Chế độ đãi ngộ là quan tâm hàng đầu của nhân lực công nghệ

Báo cáo 'Thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin' thập niên 2010-2020 của VietnamWorks, cho thấy: Nhu cầu tuyển dụng của ngành công nghệ thông tin đã tăng gấp 4 lần sau 1 thập kỷ; đồng thời cũng chỉ rõ, chế độ đãi ngộ tốt hơn là quan tâm hàng đầu khi nhân lực công nghệ thông tin ở lại hay chuyển việc.

Nhân lực mảng phát triển phần mềm chiếm ưu thế

Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích các số liệu từ hai nguồn: Dữ liệu về các công việc ngành công nghệ thông tin được đăng tải trên trang web vietnamworks.com (2010-2019) và khảo sát thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin năm 2020.

Theo đó, 7 nhóm ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng phổ biến lần lượt là: Phát triển phần mềm; hỗ trợ kỹ thuật; quản lý dự án/sản phẩm; thiết kế trải nghiệm người dùng và giao diện; kỹ sư kiểm định chất lượng sản phẩm QA/QC; khoa học dữ liệu.

Ghi nhận nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin đã tăng gấp 4 lần sau 1 thập kỷ

Ghi nhận nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin đã tăng gấp 4 lần sau 1 thập kỷ

Đáng chú ý, mảng phát triển phần mềm luôn chiếm ưu thế bền vững trong suốt thập kỷ “gia công”. Theo thống kê, giai đoạn từ 2010 đến đầu năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành phát triển phần mềm luôn chiếm hơn 50% và có ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành công nghệ thông tin. Khi so sánh nửa đầu thập kỷ và nửa cuối thập kỷ, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này tăng trưởng gần gấp đôi.

Trong nhóm ngành này, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là các kỹ sư có chuyên môn phần mềm, Mobile, Web, ERP (giải pháp phần mềm quản lý đa chức năng) đi kèm các kỹ năng lập trình ngôn ngữ phổ biến là JAVA, PHP, .NET luôn chiếm tỷ lệ cao cho thấy xu hướng phát triển phần mềm tại Việt Nam trong thập kỷ qua nằm ở dịch vụ gia công phần mềm, đặc biệt là Web App và Mobile App.

Nắm xu hướng tuyển dụng qua mức lương

Báo cáo cũng ghi nhận xu hướng công nghệ thông tin thay đổi mỗi năm xét từ góc độ “mức lương cao nhất”. Cụ thể, mức lương đăng tuyển trung bình cao nhất có sự thay đổi qua từng năm cho thấy sự thay đổi xu hướng công nghệ thông tin tại Việt Nam trong thập kỷ qua. Đáng chú ý, giai đoạn 2011-2012, đây là thời kỳ của phát triển ứng dụng trên điện thoại (Mobile App) nên dẫn đến mức lương trung bình cao nhất thuộc về bộ đôi bổ trợ cho nhau là kỹ sư lập trình nhúng hệ thống với mức lương 3.750 USD và kỹ sư phần cứng có mức lương 3.500 USD.

Giai đoạn năm 2013-2014 đánh dấu bước trỗi dậy của thời đại “Tập trung vào dữ liệu” khi các doanh nghiệp đều hướng đến việc tận dụng khai thác các lợi thế của dữ liệu lớn, kéo theo mức lương cao nhất thuộc về hai công việc phục vụ cho khoa học dữ liệu là kỹ sư khoa học dữ liệu với mức lương 3.531 USD, và kỹ sư lập trình ngôn ngữ Python với mức lương 2.900USD.

Top 3 các yếu tố khiến nhân lực ngành công nghệ thông tin quan tâm hàng đầu khi chuyển việc đều liên quan đến các chính sách đãi ngộ tốt hơn. Theo đó, 89% cho biết họ quan tâm đến “lương cao hơn”, 67% chọn “khả năng thăng tiến” và 66% chọn “phúc lợi tốt hơn”. Yếu tố “sếp và đồng nghiệp” được 56% ứng viên quan tâm và văn hóa công ty được 53% ứng viên lựa chọn.

Nửa thập kỷ sau, vào những năm từ 2015-2019, tiếp tục là sự phát triển của khoa học dữ liệu khi công nghệ này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn với doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua việc mức lương đăng tuyển cho vị trí “Phát triển hệ thống quản trị thông minh cho doanh nghiệp” với mức lương 1.532 USD vào năm 2015.

