Chế độ đối với cán bộ đi cơ sở khi tinh gọn bộ máy

Sau khi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ sở, được tiếp nhận trở lại cơ quan, nâng lương vượt 1 bậc, xem xét khen thưởng.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 332/BCTĐ-BTP ngày 27/12/2024, Bộ Nội vụ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương được cử đi công tác tăng cường ở cấp xã được trợ cấp 1 lần bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác. Ảnh: TĐHP

Cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương được cử đi công tác tăng cường ở cấp xã được trợ cấp 1 lần bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác. Ảnh: TĐHP

Chính sách khuyến khích đi công tác cơ sở

Đối với cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương được cử đi công tác tăng cường ở cấp xã, được hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi, trợ cấp 1 lần bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác. Được hưởng chính sách đối với đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Sau khi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ sở, được tiếp nhận trở lại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp; đồng thời, được nâng lương vượt 1 bậc và được bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương được cử đi công tác tăng cường ở cấp tỉnh, cấp huyện, được hưởng các chế độ sau tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi. Trợ cấp 1 lần bằng 3 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác. Được hưởng chính sách đối với đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Sau khi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ tốt tại cơ sở, được tiếp nhận trở lại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp; đồng thời, được nâng lương vượt 1 bậc và được bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

Trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi

Đáng chú ý, chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi, dự thảo Nghị định quy định 4 chế độ, gồm được nâng lương vượt 1 bậc; được hưởng tiền thưởng do Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định trong tối đa 50% quỹ tiền thưởng. Đồng thời được quan tâm, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp trên. Được hưởng chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định khác của Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đã báo cáo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thực hiện soạn thảo Nghị định này theo trình tự, thủ tục rút gọn và hồ sơ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định thực hiện theo quy định tại Điều 149 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), gồm: Tờ trình Chính phủ, dự thảo Nghị định và báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp (kèm theo) để bảo đảm trình Chính phủ ban hành theo đúng Kết luận của Bộ Chính trị.

Theo dự thảo nghị định, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách, chế độ là 130 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 111 nghìn tỷ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức; 4 nghìn tỷ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với người lao động; 9 nghìn tỷ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; 4 nghìn tỷ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và 2 nghìn tỷ đồng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.

Việc thực hiện tinh giảm biên chế sẽ làm giảm chi thường xuyên và giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc (22%); 10% quỹ tiền thưởng; đồng thời, ngân sách nhà nước đã bố trí kinh phí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (đang được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị) và các khoản chi chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, lãnh đạo quản lý,... Trong 5 năm, ngân sách nhà nước dự kiến tiết kiệm chi khoảng trên 113 nghìn tỷ đồng).

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/che-do-doi-voi-can-bo-di-co-so-khi-tinh-gon-bo-may-367178.html