Chế độ đối với người bị tai nạn lao động

Bà Vũ Thị Kim (kimtuyetvt@...) là cán bộ quản lý có tham gia giảng dạy. Vừa qua, bà Kim bị tai nạn lao động, vậy trong thời gian nghỉ điều trị bà có được hưởng phụ cấp ưu đãi theo Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/1/2006 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính không?

Ngoài ra, bà Kim có được hưởng các chế độ về y tế, lương, trợ cấp trong thời gian điều trị không?

Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 105 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) thì tai nạn lao động (TNLĐ) là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động (NLĐ) hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Tại Điểm b, khoản 1, Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 19 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ thì trường hợp NLĐ bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động (NSDLĐ) được hưởng chế độ TNLĐ.

Được trả đủ lương trong thời gian chữa trị

Trách nhiệm của NSDLĐ khi có NLĐ bị TNLĐ được quy định tại Khoản 2 Điều 105; Khoản 2, Khoản 3 Điều 107, Điều 143 BLLĐ, cụ thể:

- Người bị TNLĐ phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.

- Trong thời gian NLĐ nghỉ việc để chữa trị vì TNLĐ, NSDLĐ phải trả đủ lương.

- NSDLĐ phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị TNLĐ. NLĐ được hưởng chế độ BHXH về TNLĐ.

- NSDLĐ có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do TNLĐ mà không do lỗi của NLĐ. Trong trường hợp do lỗi của NLĐ thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất cũng bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).

Giám định sau khi chữa trị

Sau khi điều trị, tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động do TNLĐ, NLĐ được giám định và xếp hạng thương tật để hưởng trợ cấp một lần hoặc hàng tháng do quỹ BHXH trả.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật BHXH thì NLĐ bị TNLĐ được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau: Sau khi thương tật đã được điều trị ổn định; hoặc sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định.

Trợ cấp TNLĐ

Quy định về trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp phục vụ, thời điểm nhận trợ cấp áp dụng theo các Điều 42, 43, 44, 46 Luật BHXH:

- Trợ cấp 1 lần: Trường hợp NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp 1 lần. Mức trợ cấp 1 lần như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung. Ngoài mức trợ cấp này, NLĐ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH, từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 tháng tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

- Trợ cấp hàng tháng: Trường hợp NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung.

Ngoài mức trợ cấp này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH, từ 1năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

- Trợ cấp phục vụ: Trường hợp NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng nêu trên, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương tối thiểu chung.

- Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng NLĐ điều trị xong, ra viện. Trường hợp thương tật tái phát, NLĐ được đi giám định lại mức suy giảm khả năng lao động thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa.

Về các thắc mắc của bà Vũ Thị Kim là cán bộ quản lý Trường THCS bị TNLĐ về việc hưởng lương và phụ cấp ưu đãi trong thời gian chữa trị TNLĐ, chế độ trợ cấp TNLĐ:

Theo quy định về các thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi nêu tại điểm b, khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC không có thời gian nghỉ chữa trị TNLĐ.

Cùng với đó, tại khoản 1, Mục III, Thông tư này quy định phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập được trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè) và không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm y tế.

Do vậy, trong thời gian bà Kim nghỉ chữa trị TNLĐ được Nhà trường trả tiền lương bao gồm cả phụ cấp ưu đãi theo Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC (nếu bà đang được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi này trước khi bị TNLĐ). Và Nhà trường phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi bà được điều trị xong.

Đối với các khoản trợ cấp TNLĐ (nếu có, sau khi giám định suy giảm khả năng lao động) do BHXH chi trả theo mức lương tối thiểu chung, hoặc theo mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị, thì không có phụ cấp ưu đãi trong đó vì phụ cấp ưu đãi không dùng để tính đóng, hưởng BHXH.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

Chế độ với người lao động bị tai nạn trên đường đi làm

Chế độ bồi thường cho người bị tai nạn lao động

Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức lương tối thiểu mới

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/che-do-doi-voi-nguoi-bi-tai-nan-lao-dong/20127/143858.vgp