Các xu hướng công nghệ cao cũng bắt đầu du nhập vào Việt Nam thời điểm này và cũng thể hiện được thông qua mức lương cao được chi trả cho các vị trí như: Kỹ sư lập trình vạn vật kết nối với mức lương 1.800 USD; kỹ sư lập trình trí tuệ nhân tạo với mức lương 1.958 USD; kỹ sư lập trình công nghệ chuỗi khối được đề xuất mức lương 2.033 USD; kỹ sư lập trình dữ liệu đám mây với mức lương 2.006 USD; kỹ sư lập trình thị giác máy tính với mức lương 2.382 USD…

Nếu xét theo vai trò công việc, báo cáo của VietnamWorks cho thấy: Quản lý dự án/sản phẩm là nhóm được nhà tuyển dụng đề xuất mức lương đăng tuyển cao nhất là 1.775 USD; tiếp theo là phát triển phần mềm với mức lương đăng tuyển trung bình là 1.527 USD; nhóm khoa học dữ liệu đứng ở vị trí thứ ba với mức lương là 1.356 USD.

Báo cáo cũng ghi nhận xuất hiện chênh lệch giữa mức lương thực tế và kỳ vọng ở mọi cấp bậc. Cụ thể, khi so sánh kết quả khảo sát về mức lương mong muốn cho công việc tiếp theo của nhân lực công nghệ thông tin và mức lương trung bình doanh nghiệp đang đăng tuyển, có sự xuất hiện mức độ chênh lệch trong mức lương thực tế đang được nhận và mức lương mong muốn của ứng viên công nghệ thông tin.

Theo đó, cấp bậc “thực tập và mới vào nghề” kỳ vọng mức lương cao hơn khoảng 200USD so với thực tế. Nhóm “có kinh nghiệm” đang nhận mức lương thấp hơn so với mong muốn là 300USD. Vị trí “trưởng nhóm” có mức chênh lệch giữa thực tế và kỳ vọng là 400USD. Mức chênh lệch đối với nhóm “quản lý” là 600USD và đối với nhóm “giám đốc” là gần 1.300USD.

Chế độ đãi ngộ là quan tâm hàng đầu của ứng viên

Từ dữ liệu tuyển dụng và khảo sát của VietnamWorks cho thấy, nhân lực ngành công nghệ thông tin được doanh nghiệp “chăm sóc khá tốt” khi đáp ứng đầy đủ các phúc lợi quan trọng nhất, bao gồm: Bảo hiểm theo quy định pháp luật, nghỉ phép có lương, khám sức khỏe định kỳ, các loại trợ cấp, máy tính cá nhân và du lịch.

Tuy nhiên, ứng viên công nghệ thông tin chỉ thể hiện mức độ hài lòng tương đối khi được hỏi về “mức độ hài lòng” đối với chế độ phúc lợi và môi trường. Cụ thể, chưa đến 1/2, chỉ có 40% cho biết họ hài lòng ở các mức độ khác nhau, gần 50% cho rằng họ cảm thấy “bình thường”, nhóm còn lại là “không hài lòng” ở mức độ khác nhau.

Bên cạnh các phúc lợi cơ bản nêu trên, nhân lực công nghệ thông tin cho biết chế độ “thời gian làm việc linh hoạt” là loại phúc lợi quan trọng nhưng ít được cung cấp.

Do đó, chế độ đãi ngộ tốt hơn là quan tâm hàng đầu khi nhân lực công nghệ thông tin khi chuyển việc. Vượt qua yếu tố liên quan đến người quản lý trực tiếp, đồng nghiệp hay văn hóa công ty, Top 3 các yếu tố khiến nhân lực ngành công nghệ thông tin quan tâm hàng đầu khi chuyển việc đều liên quan đến các chính sách đãi ngộ tốt hơn. Theo đó, 89% cho biết họ quan tâm đến “lương cao hơn”, 67% chọn “khả năng thăng tiến” và 66% chọn “phúc lợi tốt hơn”. Yếu tố “sếp và đồng nghiệp” được 56% ứng viên quan tâm và văn hóa công ty được 53% ứng viên lựa chọn.

Ông Gaku Echizenya - Tổng Giám đốc của Navigos Group chia sẻ: Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ thông tin đã tăng tới 4 lần trong thập kỷ qua. Riêng ngành công nghệ phần mềm là 4,1 lần. Tuy nhiên, trong suốt quá trình làm việc với nhà tuyển dụng và nhân lực ngành công nghệ thông tin, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều rào cản trong việc giúp ứng viên tìm được công việc giúp họ đạt được giấc mơ sự nghiệp trong ngành công nghệ như: Khó khăn trong việc tiếp cận với những kinh nghiệm quý giá từ các chuyên gia hay chưa được hỗ trợ nguồn thông tin chất lượng kịp thời.

Đó cũng là lý do mới đây VietnamWorks cho ra mắt trang tuyển dụng riêng dành cho lĩnh vực công nghệ thông tin VietnamWorks InTECH để giúp các ứng viên tháo gỡ những khó khăn nêu trên và mang đến những dịch vụ, hoạt động đặc thù để nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/che-do-dai-ngo-la-quan-tam-hang-dau-cua-nhan-luc-cong-nghe-109023.html