Chế độ cho cán bộ dôi dư do sáp nhập xã ở tỉnh Quảng Bình sẽ tăng gấp đôi
Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, nhiều địa phương tại Quảng Bình không chỉ có tên mới mà còn có thêm dư địa, tăng tính cố kết cộng đồng, bảo đảm tập trung nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Sau khi sáp nhập xã ở tỉnh Quảng Bình, chế độ chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sẽ tăng gấp đôi so với sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã ở địa phương này giai đoạn 2019-2021.
Xã Hạ Mỹ là tên gọi mới dựa trên việc sáp nhập xã Hạ Trạch và xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch. Xã Hạ Trạch đa dạng về địa hình, vừa có vùng đồng bằng canh tác lúa, những vùng đất trũng thấp, mặn, lợ ven sông Gianh có phát triển trở thành vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản. Còn xã Mỹ Trạch là vùng đất bán sơn địa, người dân vốn thuần nông, chủ yếu phụ thuộc vào gieo lúa, trồng khoai và chăn nuôi, bên cạnh đó có một số mô hình tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, những giá trị về văn hóa và xã hội cốt lõi cơ bản đều tương đồng khi hai địa phương giáp nhau, người dân thường xuyên giao lưu, thông thương.
Ông Nguyễn Chung Quý, ở xã Hạ Mỹ, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đồng thuận với việc sáp nhập xã, mong muốn đơn vị hành chính mới sớm ổn định hoạt động, phục vụ người dân: “Người dân cũng có một số băn khoăn, lo lắng về việc thay đổi thông tin trên các văn bằng, chứng chỉ hoặc căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân. Khi sáp nhập đơn vị hành chính chắc chắn sẽ có thay đổi về thông tin trên các loại giấy tờ”.
Trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, các địa phương đều chủ động thông tin, tuyên truyền đến người dân, tổ chức lấy ý kiến cử tri để tạo đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ. Sau sáp nhập, địa phương càng phải tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, ý kiến của cán bộ, nhân dân, giải đáp các băn khoăn, thắc mắc về việc thay đổi giấy tờ tùy thân, phong tục tập quán hiện có.
Huyện Bố Trạch là địa phương có số đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp lớn nhất với 6 xã. Giai đoạn 2019-2021, huyện Bố Trạch đã có 4 đơn vị cấp xã, thị trấn được sáp nhập. Trên cơ sở kết quả và bài học kinh nghiệm trong sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn trước đó, địa phương này vận dụng các phương án giải quyết hiệu quả bài toán về công tác cán bộ sau sắp xếp.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết nhằm bảo đảm đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp đi vào hoạt động từ ngày 1/12. Theo ông Nguyễn Văn Thủy, các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, công dân thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ theo quy định.
“Vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính của huyện Bố Trạch được nhân dân đồng tình cao vì vậy đảm bảo được kế hoạch và tiến độ lộ trình đã đề ra. Theo lộ trình, sau khi sáp nhập thì dôi dư 21 cán bộ công chức. Trong vòng 60 tháng sau khi sáp nhập thì huyện sẽ căn cứ vào lộ trình để thực hiện sắp xếp cán bộ theo kế hoạch, phương án mà huyện đã đề ra”, ông Nguyễn Văn Thủy thông tin.
Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Bình xây dựng Đề án sắp xếp đối với 11 Đơn vị hành chính cấp xã thành 5 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã. Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và viên chức hiện có tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp là 984 người. Sau khi sắp xếp, số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư 95 người, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư 43 người, viên chức sự nghiệp dôi dư sau sắp xếp là 35 người (chủ yếu là dôi dư nhân viên hành chính, văn phòng và một số viên chức lãnh đạo, quản lý).
Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã thông qua Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và viên chức trong các đơn vị sự nghiệp thôi việc do dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Chính sách này sẽ động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và viên chức nghỉ việc. Như vậy, số lượng cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và viên chức trong các đơn vị sự nghiệp sau sắp xếp sẽ đảm bảo đúng theo quy định của Chính phủ. Chính sách này cũng tạo thuận lợi cho các địa phương xây dựng phương án nhân sự, sớm hoàn thành lộ trình bố trí số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và viên chức tại đơn vị hành chính mới.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình thông tin, vấn đề dôi dư trụ sở hành chính sau sáp nhập thì các huyện sẽ chỉ đạo cấp xã lựa chọn các trụ sở làm việc trước mắt để đảm bảo hoạt động, không gây ảnh hưởng, gián đoạn các thủ tục hành chính, xáo trộn trong đơn vị. Về lâu dài sẽ chỉ có 1 trụ sở duy nhất, tránh lặp lại sự việc từng xảy ra đó là cán bộ khi làm việc ở trụ sở này, khi thì ở trụ sở khác. Tỉnh giao các huyện chịu trách nhiệm về sắp xếp các trụ sở dôi dư.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, cán bộ dôi dư, ngoài các chế độ chính sách theo quy định của nhà nước thì tỉnh Quảng Bình cũng có nghị quyết giải quyết chính sách cán bộ dôi dư do sáp nhập. Như vậy chế độ chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sẽ tăng gấp đôi so với sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021.
“Quá trình thực hiện, cấp xã sẽ do cấp huyện chỉ đạo kể cả về cơ sở vật chất, cán bộ, còn tỉnh thì ban hành Nghị quyết và giám sát thực hiện. Chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư tăng gấp 2 lần so với nhiệm kỳ trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 để khuyến khích cán bộ công chức dôi dư chủ động xin nghỉ. Nếu các cán bộ này còn tuổi và chưa nghỉ thì cấp huyện sẽ có 5 năm thời gian để sắp xếp cán bộ này”, ông Nam nói.
Sau khi hoàn tất việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Quảng Bình vẫn giữ nguyên 6 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh giảm còn 145 đơn vị, trong đó có 122 xã, 15 phường và 8 thị trấn. Các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1/12/2024.
Trên cơ sở những giá trị, lợi ích chung, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giúp tập trung nguồn lực, mở rộng không gian để phát triển kinh tế, xã hội, kết hợp hài hòa giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý dù khác biệt theo từng địa phương để làm đa dạng, phong phú hơn.
Theo ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã và đang góp phần mở rộng không gian phát triển, tạo giá trị mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân về sau này.
“Rút kinh nghiệm trong những lần sáp nhập trước, các đơn vị hành chính mới sẽ đi vào hoạt động ngay để không gián đoạn công tác chỉ đạo điều hành cũng như phục vụ người dân. Trụ sở dôi dư cũng chọn phương án tối ưu nhất để hoạt động cung cấp dịch vụ cho người dân thuận tiện. Cán bộ dôi dư chế độ cũng được tăng thêm và tỉnh cũng chủ động linh hoạt vừa đảm bảo lợi ích chung vừa đảm bảo quyền lợi các cá nhân được tôn trọng. Liên quan giấy tờ của tổ chức cá nhân sẽ có ít nhiều ảnh hưởng, tỉnh, huyện và xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp 1 cách tốt nhất”, ông Tân chia sẻ.