người bệnh gặp khó khăn khi uống nước lọc, có thể thêm lát chanh hoặc uống trà thảo mộc không đường. Theo các bác sĩ BV. K, cung cấp đủ nước cho cơ thể rất quan trọng. Việc uống đủ lượng nước mỗi ngày (khoảng hai lít) có thể làm giảm 25% nguy cơ ung thư bàng quang, bởi nước có thể loại bỏ các tác nhân gây bệnh ung thư ra khỏi bàng quang trước khi chúng lan và phát triển trong cơ thể.

Ăn nhiều protein nạc

Protein giúp cơ thể người bệnh khỏe mạnh hơn trong suốt hành trình chống lại ung thư. Khi bị ung thư, cơ thể người bệnh thường cần nhiều protein hơn. Nhận đủ chất đạm giúp duy trì khối lượng cơ bắp và hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) khuyến nghị nên ăn nhiều cá, thịt gia cầm và protein từ thực vật như đậu và hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, thịt chế biến sẵn.

Các sản phẩm chứa probiotic (men vi sinh)

Probiotic cung cấp những vi khuẩn có lợi để loại bỏ những vi khuẩn gây hại, giúp giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm, phòng chống những bệnh lý liên quan niệu đạo. Những sản phẩm chứa nhiều probiotic như sữa chua, kim chi… rất dễ ăn và dễ tìm kiếm.

Các sản phẩm chứa probiotic cung cấp lợi khuẩn cho người bệnh ung thư bàng quang.

Các sản phẩm chứa probiotic cung cấp lợi khuẩn cho người bệnh ung thư bàng quang.

3. Khuyến nghị về các triệu chứng điều trị ung thư bàng quang

Trong khi điều trị ung thư bàng quang, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ khó chịu. Cố gắng tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh và tham khảo các mẹo ăn uống dưới đây để chống lại các triệu chứng này.

Táo bón hoặc tiêu chảy

Táo bón là một triệu chứng mà những người mắc bệnh ung thư bàng quang dễ gặp phải. Điều rất quan trọng là phải duy trì lượng chất lỏng nạp vào bằng cách uống ít nhất tám cốc chất lỏng mỗi ngày hoặc nhiều hơn nếu có thể. Theo dõi lượng nước uống vào giúp đảm bảo người bệnh đạt được mục tiêu này. Một số chất lỏng nóng như trà thảo mộc, nước dùng và súp giúp di chuyển các chất trong ruột nhanh hơn.

Tiêu chảy cũng liên quan đến điều trị ung thư bàng quang. Như đã đề cập ở trên, hãy bổ sung nước càng nhiều càng tốt để thay thế lượng nước mất đi do tiêu chảy.

Ăn các bữa ăn nhỏ hơn và thay thế các chất điện giải như kali và natri thông qua các thực phẩm như quả mơ, chuối, nước dùng, các loại hạt có thể giúp người bệnh tránh được cảm giác khó chịu này. Tiêu thụ thực phẩm ít chất xơ, ít cặn. Uống đồ uống, ăn thực phẩm ở nhiệt độ phòng và tránh các thực phẩm sau:

Thực phẩm nhiều dầu mỡ và cay.
Sản phẩm sữa.
Đồ uống có đường, kẹo, kẹo cao su.
Caffein, bia rượu.

Buồn nôn

Buồn nôn là một triệu chứng khá phổ biến trong bệnh ung thư bàng quang. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày khi người bệnh cảm thấy thèm ăn là điều thực sự quan trọng để đảm bảo tránh ăn quá nhiều khi quá đói. Luôn bổ sung chất lỏng và cố gắng ăn mọi thứ ở nhiệt độ phòng, đồng thời tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đường và cay.

Thay đổi mùi hoặc vị

Đây là triệu chứng phổ biến đối với hầu hết bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những người đang trải qua hóa trị hoặc những người bị ung thư bàng quang phải phẫu thuật cắt bàng quang. Nhiều khi bệnh nhân cảm thấy có vị kim loại trong miệng, thử sử dụng đồ nhựa bảo đảm tiêu chuẩn có thể hữu ích.

Dinh dưỡng được tối ưu giúp tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư bàng quang.

Dinh dưỡng được tối ưu giúp tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư bàng quang.

4. Chăm sóc chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư bàng quang

Các bác sĩ BV. K khuyến nghị ăn uống hợp lý cần thiết với những người hồi phục sau điều trị thành công cũng như dinh dưỡng hỗ trợ cho bệnh nhân nặng. Bên cạnh, việc thực hiện nghiêm túc chế độ theo dõi, tái khám thường xuyên theo định kỳ, người chăm sóc bệnh nhân cần chú ý các mức độ can thiệp dinh dưỡng khác nhau trong suốt quá trình điều trị và tiến triển của bệnh. Đối với người bệnh ung thư cần lưu ý thực hiện chế độ ăn uống như sau:

Chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, mỗi bữa cách nhau 2-3 tiếng, mỗi ngày 5-6 bữa.
Vì người bệnh cần vận động nhiều vào ban ngày nên sắp xếp thực đơn buổi sáng có nhiều năng lượng hơn buổi tối.
Tránh uống nhiều chất lỏng trước bữa ăn hoặc uống từng ngụm nhỏ để giữ ẩm cho miệng và giữ nước.
Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống đủ chất, hãy tập trung vào các thực phẩm giàu calo, giàu protein để tăng lượng calo tiêu thụ.
Cần tăng cường thể dục thể thao bằng các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Hãy nói chuyện với bác sĩ khi có ý định bắt đầu bất kỳ chế độ ăn kiêng mới nào.

Hỏi ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để lên kế hoạch dinh dưỡng tổng thể vì việc điều trị có thể kéo dài nhiều tuần, tháng và nhiều giai đoạn. Vào tất cả các giai đoạn của bệnh, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng có vai trò quan trọng để quyết định khi nào can thiệp dinh dưỡng hỗ trợ, dinh dưỡng hỗ trợ ở dạng nào để tình trạng dinh dưỡng được tối ưu và tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Thùy Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-uong-lanh-manh-khi-bi-ung-thu-bang-quang-16924081411043041.htm